Hầu hết sinh viên khi mới bước chân vào ngưỡng cửa đại học thường sẽ gặp những vấn đề khó khăn về tài chính, điều đó có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng đến kết quả học tập, tinh thần và cả sức khỏe.
Tại sao phải quản lý tài chính cá nhân ngay từ thời đại học?
Mọi người thường không thừa nhận với bản thân rằng họ có một vấn đề cho đến khi nó trở nên không thể kiểm soát được. Con người chúng ta rất giỏi lý trí và bao biện cho bản thân. Hầu như các bạn tân sinh viên đều rất chủ quan, chẳng hề để tâm đến việc tiết kiệm hay tính toán chi tiêu đúng cách và dễ bị vướng vào những thú vui hao phí. Nhiều sinh viên gặp phải áp lực tài chính liền ưu tiên làm thêm kiếm tiền mà quên đi mục đích thật sự khi lên đại học, dẫn đến chậm trễ tiến độ ra trường hay thậm chí là bỏ học.
Không có kế hoạch hay sự kỷ luật về tài chính sẽ dễ khiến bạn rơi vào bế tắc, không những ảnh hưởng đến việc học tập mà còn khiến cho tinh thần và sức khỏe của bạn suy giảm. Thời gian làm thêm nhiều hơn học, ăn mì tôm để tiết kiệm, ngủ không đủ giấc, phải thức khuya để vừa làm thêm vừa chạy deadline…. Áp lực tiền bạc, công việc và học tập khiến mọi thứ trở nên mất cân bằng và khó kiểm soát.
Vì thế, là một sinh viên, thời điểm tốt nhất để bắt đầu tìm hiểu về tài chính cá nhân là bây giờ. Nó không chỉ giúp cải thiện tình hình hiện tại của bạn mà còn cung cấp những công cụ thích hợp cho việc đi làm trong tương lai và cũng sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về thói quen chi tiêu của mình.
Vậy sinh viên cần phải làm gì để quản lý tài chính cá nhân và tiết kiệm tiền?
Xác định khoản chi mỗi tháng
Điều đầu tiên để quản lý tài chính cá nhân đó là xác định khoản chi hàng tháng. Nó có thể là các khoản ăn uống, tiền trọ, điện nước, wifi, xăng xe, điện thoại, học phí, đồ dùng học tập, vui chơi giải trí, du lịch, mua sắm, hay thậm chí là tiền gửi xe hàng ngày… Hãy liệt kê hết tất cả các khoản chi tiêu cho dù là nhỏ nhất của bạn ra một cuốn sổ hoặc ứng dụng điện thoại. Sau đó, bạn hãy làm theo công thức dưới đây.
Quản lý tài chính hiệu quả theo công thức “50-30-20”
Đầu tiên, hãy tổng hợp tất cả khoản thu nhập hàng tháng bao gồm cả thu nhập từ việc làm thêm, trợ cấp từ gia đình... Sau đó thực hiện quản lý tài chính theo công thức 50 - 30 - 20.
- 50% chi tiêu cho những mục thiết yếu
Bạn cần dành ra 50% thu nhập để chi cho những hạng mục thiết yếu như: ăn uống, tiền trọ, điện nước, wifi, xăng xe, điện thoại, học phí, đồ dùng học tập… Có thể bạn nghĩ 50% là tỷ lệ cao, nhưng thực ra khi xem xét danh mục những thứ cần chi tiêu, bạn sẽ thấy đây là một con số hợp lý.
Thông thường những chi phí thiết yếu sẽ không chênh lệch nhiều giữa các tháng, chính vì vậy bạn có thể giữ nguyên tỷ lệ 50%.
Nếu tổng chi phí thiết yếu vượt quá 50% mức thu nhập, các chuyên gia khuyên rằng bạn có thể giảm 5% ở danh mục chi tiêu cá nhân, không nên giảm ở mục tài chính.
