Bài học từ Hàn Quốc về xu hướng mới trong màu sắc của hàng tiêu dùng

Thời điểm cuối năm dương lịch và âm lịch bao giờ cũng là cơ hội để các tập đoàn, công ty sản xuất hàng tiêu dùng tung ra những "con át chủ bài" nhằm thu hút người dân đi mua sắm. Năm nay, hệ thống các siêu thị, cửa hàng tạp hóa tại Hàn Quốc bày la liệt những mặt hàng không những chỉ có chất lượng cao, mà còn có mẫu mã, màu sắc phong phú, bắt mắt hơn hẳn những năm trước.

Hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Hàn Quốc tràn ngập những mặt hàng tiêu dùng với những màu sắc mới lạ, trái hẳn với những gam màu truyền thống. Chẳng hạn như trong gian hàng thực phẩm nổi bật những quả chuối màu…đỏ tía, táo màu đen, còn những củ cà rốt vốn đã sặc sỡ nay càng nổi bật hơn với màu vàng. Ngoài ra, các mặt hàng tiêu dùng gia đình khác cũng khoác thêm những màu sắc mới nổi bật và độc đáo hơn hẳn những năm trước đây.
Chính xu thế màu sắc phong phú và đột phá ấy đã hấp dẫn người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn. Bên cạnh sự hỗ trợ của kỹ thuật công nghệ cao, thì ngành marketing Hàn Quốc cũng góp công không nhỏ khi nghiên cứu kỹ lưỡng và hiến kế cho các nhà sản xuất trong việc xác định màu sắc cho sản phẩm của họ.


Hàng thực phẩm: đột phá về màu sắc 

Siêu thị E-mart tại các thành phố lớn của Hàn Quốc tung ra sản phẩm gạo màu…tía. Những hạt gạo trắng tinh quen thuộc được các nhà khoa học nghiên cứu thêm chất xúc tác màu nhằm biến thành màu tía khi nấu chín. Sản phẩm gạo “tía” này, theo người phát ngôn của E-mart, được cơ quan y tế chứng nhận là an toàn, có chức năng chống bệnh ung thư và những triệu chứng lão hóa. Chính vì vậy mà gạo “tía” trở thành sản phẩm gạo bán chạy thứ hai ở tất cả các siêu thị.
Nhà sản xuất mặt hàng này đã rất tinh tế khi lựa chọn gam màu tía là màu tự nhiên, không quá xa lạ với các sản phẩm nông nghiệp,(cà tím, khoai lang đều có gam màu này)... quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Việc khoác màu tía cho những hạt gạo vừa gợi cho người mua sự thích thú, mới lạ, mà vẫn không bị phản cảm, đảm bảo người dân ăn ngon miệng.
Hệ thống cửa hàng bán lẻ của tập đoàn Hyundai cũng gây được sự chú ý với mặt hàng cà rốt màu vàng, cà chua đen hoặc tím. Một số siêu thị và cửa hàng bán lẻ khác còn có cả những quả táo màu đen, chuối màu đỏ và tía… Những gam màu mới trong những mặt hàng thực phẩm đã thu hút được nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm nhằm phục vụ cho bữa tiệc trong ngày lễ của người dân xứ Hàn. 

Hàng tiêu dùng: màu sắc sinh động và đa dạng  

Những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày cũng đua nhau “khoác áo mới”. Những chiếc thớt truyền thống vốn được làm bằng gỗ, sau đó là nhựa cứng màu trắng, nay được sản xuất với đủ chủng loại màu sắc khác nhau như da cam, xanh lá cây, xanh đại dương, vàng, hồng… Những màu sắc được lựa chọn đều thuộc gam màu sáng, nổi bật, hợp với không gian ấm cúng của nhà bếp.
Năm trong số các cửa hàng thuộc hệ thống bán hàng của Lotte đã bán những chiếc thớt “màu mè” này từ Tháng Chín, và doanh thu trong vòng một tháng đã tăng lên gấp 5 lần. Điều đó cho thấy những người nội trợ tại Hàn Quốc đã bị “bắt mắt” bởi những sản phẩm tưởng như… không cần phải thay đổi nhiều này.
Nhà sản xuất đồ lót Good People cũng tung ra loạt sản phẩm mới Sexy Coookie màu xanh. Và chính những sản phẩm màu xanh đã đạt doanh thu cao hơn hẳn sản phẩm của các nhà sản xuất khác với những gam màu truyền thống như đỏ, trắng và đen. Good People cho rằng, khách hàng vốn thích những gam màu ấm trong mùa đông, và các nhà sản xuất đổ xô vào những màu nóng như đỏ, trắng… Vì vậy, họ lựa chọn màu xanh, vẫn thích hợp trong tiết trời cuối năm, lại mới lạ và gợi cảm giác dễ chịu cho khách hàng.
Để có được những mặt hàng đa dạng, bắt mắt vào dịp cuối năm này, các nhân viên marketting của Hàn Quốc đã chuẩn bị khá lâu trước đó. Chẳng hạn như những nhân viên của Lotte đã điều tra và thấy 70-80% khách hàng thích mua những sản phẩm tiêu dùng màu trắng. Dựa trên gam màu mà khách hàng ưa thích, các nhà sản xuất có thể triển khai, sản xuất thử những mặt hàng mang cùng tông màu để thu hút người tiêu dùng.
Màu sắc sản phẩm có tác dụng rất lớn đối với hành vi mua sắm của khách hàng. Những mặt hàng mang màu sắc quen thuộc dẫn đến sự nhàm chán. Việc mạnh dạn tung ra những gam màu đi ngược lại với truyền thống, quá phổ biến, mà vẫn có cảm giác dễ chịu với khách hàng như cách làm Good People đã thu lại được thành công nhất định.
Ngoài việc nắm bắt tâm lý mua sắm và thị hiếu về màu sắc của người tiêu dùng, một bài học thú vị nữa của các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Hàn Quốc, là họ biết cách làm phong phú những mặt hàng phổ biến, những vật dụng nhỏ trong đời sống gia đình hàng ngày tưởng chừng như không cần phải thay đổi thêm nhiều. Chẳng hạn với những chiếc thớt được sản xuất thêm nhiều màu sắc mới đã khơi dậy niềm đam mê mua sắm của những người nội trợ ngay cả khi chiếc thớt họ đang sử dụng chưa hề hỏng hóc hoặc chưa cần thiết phải thay thế.

Đúng như một số nhà quan sát thị trường nhận định, trong vô số mặt hàng tiêu dùng với màu sắc đa dạng như hiện nay, các nhà sản xuất phải tinh tế, mạnh dạn trong việc chọn màu sắc một cách nổi bật và sáng tạo, mang lại bản sắc riêng cho sản phẩm của họ thì mới thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng.