gtag('config', 'UA-146424091-12'); 4 lời khuyên từ một sinh viên trung bình

4 lời khuyên từ một sinh viên trung bình

Mark Weinberger hiện là Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) của EY, tập đoàn hàng đầu trong cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn tài chính. Với hơn 175.000 nhân viên trên 150 quốc gia, EY, cùng với 3 công ty kiểm toán khác trong nhóm “Big 4”, đã trở thành một tác nhân quyền lực cả về kinh tế lẫn chính trị mà gần như cả Chính phủ lẫn tư nhân đều không thể bỏ qua. Dưới đây là những lời khuyên của Mark dành cho các bạn trẻ ngày nay.

Mark Weinberger, Chủ tịch kiêm CEO của EY.

"Khi còn học tại trường Luật Case Western Reserve, có thể nói tôi là một sinh viên “chấp nhận được”. Ít ra là vậy bởi điểm số của tôi cũng không quá tệ, nhưng tôi nghĩ tôi chẳng có một điểm gì nổi bật để các giáo sư nhớ đến cả. Nhiều người ngạc nhiên khi giờ đây lại có rất nhiều người (trong đó sinh viên chiếm đa số) muốn tôi cho họ một lời khuyên? Đó quả là một câu hỏi thú vị.

Tôi đã làm việc và học tập vô cùng chăm chỉ khi còn là sinh viên và đó thực sự là một quãng thời gian tuyệt vời. Và hôm nay tôi sẽ nói với những ai đang ở tuổi 22 rằng: Mỗi chúng ta đều có rất nhiều con đường để có thể đi tới thành công cũng như một cuộc sống mà chúng ta mong muốn.

Các bạn đừng nên hiểu lầm tôi. Một bảng điểm đẹp luôn là một mục tiêu cần thiết trong trường học. Cho dù điểm có thể không cao nhưng không có nghĩa là bạn được phép xao nhãng việc học hành. Học như thế nào và đâu là niềm đam mê của bạn còn quan trọng hơn rất nhiều so với kiến thức mà bạn đang học. Trên tất cả, những mối quan hệ xã hội, kinh nghiệm thực tế và khả năng đương đầu rủi ro sẽ quyết định những gì mà bạn đạt được sau này.

Để tôi kể cho các bạn nghe về những kinh nghiệm tôi có được sau khi tốt nghiệp tại trường luật:

  • Tôi dành 10 năm làm việc cho Chính phủ mà không hề học qua một lớp học nào về chính trị
  • Tôi thành lập một công ty luật và vận động hành lang mà chưa từng được thực hành luật trước đó
  • Và hiện tại tôi đang điều hành một công ty kiểm toán toàn cầu mặc dù tôi chỉ được học về luật và kinh tế.

Bạn có thấy sự liên quan ở đây không? Và sau đây là một vài lời khuyên tôi muốn gửi tới những ai đang ở tuổi 22:

1. Hãy cởi mở đón nhận mọi cơ hội

Có thể bạn không nhận ra nhưng bạn sẽ trở thành vị CEO của chính cuộc đời mình. Bởi chỉ có bạn mới có thể theo dõi và quyết định điểm đến của mình sau khi tốt nghiệp. Vì thế hãy luôn cởi mở và đón nhận mọi cơ hội mà bạn có được. Trường học là nơi giúp bạn chuẩn bị tất cả để bạn có thể làm được những điều mà bạn thậm chí chẳng thể nghĩ tới.

Tôi thường cố gắng thử thách bản thân mình bằng cách đón nhận những rủi ro và trải nghiệm mới. Bài học mà tôi rút ra là đừng bao giờ tự giới hạn bản thân bằng những kiến thức bạn học trong nhà trường hay bởi tấm bằng mà bạn có trong tay. Những kỹ năng vô cùng cần thiết trong thời đại thông tin ngày nay là suy nghĩ phản biện, chấp nhận rủi ro và học cách tranh luận.

Chỉ trong vòng vài năm nữa, rất nhiều người trong số chúng ta sẽ làm những công việc mà chẳng có ai nghĩ đến vào lúc này. Hãy luôn nhớ rằng, chúng ta có thể sẽ thay đổi sự nghiệp của mình vài lần trong đời. Và điều đó đối với tôi luôn luôn thấy thú vị.

Trong một thế giới không ngừng thay đổi như ngày nay, điều quan trọng nhất để bạn có thể thích nghi với nó là không ngừng học hỏi. Hãy luôn chủ động và đừng bao giờ lo sợ trước bất cứ điều gì, cho dù mọi thứ là hoàn toàn mới hoặc xa lạ với bạn. Theo cách đó, khi cơ hội tìm tới bạn, bạn sẽ luôn ở trong tư thế sẵn sàng để chớp lấy nó.

2. Thế giới sẽ cho bạn thấy giới hạn nhưng chỉ có bạn mới tìm ra cơ hội cho chính bản thân

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà cơ hội nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử. Đó là nơi mà 147 trong 500 công ty lớn nhất thế giới có trụ sở chính đặt tại các quốc gia mới nổi. Chưa đầy một thập kỷ trước, con số này chỉ bằng 1/3. Mọi dữ liệu sử dụng trong hiện tại hầu hết đều được cập nhật chưa đầy 2 năm về trước. Thế giới này đang thay đổi vô cùng nhanh chóng và chúng ta thậm chí không có thời gian để nghĩ tới các giới hạn nữa.

