Project-based learning - Phương pháp học tập của thế kỷ 21

Trong phương pháp Project-based learning – Học theo dự án, người học trải qua một quá trình tìm tòi, khám phá để trả lời một câu hỏi, một vấn đề hay một thử thách đòi hỏi tư duy sâu do giáo viên đưa ra. Một dự án được lên kế hoạch thực hiện, quản lý, đánh giá cụ thể, phù hợp với nhiều đối tượng học viên, nhằm giúp người học tiếp thu được những nội dung học thuật quan trọng, rèn luyện và phát triển các kỹ năng của thế kỷ 21  (như làm việc nhóm, giao tiếp và tư duy phản biện) và thành quả là những sản phẩm thực, những bài thuyết trình hay dạng thể hiện có chất lượng tốt của chính các học viên

Phương pháp Học theo dự án có những đặc điểm sau:

  • Định hướng những nội dung quan trọng. Mục tiêu của phương pháp này là giúp học viên nắm được những chuẩn mực và các khái niệm chính nằm trong trọng tâm đào tạo.
  • Đòi hỏi tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, hợp tác, giao tiếp và trao đổi thông tin. Để có câu trả lời cho câu hỏi giáo viên đưa ra và tạo ra một sản phẩm chất lượng, người học cần tư duy nhiều hơn là ghi nhớ thông tin đơn thuần. Người học cần sử dụng kỹ năng tư duy bậc cao, học cách làm việc theo nhóm hiệu quả, lắng nghe ý kiến của người khác và đưa ra quan điểm của mình một cách rõ ràng, có khả năng đọc nhiều tài liệu, viết hoặc thể hiện bản thân theo nhiều cách khác nhau và thuyết trình thuyết phục. Những kỹ năng, năng lực tư duy này của não bộ thường được biết đến với tên gọi “Bộ kỹ năng của thế kỷ 21”, bởi đây là những yếu tố tiên quyết để có được thành công trong môi trường làm việc hiện đại của thế kỷ 21.
  • Cần có các câu hỏi mang tư duy phản biện – một phần không thể thiếu của quá trình học hỏi và sáng tạo. Người học đặt ra những câu hỏi, tìm kiếm câu trả lời và đưa ra kết luận. Quá trình này dẫn dắt người học xây dựng một ý tưởng, một sản phẩm hoặc một dạng thể hiện mới.
  • Được thiết kế xoay quanh một câu hỏi gợi mở ý tưởng. Phương pháp này tập trung vào các hoạt động của người học và phụ thuộc vào việc họ học được những gì qua khung các nội dung quan trọng, các cuộc tranh luận, các thách thức và các vấn đề nảy sinh.
  • Tạo ra nhu cầu cần phải nắm được nội dung và các kỹ năng thiết yếu. Phương pháp học theo dự án vẫn giữ nguyên trình tự trình bày các thông tin và khái niệm như phương pháp học truyền thống. Một bài học chuẩn theo phương pháp Project-based learning sẽ được bắt đầu bằng việc đưa ra các kiến thức và khái niệm. Sau khi học viên đã nắm được vấn đề sẽ có cơ hội ứng dụng vào các dự án cụ thể. Quá trình học theo dự án được bắt đầu với mục tiêu hướng tới thành quả cuối cùng là một sản phẩm hay một bài thuyết trình của học viên. Điều này tạo nên tình huống và lý do để người học chủ động học và nắm được các kiến thức, khái niệm của môn học để hoàn thành dự án.
  • Tạo cơ hội cho người học thể hiện bản thân, có tiếng nói và tự ra quyết định. Người học học cách làm việc độc lập và có trách nhiệm khi phải đưa ra quyết định. Cơ hội được lựa chọn, thể hiện những gì đã học theo cách của riêng mình cũng giúp tăng sự say mê học tập của người học.
  • Có nhận xét và đánh giá quá trình. Người học được yêu cầu đưa ra và nhận các phản hồi để nâng cao chất lượng sản phẩm mình tạo nên, suy nghĩ về những gì đã học được và bằng cách nào họ tiếp nhận được kiến thức.
  • Thu hút sự chú ý của cộng đồng. Học viên trình bày thành quả của họ với các bạn cùng lớp, với giảng viên hoặc đưa lên mạng. Điều này kích thích học viên nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, cũng như nâng cao tính bản quyền của sản phẩm, chống gian lận trong phương pháp học này.
  • Nếu chúng ta nghiêm túc với việc đạt được các mục tiêu giáo dục thế kỷ, phương pháp Project-based learning chắc chắn sẽ là tâm điểm của giáo dục đào tạo thế kỷ 21. Dự án xuyên suốt từ đầu và theo khung nội dung của môn học, khác với các bài tập nhỏ hay các hoạt động được thêm vào phương pháp dạy truyền thống. Project-based learning là thành phần chính chứ không chỉ là “món tráng miêng phụ” trong hoạt động đào tạo.

Tại sao lựa chọn Project-based learning?

Học sinh có được hiểu biết sâu về các khái niệm và tiêu chuẩn cốt lõi của dự án. Phương pháp này còn giúp xây dựng các kỹ năng làm việc thực tế và hình thành thói quen học tập lâu dài. Phương pháp học tập này cũng cho phép học viên giải quyết các vấn đề về giao tiếp, khám phá cơ hội nghề nghiệp, tương tác cùng với các cố vấn giàu kinh nghiệm, sử dụng công nghệ và thể hiện kết quả dự án của mình với mọi người, không chỉ ở bó hẹp ở bối cảnh lớp học. Thêm vào đó, Project-based learning còn tạo động lực thúc đẩy những học viên vốn cảm thấy trường học rất nhàm chán và vô nghĩa.

Ứng dụng phương pháp Project-based learning như thế nào?

Một số giáo viên ứng dụng Project-based learning rộng rãi như là nền tảng tổ chức môn học và phương pháp đào tạo của họ. Một số khác ứng dụng Project-based learning một vài thời điểm trong năm học. Các dự án đa dạng về thời gian thực hiện, có thể trong một vài ngày cho tới một vài tuần, thậm chí kéo dài suốt một học kỳ. Project-based learning có hiệu quả với tất cả các cấp học, tất cả các môn học, trong giáo dục kỹ thuật/dạy nghề, gia sư sau giờ lên lớp và các hoạt động giáo dục tương đương khác.

Nguồn: http://www.poly.edu.vn/blog