(TBKTSG) - Thật không dễ hình dung những người khổng lồ như Sony trong ngành thiết bị điện tử gia dụng hay McDonald’s cha đẻ của “thức ăn nhanh” (fast food) lại có ngày vật lộn với nguy cơ bị xóa sổ. Sony đã bốn năm liên tiếp ngụp lặn trong thua lỗ, trong năm qua đã phải dứt ruột bán đi nhãn hiệu máy tính xách tay Vaio - từng là niềm ao ước của dân văn phòng. Còn McDonald’s vẫn đang trên đà tuột dốc không phanh, các biện pháp cải tiến được đưa ra nhằm cải thiện tình hình, nhưng vấn đề hãng phải đối mặt là giới trẻ hôm nay không còn hứng thú và đang quay lưng lại với nhãn hiệu vàng đỏ này.
Nguyên nhân dẫn đến sa sút thì có nhiều, nhưng có một nguyên nhân chung mà những người khổng lồ đều mắc phải, là đã nhận định sai và không theo kịp xu hướng tiêu dùng. Sony quá say sưa với thành công của ti vi màn hình phẳng Trinitron nên đánh giá thấp xu hướng LCD trong ngành ti vi. McDonald’s nghĩ rằng giới trẻ vẫn thích thú với những chiếc Big Mac mà quên đi rằng nhu cầu ngày hôm nay về thức ăn đã thay đổi, người tiêu dùng đã chán những món ăn nhiều calo và chất béo, họ cần những thứ chất lượng hơn, tự nhiên hơn.
Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi cùng với sự cộng hưởng của công nghệ Wifi Internet, của điện thoại thông minh... thế giới trở nên phẳng hơn và điều này giúp cho tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn. Tuổi thọ của các ý tưởng kinh doanh càng lúc càng ngắn đi. Ngày hôm nay, hành động nhanh còn quan trọng hơn chờ đợi sự hoàn hảo. Ai nhanh hơn người đó sẽ có ưu thế, thậm chí có nhiều công ty sẵn sàng hy sinh tối ưu ban đầu để có được tiến độ thời gian.
Để không bị tụt hậu, luôn giữ được vị trí trong đường đua, bạn và công ty của bạn phải luôn trong trạng thái chuyển động. Chỉ một phút lơ là, ngưng nghỉ đôi khi sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Cần chuyển động ngay trong tiềm thức, trong suy nghĩ. Trong thế giới thay đổi này, ngay cả suy nghĩ, văn hóa cũng thay đổi và vì thế chúng ta cần tập cho mình thói quen luôn cập nhật những xu hướng tiêu dùng mới, những nhu cầu mới của khách hàng, của công nghệ để ứng dụng cho các sản phẩm của mình. Lấy ví dụ đơn giản, ngày hôm nay giới trẻ không còn trầm trồ hứng thú với những quảng cáo đẹp với những thần tượng ngôi sao như trước đây vì đơn giản đó gần như là tiêu chuẩn của tất cả các quảng cáo. Họ mong đợi nhiều hơn thế nữa, họ muốn thấy được hình ảnh của bản thân mình, cảm được nội dung bằng ngôn ngữ, cách diễn đạt của họ...
Bắt đầu từ suy nghĩ, ý tưởng kinh doanh và biến chúng thành những sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cách đây vài ba năm, chúng ta thường nói, sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm đó sẽ chiến thắng. Nhưng dường như hôm nay điều đó là chưa đủ mà phải là đón được hay tạo ra xu hướng tiêu dùng mới. Nhìn lại cuộc chiến của các hãng điện thoại thông minh trong năm vừa qua, đã có lúc tưởng như Samsung bằng dòng điện thoại Galaxy màn hình lớn đã phế truất ngôi vua của Apple, tuy nhiên sau nhiều năm trung thành với màn hình vừa phải, iPhone thế hệ 6 màn hình lớn đã xuất hiện và ngay lập tức đẩy kết quả kinh doanh của Samsung sụt giảm kỷ lục trong quí 3. Rồi sau bao năm mải mê với các dòng điện thoại cao cấp, Samsung còn bỏ quên mảng điện thoại thông minh bình dân và kết quả là đang từ vị trí người dẫn đầu, hôm nay Samsung bị kẹt bởi phía trên là Apple, còn bên dưới là hãng điện thoại bình dân đầy tham vọng Xiaomi mới đến từ Trung Quốc. Nếu Samsung không có bước chuyển mình mang tính cách mạng, thì e rằng sẽ rất khó trong thế gọng kìm này...
Trong quá trình biến đổi các ý tưởng thành các sản phẩm, dịch vụ, công ty phải có một bộ máy khỏe mạnh, hoạt động trơn tru và nhanh chóng thích ứng mới có thể đáp ứng được các thay đổi trong ý nghĩ, đón đầu được các nhu cầu, các xu hướng tiêu dùng mới. Lưu ý rằng, yếu tố tiến độ ở đây vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Bạn cần hiểu rằng, nếu bạn có một ý tưởng hay, cần bắt tay ngay vào thực hiện nó, kể cả khi mọi thứ chưa rõ ràng. Đơn giản là vì nếu ý tưởng đó thực sự hay, thì đâu đó trên thế giới 6 tỉ người, cũng sẽ có một ai đó có ý nghĩ tương tự như bạn và trong kinh doanh, người đầu tiên luôn có ưu thế lớn. Đừng để mất cơ hội này. Muốn vậy, cần phải chuẩn bị cho đội ngũ của mình tinh thần và năng lực đối phó với sự thay đổi, luôn tìm tòi cải tiến trong môi trường thay đổi hay nói cách khác luôn đi tìm giải pháp tối ưu trong sự không rõ ràng.
Công ty nào sở hữu được nhiều con người với tố chất, suy nghĩ và năng lực như vậy sẽ có nhiều cơ hội thành công trong cuộc đua ngày hôm nay.
Điều cuối cùng, một con người dù tài giỏi đến mấy cũng không phải lúc nào cũng đúng. Cần duy trì cơ chế chạy tiếp sức trong đội ngũ của mình. Thiên tài Steve Jobs cho rằng màn hình iPhone không nên to quá 4 inch vì không thuận tiện để sử dụng bằng một tay. Ông đúng, khi nhận định rằng với kích thước lớn hơn, sẽ kém đi sự tiện dụng vốn là tiêu chí đầu tiên của iPhone. Nhưng có một điều ông không tính đến là người tiêu dùng sẵn sàng hy sinh sự tiện dụng dùng điện thoại một tay để có được màn hình to hơn, đáp ứng được nhiều tính năng giải trí hơn. Samsung đã đánh vào điểm yếu này và vượt qua Apple mấy năm gần đây. Nhưng may mắn cho Apple, sau Steve Jobs, Apple vẫn còn có Tim Cook, người đã thấy được khuyết điểm và quyết định thay đổi. Kết quả như thế nào, chúng ta đều đã biết qua cơn sốt iPhone thế hệ 6 trên phạm vi toàn cầu cuối năm rồi.
Năm 2014 đầy khó khăn đã qua, năm 2015 theo nhận định chung vẫn còn đó nhiều rủi ro từ kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam. Trong chặng đường sắp tới sẽ có không ít khó khăn, trở ngại và cả những thay đổi ngoài dự báo. Muốn thành công, chúng ta cần giữ được tinh thần, hành động theo nguyên tắc “luôn chuyển động” - keep moving nhìn về phía trước và nếu may mắn, chúng ta sẽ lại thành công.