gtag('config', 'UA-146424091-12'); 3 yếu tố cần thiết để phát huy tính sáng tạo trong công việc

3 yếu tố cần thiết để phát huy tính sáng tạo trong công việc

Chúng ta thường nghĩ sáng tạo là một khả năng rất khó điều khiển - bởi khoảnh khắc "Ơ rê ca!" ấy có thể chợt loé lên trong đầu bạn bất cứ lúc nào, khi đang ở trong phòng tắm hoặc khi đang lái xe. Và sau khi mọi công ty đã nếm trải cả thành công hay thất bại trong quá trình cố gắng phát minh ra một thứ gì đó, sáng tạo vẫn chỉ là thứ bạn chỉ nhận ra khi nó đã đến rồi.

Tuy nhiên, nếu bạn xem xét các lý thuyết khoa học đằng sau những ý tưởng sáng tạo thì bạn có thể biết cách tạo ra sự sáng tạo và sử dụng chúng để đem lại lợi ích cho công ty của bạn.

Yếu tố 1: Sự tò mò

Đây là một yếu tố  gần như tất cả các thiên tài sáng tạo đều có. Albert Einstein đã từng viết: "Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Đơn giản là tôi chỉ tò mò với mọi thứ trên đời”, và trong tiểu sử của Leonardo da Vinci, tác giả Peter J. Gelb kết luận rằng gốc rễ sự vĩ đại của Da Vinci là "hành trình không ngừng nghỉ cho sự nghiệp học tập" của ông.

Marcial Losada - một nhà tâm lý học, đồng thời là chuyên gia về động lực nhóm phát hiện ra rằng nhóm làm việc hiệu quả nhất là nhóm có tỷ lệ đặt câu hỏi cao hơn so với nhóm chỉ chăm chăm bảo vệ quan điểm. Ví dụ, nếu ai đó đưa ra ý tưởng về một chiến dịch marketing mới, một người thuộc nhóm đặt câu hỏi sẽ hỏi rằng "Bạn nghĩ trong bao lâu chúng ta có thể khởi động chiến dịch này?" Ngược lại, nếu anh ta/cô ta thuộc nhóm bảo vệ quan điểm thì sẽ ngay lập tức phát biểu rằng: "Có lẽ phải mất ba tháng mới có thể cho ra mắt sản phẩm". Qua đó có thể thấy, phương thức đơn giản nhất để khơi dậy tính sáng tạo trong môi trường làm việc là khuyến khích các nhân viên của mình tích cực đặt câu hỏi nhiều hơn.

Yếu tố 2: Tư duy cởi mở

Losada  đã phát hiện ra rằng những nhóm thành công thường quan tâm nhiều đến các nhân tố khách quan hơn là chủ quan, có nghĩa là họ sẵn sàng chấp nhận quan điểm ngoài lề. Vì vậy, thay vì tập trung vào bản thân, họ có xu hướng mở rộng sự chú ý ra bên ngoài, bằng cách hợp tác và học hỏi từ những gì người khác đang làm.

Trong cuốn sách "Steal like an artist", Austin Kleon - nhà văn kiêm họa sĩ đã từng nói, "Tất cả các tác phẩm sáng tạo đều  được sáng tác dựa trên những thứ sẵn có." Đây là một quan điểm rất có lý. Thông thường, sự sáng tạo thoạt tiên xuất phát từ việc kết hợp, xây dựng và phát triển ý tưởng. Các cá nhân và công ty có thể sáng tạo hơn chỉ đơn giản bằng cách nhìn nhận thế giới một cách cởi mở, tiếp thu kinh nghiệm và ý tưởng mới sau đó quyết định những gì đáng để "lấy cắp".

Yếu tố 3: Sự tích cực. 

Một vài nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cảm giác hạnh phúc có được ở môi trường làm việc khiến người ta làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng người ta sẽ phát huy tính sáng tạo nhiều hơn khi họ cảm thấy hạnh phúc và tự tạo động lực từ bên trọng.

