Thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016, Hội thảo du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và M.I.C.E  do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia du lịch, các đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn chủ trì hội thảo.

Với sự tham gia của đông đảo người mua trong nước và quốc tế, ban tổ chức kỳ vọng du lịch Đà Nẵng thực sự tăng tốc và phát triển. Ảnh: THU HÀ

Với sự tham gia của đông đảo người mua trong nước và quốc tế, ban tổ chức kỳ vọng du lịch Đà Nẵng thực sự tăng tốc và phát triển.

Tại hội thảo, chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế đưa ra những phân tích, đánh giá, nhận định để làm rõ thêm về chủ đề hội chợ. Đó là xu hướng phát triển nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E trên thế giới; thị trường và khả năng đáp ứng về du lịch nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; nhân lực cho việc phát triển du lịch M.I.C.E ở Đà Nẵng.

Tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam

Các chuyên gia đều có chung đánh giá, Đà Nẵng đang là thành phố động lực của du lịch Việt Nam và cùng với Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế tạo dựng điểm đến có sức thu hút ngày càng lớn trong bản đồ du lịch Việt Nam. Đà Nẵng đang nổi lên không chỉ là du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng mà còn là điểm đến của những sự kiện trong nước và quốc tế. Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức những sự kiện lớn mang tầm quốc tế như Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi Marathon quốc tế… sắp tới là Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG), Tuần lễ cấp cao APEC… Hiện nay Đà Nẵng đang có 535 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với trên 20.000 phòng, với nhiều thương hiệu lớn như Pullman, Furama, Intercontinental, Vinpearl, Crowne… đảm bảo đón các đoàn khách M.I.C.E khi đến Đà Nẵng tổ chức hội thảo, nghỉ dưỡng.

Bà Mary Mckeon, Trưởng nhóm tư vấn Dự án EU-ESRT cho rằng du lịch nghỉ dưỡng biển và M.IC.E đang được thị trường châu Âu quan tâm bởi đây là một thị trường tiềm năng với hơn 1 triệu lượt khách đến Việt Nam hằng năm, chiếm 15% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2015). Đây cũng là một trong số những thị trường có khách lưu trú dài ngày nhất 13,29 ngày (số liệu năm 2014). Duyên hải miền trung (DHMT) có cơ hội rất lớn để phát triển du lịch M.I.C.E bởi khu vực này đang là điểm đến thu hút khách du lịch châu Âu, các sản phẩm đa dạng, cung cấp cho hầu hết các phân khúc thị trường khách du lịch, giao thông ngày càng thuận lợi hơn, có những trải nghiệm riêng biệt dành cho du khách…

Bên cạnh đó, theo thống kê của Vienna, chi tiêu hằng ngày của các đại biểu tham dự hội nghị xấp xỉ gấp 2 lần chi tiêu của khách du lịch nghỉ dưỡng (260 EUR so với 475 EUR), do đó bà Mary McKeon đưa ra kế hoạch phát triển trong 10 năm bao gồm các bước như Tăng cường quảng bá điểm đến, tập trung tiếp thị để thu hút du lịch M.I.C.E, thiết lập khung thành lập Cục Xúc tiến hội nghị khu vực DHMT; Cục Xúc tiến hội nghị, từ đó đặt nền tảng cho Năm du lịch quốc gia bằng việc tổ chức các sự kiện lớn.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cũng cho rằng  Đà Nẵng có rất nhiều cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế. Để có thể làm cho thương hiệu của thành phố rõ nét và chuyên nghiệp hơn, ông Nguyễn Xuân Bình đưa ra một số đề xuất như phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm hội nghị, hội thảo, sự kiện, kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng; với các giải pháp cụ thể như thành lập Trung tâm Hội nghị và khách du lịch; xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế; tập trung quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến mới, hấp dẫn của M.I.C.E, xúc tiến các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng…

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Cùng với kết cấu hạ tầng, tài nguyên, nguồn nhân lực du lịch M.I.C.E cũng được các chuyên gia và những người làm du lịch quan tâm. TS Phan Văn Lưu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL, cho rằng để khai thác hết thế mạnh của mình và tiệm cận với du lịch nghỉ dưỡng của một số nước lân cận như Thái Lan, Singaporre… thì phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch M.I.C.E. Du lịch M.I.C.E có đặc trưng “3 cao” (tiềm năng tăng trưởng cao, giá trị gia tăng cao và sự đổi mới có lợi cao); cung cấp “3 lớn” (doanh thu lớn, cơ hội việc làm lớn và ngành công nghiệp hiệp hội lớn); và 3 ưu điểm (Lợi thế hơn các ngành công nghiệp nguồn lực, bí quyết công nghệ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực). TS Nguyễn Văn Lưu cho rằng, đội ngũ nhân lực du lịch M.I.C.E phải có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này; xây dựng và tập huấn triển khai quy trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của nhân lực du lịch chất lượng cao cho du lịch M.I.C.E; cân nhắc thiết lập một tổ chức chuyên nghiệp cho việc tổ chức du lịch M.I.C.E của Đà Nẵng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình cũng cho rằng phải thu hút các tổ chức chuyên gia, lao động về MICE, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động chuyên nghiệp đến làm việc tại Đà Nẵng. Trong khi đó, ông Đỗ Khôi Nguyên, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận thấy vai trò của những người dẫn dắt chương trình phải rất sống động, phải làm sao để người nghe không nhàm chán. Vì vậy phải thực sự quan tâm đến các yếu tố này.

Ông Florian Beranek đến từ tổ chức UNIDO cũng cho rằng Đà Nẵng nên là nơi tiên phong trong việc đào tạo nguồn nhân lực; nên thay đổi để có thể đào tạo được đội ngũ nguồn nhân lực tốt, vì du lịch là ngành kết nối với các con người với nhau như thế sẽ có nhiều nhân lực chất lượng cao hơn.

Qua ý kiến của các diễn giả, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng hội tụ nhiều tiềm năng, có nhiều điều kiện để phát triển nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Để thúc đẩy hơn nữa loại hình dịch vụ du lịch này, riêng ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế sẽ liên kết để đề nghị một số chính sách cho phù hợp, đặc biệt xúc tiến, quảng bá ở một thị trường trọng điểm về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E.

Sưu tầm