Tương lai của loài người chưa bao giờ được tạo ra bởi những ai lo nghĩ vào giới hạn của mình, mà được quyết định bởi những con người chỉ nghĩ đến những khả năng. Lịch sử đã cho thấy điều quan trọng nằm ở thái độ của mỗi người.

Khi bạn bước vào một căn phòng, cơ hội cũng sẽ đi cùng với bạn. Nhưng nếu bạn chỉ nghĩ tới rủi ro của cơ hội đó, sẽ chẳng có ai muốn ngồi chung bàn với bạn. Vì thế, thay vì tự nhốt mình trong phòng kín, hãy đi ra ngoài kia mà đuổi theo những cơ hội khác nhau để tìm cho mình một vị trí xứng đáng. Sẽ chẳng có ai làm điều đó thay bạn đâu.

3. Học cách cân bằng cuộc sống và giữ cam kết của mình

Cũng như việc bạn muốn tìm một vị trí tốt trong phòng họp, bạn cũng sẽ muốn có một chỗ ngồi thoải mái cho bữa tối cùng gia đình. Cuối cùng, dù bạn có cố gắng cho công việc bao nhiêu đi chăng nữa, cũng sẽ tới lúc bạn cần tới cuộc sống và một gia đình hạnh phúc. Điều này còn quan trọng hơn mọi công việc mà bạn đang và sẽ làm trong cuộc đời. Phải, nó không chỉ tốt cho bạn mà còn là điều tốt nhất mà bạn có thể có. Tuy nhiên, tôi sẽ không nói dối bạn: quả thực, điều này sẽ rất khó đấy.

Bất kể bạn làm gì trong cuộc sống, việc bạn nghĩ về những điều mình sẽ không làm là một lẽ tự nhiên. Đó là lý do tại sao tôi thực sự tin rằng cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một điều vô cùng cần thiết.

Tôi còn nhớ trong một cuộc họp cấp cao tại Trung Quốc, mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ nhưng tôi vẫn cảm thấy khá lo lắng vì muốn tạo một ấn tượng tốt đối với họ. Trong khi trả lời câu hỏi, tôi đã thú nhận rằng tôi muốn rời cuộc họp sớm bởi tôi có một cam kết khác cần giữ: Con gái tôi lúc đó đang thi lấy bằng lái xe và tôi đã hứa sẽ ở đó với cháu. Tôi rời khỏi phòng họp, bước lên máy bay và kịp về nhà để đưa con đi thi (và cô bé đã vượt qua kỳ thi). Chắc chẳng có ai còn nhớ bài phát biểu của tôi hôm đó, nhưng tôi nhận được hàng trăm email bày tỏ sự ngưỡng mộ việc tôi đã quyết định giữ đúng cam kết với con gái của mình.

Có thể nói tôi vô cùng yêu thích công việc hiện tại của mình và đó là một trong những cơ hội tuyệt vời nhất trong đời tôi. Nhưng khi được chọn cho vị trí CEO hiện tại, tôi đã kèm theo một điều kiện nhỏ: Dù bất kể tôi ở đâu trên thế giới này, tôi đều muốn được về nhà vào cuối tuần.

Việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều vô cùng cần thiết. Bất kể công việc của bạn có thăng tiến nhanh tới đâu, đôi lúc bạn cũng sẽ cần dừng lại và đánh giá những gì thực sự quan trọng đối với bạn. Hãy để cuộc sống của bạn luôn có đủ chỗ cho tất cả những ai mà bạn yêu quý.

4. Đừng bao giờ quên bạn là ai hay bạn từ đâu tới

Lời khuyên cuối cùng có lẽ cũng là lời khuyên tốt nhất của tôi. Đó là những gì tôi đã được học từ cha của mình. Bất kể bạn đã đi tới đâu hay làm được những gì, cũng đừng bao giờ quên bạn là ai hay bạn đến từ đâu.

Mỗi lần được đề bạt một vị trí mới, tôi đều gọi cho ông và như thường lệ, sau khi chúc mừng tôi, ông đều nói: “Hãy nhớ rằng ba luôn yêu con dù bất kể chức vụ của con là gì.” Đối với tôi, những lời này còn quan trọng hơn tất cả những gì mà tôi đã làm được. Và cũng đừng bao giờ quên ai là người đã giúp bạn có được tới ngày nay bởi để đi đến thành công, bạn sẽ cần tới sự giúp đỡ của rất nhiều người. Điều này sẽ giúp bạn đạt tới những đỉnh cao tiếp theo trong sự nghiệp của mình.

Những người trẻ ngày nay thường có xu hướng vật chất hơn, nắm bắt công nghệ nhanh hơn và kết nối nhiều hơn bao giờ hết. Gần như không còn rào cản nào ngăn cản bạn tiếp cận với thông tin, con người hay quốc gia. Vì thế, đừng để bất cứ khó khăn nào làm ngăn bạn đi tới mục tiêu của mình bởi tất cả những nguyên liệu cho thành công đều đang nằm trong tay bạn.

Điều bạn cần làm bây giờ là bắt tay vào công việc và chấp nhận mọi rủi ro. Hãy chớp lấy mọi cơ hội mà bạn có để tạo nên cuộc sống mà bạn mong muốn. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một ngày các bạn để lại một dấu ấn nào đó trong lịch sử. Chúc các bạn thành công".

KHÁNH LƯU/CAFEBIZ