Tiến sĩ David Logan, tác giả của cuốn “Tribal Leadership”, chỉ ra rằng hoạt động nhóm sẽ hiệu quả hơn khi chuyển từ suy nghĩ "Tôi tuyệt vời" thành "Chúng tôi tuyệt vời". Và cuối cùng, bạn sẽ có được "một cuộc sống tuyệt vời." Thái độ tích cực này sẽ làm quan điểm sống của bạn trở nên cởi mở và giúp tăng cường khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Với các bằng chứng kể trên, làm thế nào các công ty có thể tạo động lực cho nhân viên của mình và khơi dậy khả năng sáng tạo trong họ? Dưới đây là một số phương pháp để trau dồi ba yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo trong đội ngũ nhân viên ở công ty bạn:

Tổ chức các buổi ăn trưa kết hợp với việc tìm hiểu.

Khám phá những kỹ năng và niềm đam mê khác thường của mỗi nhân viên bằng cách tổ chức các buổi ăn trưa hàng tháng, cho phép họ chia sẻ những kiến thức về nấu nướng hay tình yêu dành cho xe đạp cổ. Nhân viên của bạn sẽ học được một vài điều mới mẻ đồng thời xây dựng được những mối quan hệ gắn bó hơn với các đồng nghiệp khác khi họ khám phá ra những sở thích chung giữa họ.

Đầu tư vào việc đào tạo nhân viên.

Khả năng đặt câu hỏi, hay sự quan tâm tới những người khác và duy trì sự tích cực là những kỹ năng hoàn toàn có thể đào tạo được. Việc đào tạo nhân viên từ những ví dụ thực tế trong công việc và đời sống hàng ngày có thể cung cấp cho nhân viên của bạn những công cụ, bài học hữu ích mà họ ngay lập tức có thể áp dụng với khách hàng và đồng nghiệp.

Cải tiến chương trình họp.

Nếu nhóm của bạn tổ chức họp thường xuyên, hãy tạo một vài thay đổi đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả cho chương trình họp. Mở màn cuộc họp bằng một tin tốt sẽ tạo nên sự tích cực cho nhóm của bạn. Khi thảo luận về các vấn đề, hãy đặt ra năm "câu hỏi tại sao" để giúp nhân viên nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, và hiểu được nguyên nhân của vấn đề. Để khuyến khích việc quan tâm tới người khác nhiều hơn, hãy yêu cầu người tham gia họp thừa nhận và nói lời cảm ơn khi mà các thành viên khác báo cáo tiến độ và những thành quả mà họ đạt được .

Tạo những khoảng thời gian sáng tạo.

Google nổi tiếng  với chính sách "20% thời gian" (nhân viên được dành một ngày làm việc để tham gia vào các dự án khác); Facebook được biết đến với cuộc thi hackathons (một cuộc thi lập trình diễn ra trong thời gian ngắn). Vào thời điểm thích hợp, hãy cho nhân viên thời gian để họ thực hiện các dự án mình thích để nuôi dưỡng sự tò mò. Ví dụ, các nhân viên có thể tự do tham dự Sự kiện Startup Weekend (Ngày hướng nghiệp khởi nghiệp) để họ có thể tìm thấy cảm hứng sáng tạo cho riêng mình.

Hỏi ý kiến từ các nhân viên

Bạn không chắc về việc phương pháp nào có thể khuyến khích sự sáng tạo cho nhân viên một cách hiệu quả? Hãy hỏi họ về điều này. Nhưng chắc chắn là nhóm bạn sẽ có những gợi ý tuyệt vời cho việc giải quyết vấn đề này.

Đừng chờ đợi những ý tưởng bất chợt đến trong phòng tắm. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra những đột phá sáng tạo, chỉ cần khai thác sức mạnh của sự tò mò, hướng đến những người khác và nuôi dưỡng một thái độ tích cực tại công ty của bạn. Và bạn sẽ sửng sốt trước kết quả mà những phương pháp này mang lại.

Theo Saga