Ngày 02/04/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh Hành pháp 14256, áp đặt thuế nhập khẩu đối ứng đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sắc lệnh này có hiệu lực từ ngày 05/04/2025. đối với mức thuế cơ bản và từ ngày 09/04/2025 đối với các mức thuế cao hơn dành cho từng quốc gia cụ thể. Quyết định này được đưa ra nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa.
Nội dung sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump đặt ra hai mức thuế nhập khẩu chính:
- Thuế cơ bản 10%: Áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 05/04/2025.
- Thuế đối ứng cao hơn: Áp dụng cho khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ hoặc bị cho là có các rào cản thương mại không công bằng. Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 09/04/2025.
Theo sắc lệnh mới, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, mức thuế sẽ cao hơn đáng kể. Cụ thể, Việt Nam phải đối mặt với mức thuế 46%, cao hơn nhiều so với mức thuế dành cho các quốc gia khác như Trung Quốc (34%) và Liên minh châu Âu (20%).

Tổng thống Mỹ cầm tấm bảng ghi mức thuế nhập khẩu đối ứng áp dụng cho các nước
Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 119,5 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm trước đó. Đáng chú ý, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (23,2 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (22,1 tỷ USD), dệt may (16,2 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (9,8 tỷ USD), cùng gỗ và sản phẩm gỗ (9,1 tỷ USD).

Biểu đồ cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ năm 2024
So với một số quốc gia xuất khẩu sang Mỹ thì mức thuế áp dụng tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia khác như: Hàng hóa từ Ấn Độ chịu mức thuế 26%; Mức thuế đối với Bangladesh là 37%. Mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành như dệt may, điện tử và giày dép. Chi phí tăng cao có thể làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ, dẫn đến nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ từ các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn.
Trước đây, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, với mức thuế mới này, các doanh nghiệp có thể xem xét việc dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia khác- nơi có mức thuế thấp hơn, hoặc thậm chí quay trở lại sản xuất tại Hoa Kỳ mặc dù chi phí cao hơn
Chính phủ Việt Nam đã đề nghị đàm phán với Hoa Kỳ để giảm thiểu tác động của sắc lệnh thuế đối ứng, đồng thời cam kết mong muốn duy trì quan hệ thương mại ổn định và tiếp tục là đối tác quan trọng của Mỹ. Hãy cùng chờ đợi và hy vọng các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ mang lại những kết quả tích cực, giúp duy trì sự phát triển bền vững trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.