- 30% chi tiêu cho những mục cá nhân
Mục này bao gồm các khoản chi tiêu cho: mua sắm, sở thích, xã giao, du lịch, giải trí… Đây là những đầu chi không cần thiết mỗi tháng nên nếu được, hãy cân nhắc chuyển khoản này sang mục tiêu tài chính.
- 20% chi tiêu cho những mục tiêu tài chính: tiết kiệm và đầu tư.
Nếu bạn đang gặp vấn đề trong việc chi tiêu ngân sách của mình, thì việc nghĩ đến tiết kiệm cho tương lai dường như là vô nghĩa. Tuy nhiên, nếu bạn có thể dành một số tiền hàng tháng vào kế hoạch tiết kiệm, thì điều đó đáng để cố gắng. Tình huống khẩn cấp hoặc bất ngờ có thể xảy ra đột ngột như: hư xe, đám cưới, chữa bệnh… Việc có một khoản tiết kiệm sẽ giải phóng hoàn toàn cái cảm giác áp lực từ các khoản “trên trời rớt xuống” đó. Có tiền tiết kiệm để đối phó với nó sẽ ít căng thẳng hơn nhiều so với việc phải tìm một khoản vay. Hoặc nếu bạn có đủ khả năng, hãy đầu tư, để tiền đẻ ra tiền. Tuy nhiên, đầu tư sẽ có nhiều rủi ro nên hãy cân nhắc trước khi thực hiện.
Hãy thực hiện chi tiêu theo nguyên tắc “chi ít hơn thu” để đảm bảo bạn không phải ăn mì tôm vào cuối tháng hay mắc phải các khoản nợ. Nếu số tiền thu nhập hàng tháng của bạn thấp, hãy chia lại công thức trên cho phù hợp với điều kiện và mức sống của bạn. Nhưng phải đảm bảo mục tiết kiệm không dưới 10%.
Sử dụng ứng dụng điện thoại
Bạn có thể sử dụng cách truyền thống là ghi ra một cuốn sổ, nhưng nó không thực sự hiệu quả và linh hoạt. Điện thoại là một vật có thể nói là “bất ly thân” của hầu như mọi sinh viên, vì thế, nó sẽ giúp bạn dễ dàng ghi chú những khoản chi tiêu thường ngày và quản lý chúng hiệu quả. Sinh viên có thể lựa chọn ứng dụng như: Money Lover, Sổ thu chi MISA hoặc Fast Budget - Expense Manager. Đây đều là những ứng dụng được đánh giá cao về tính năng và dễ dàng sử dụng.
Tự nấu ăn
Bạn sẽ ngạc nhiên về số tiền bạn có thể tiết kiệm chỉ bằng cách ăn hầu hết các bữa ăn của bạn tại nhà. Bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn việc ăn uống bên ngoài nhưng hãy gạt một vài niềm đam mê đó sang một bên, hãy siêng lên vì nấu ăn ở nhà không chỉ rẻ hơn mà cũng tốt cho sức khỏe nữa.
Kiếm nhiều hơn hay chi tiêu ít hơn?
Đây là một câu hỏi khó khăn và nó thường trở thành một vấn đề đối với sinh viên đại học. Thời đại học, việc đi làm thêm là rất cần thiết và có nhiều điểm lợi, nó giúp bạn có một khoản thu hàng tháng, phát triển kỹ năng, xây dựng các mối quan hệ, giảm thời gian tụ tập, đi ăn, đi chơi với bạn bè… Nhưng nếu làm việc quá nhiều có thể có tác động tiêu cực do chiếm thời gian mà bạn có thể cần cho việc học, còn nếu cố gắng chi tiêu ít nhất có thể sẽ khiến bạn bị gò bó và cảm thấy thiếu thốn.
