(TBKTSG Online) – Thị trường bất động sản (BĐS) từ năm 2014 đến nay đã có dấu hiệu hồi phục, thanh khoản tăng lên đáng kể, chưa thấy dấu hiệu của “bong bóng” BĐS quay trở lại, song sự cẩn trọng với hiện tượng này từ phía doanh nghiệp lẫn các nhà quản lý là không bao giờ thừa.
Đây là những ý kiến được ghi nhận tại hội nghị bất động sản với chủ đề “Cơ hội đầu tư nửa thập kỷ tới” do tạp chí Nhịp cầu đầu tư và Báo Đất Việt phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 12-5 tại TPHCM.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, thị trường BĐS trên cả nước thời gian qua đã có những tín hiệu đáng mừng với lượng giao dịch nhà đất thành công tăng nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước.
Giao dịch thành công cả phân khúc nhà giá thấp và phân khúc trung cao cấp, tồn kho bất động sản giảm đến 40% kể từ năm 2014.
Cùng với những yếu tố khởi sắc trên, thị trường này cũng nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ như sự hồi phục của nền kinh tế, sự phát triển của hệ thống hạ tầng và giao thông tại các đô thị lớn, sự quan tâm của người mua nhà và các nhà đầu tư BĐS quay trở lại, các thay đổi từ chính sách quản lý nhà ở…
Song, theo ông Thành, thị trường BĐS vẫn còn đó những rủi ro. Chẳng hạn, tăng trưởng công nghiệp – xây dựng chậm lại trong thời gian qua khi tỷ lệ đô thị hóa chưa tới 40% cũng đặt ra những nghi vấn về một ngành bất động sản – xây dựng “chưa giàu đã già”. Chưa hết, khi đặt thị trường này vào mối tương quan với kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính mới thấy những thách thức rất lớn cho BĐS từ rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô, vấn đề nợ công, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng…
Từ đó, ông Thành kết luận, thị trường BĐS vẫn hấp dẫn trong thời gian tới nhưng cần cẩn trọng để giám sát các rủi ro, đề phòng “bong bóng” BĐS quay trở lại mà bất cứ doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như những nhà hoạch định chính sách phải lưu tâm.
“Chính phủ, một mặt muốn thị trường BĐS hồi phục, một mặt lại lo lắng thị trường này phát triển quá nóng dẫn đến không kiểm soát được,” ông Thành nhận xét.
Trái với những cảnh báo từ ông Thành, một số lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc lớn tại TPHCM khi trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị trên lại cho rằng, “bong bóng” BĐS sẽ khó quay trở lại, ít nhất là trong vòng 5 năm tới.
Lập luận của các chủ doanh nghiệp này là ngoại trừ một số ít doanh nghiệp trên cả nước đang có sản phẩm bán chạy, đồng thời có tiềm lực tài chính lớn để đầu tư các dự án mới, thì phần lớn các doanh nghiệp còn lại đang chật vật xử lý hàng tồn kho, chấp nhận hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để bán được hàng.
Song, sự thận trọng từ các doanh nghiệp đã được ghi nhận khi sản phẩm mới được họ tung ra đã giảm quy mô diện tích, giá bán nhằm phù hợp hơn với đa số khách hàng, vắng bóng hiện tượng chạy đua đưa ra các sản phẩm giá trị lớn như nhiều năm trước.
Ông Marc Townsend, Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam, đưa ra nhận xét, nếu như cách đây 7-8 năm, các doanh nghiệp đua nhau đưa ra thị trường các loại nhà ở diện tích trên 100 mét vuông thì nay, diện tích này đang được giảm xuống phổ biến ở mức 50-70 mét vuông.
Về cuộc tranh luận giá nhà Việt Nam đang rẻ nhất thế giới nổ ra mới đây, ông Marc Townsend cho rằng, cần phải xét yếu tố thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam khi đưa ra so sánh này. Từ đó, ông Marc Townsend cho rằng, nhận định trên là khập khiễng nếu so sánh với giá nhà của các nước tiên tiến, với thu nhập bình quân của người dân cao hơn hẳn Việt Nam.
Khả năng chi trả của người mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt là những người mới lập nghiệp, là khá thấp, do đó rất cần sự hỗ trợ về tài chính từ Chính phủ, theo ông Marc Townsend. Theo đó, các gói cho vay mua nhà cần có lãi suất thấp với thời gian cho vay dài hơn, khoảng trên 30 năm, mới phù hợp với khách hàng tại Việt Nam.