Vì vậy, lời khuyên là hãy cân bằng giữa 2 điều này. Làm vừa đủ, tiết kiệm vừa phải. Tốt hơn hết là chi tiêu ít hơn cho những thứ không bắt buộc. Hãy cân nhắc xem liệu bạn có hạnh phúc hơn khi chi tiêu ít hơn hay không nếu điều đó có nghĩa là bạn có thể làm việc ít hơn và tận hưởng thời đại học của mình và có thời gian để nghiên cứu nhiều hơn nữa.
Kiểm soát thói quen chi tiêu và sống thực tế
Bạn có phải là một người mua sắm bốc đồng? Nếu đúng như vậy, bạn sẽ phải thay đổi thói quen chi tiêu và học cách kiềm chế. Bắt đầu bằng cách học cách phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn của bạn. Balo của bạn bị hư và bạn có nhu cầu mua một cái mới để phục vụ cho việc đi học của mình, nó là một khoản chi tiêu đột ngột nhưng là cần thiết. Cùng với đó, bạn mong muốn có một balo thật xịn, nhưng bạn có thực sự cần mua một cái balo đắt nhất không?
Có tiền hay không có tiền không xác định được bạn là ai. Những người bạn thực sự của bạn sẽ không vì bạn dùng đồ giảm giá hoặc đi xe buýt đến trường thay vì lái một chiếc ô tô mới mà chê bài, đánh giá. Bạn được người khác đánh giá cao hơn vì con người của bạn chứ không phải những thứ bạn có. Có thể hiện tại bạn không giàu có, không nhiều tiền, nhưng bạn đang thật sự cố gắng cho tương lai, và một ngày nào đó, bạn sẽ đạt được thành công mà mình muốn.
Bạn không cần phải chi tiêu nhiều như bạn bè của mình để trở thành một người trong nhóm. Một số người luôn có nhiều tiền hơn những người khác và tiêu nhiều hơn. Đừng cảm thấy bạn phải thực hiện bất kỳ hoạt động đắt tiền nào mà họ đề xuất chỉ để bạn phù hợp. Bạn có thể từ chối các buổi chơi bời không cần thiết nếu như bạn thấy điều đó đang vượt quá ngân sách kế hoạch của mình. Không đi chơi, đi nhậu với bạn bè không có nghĩa là bạn sẽ mất họ.
Một thái độ tích cực dẫn đến thành công. Học cách thư giãn và không bị căng thẳng về tiền bạc. Nếu bạn cần thay đổi cách tiêu tiền, hãy xem đây là một thành tích thú vị chứ không phải là một sự thật đáng buồn. Hãy cảm thấy hài lòng về việc tiết kiệm ngân sách và cách tiêu tiền thông minh của mình.
Hãy thực tế về những gì bạn có thể hoàn thành. Nếu ngân sách của bạn tiết lộ rằng bạn không có đủ tiền ngay cả khi đang làm việc và kiểm soát cẩn thận chi tiêu của mình, bạn vẫn có thể cần một khoản vay dành cho sinh viên hoặc những thay đổi lớn hơn trong lối sống của mình. Không sao cả, có nhiều cách để giải quyết vấn đề đó. Nhưng nếu bạn đặt mục tiêu quá cao về việc chi tiêu ít hơn và tiết kiệm nhiều một cách phi thực tế, bạn có thể trở nên chán nản hoặc nản lòng nếu không đạt được mục tiêu của mình. Trước khi có thể lập một ngân sách hiệu quả, bạn cần xem xét những gì bạn đang chi tiền hiện tại và cân nhắc những gì cần thiết và những gì có thể tùy ý.
Ban đầu, quản lý tài chính ở thời đại học có vẻ quá sức nhưng nếu bạn đặt nền móng cho thói quen lập ngân sách và chi tiêu thông minh ngay từ đầu, thì điều đó sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với bạn. Quan trọng hơn, bạn sẽ học cách xử lý tiền có trách nhiệm, đây là một kỹ năng sẽ giúp bạn đứng vững hơn sau khi bạn tốt nghiệp.
Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn sinh viên quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả hơn!