gtag('config', 'UA-146424091-12'); 7 cách thẩm định ý tưởng kinh doanh

7 cách thẩm định ý tưởng kinh doanh

Tư vấn cho hơn 5.000 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong 10 năm qua, Kedma Ough nhận thấy hầu hết các dự án đều gặp khó khăn chính là khâu thẩm định tính khả thi của ý tưởng.

Tổng hợp từ kinh nghiệm thực tế, Kedma Ough giới thiệu 7 công cụ giúp các DN có thể chủ động kiểm định tính khả thi trong các ý tưởng kinh doanh của mình.

1. Công cụ ATAP

ATAP đại diện cho 4 bước: Awareness (Nhận thức), Trial (Thử nghiệm), Availability (Nhu cầu sẵn có) và Repeat (Lặp lại).

Công cụ này được sử dụng cho mọi loại sản phẩm kinh doanh và nhất là những sản phẩm cần được đánh giá trước khi đưa ra thị trường.

Phương pháp này có 4 câu hỏi giúp DN quyết định mức tiềm năng của ý tưởng:

  • Awareness: Ai là người hiện có nhận thức đầy đủ nhất về sản phẩm sắp ra mắt?
  • Trial: Ai sẽ hứng thú khi dùng sử sản phẩm?
  • Availability: Ai có tiềm năng tiếp cận với sản phẩm?
  • Repeat: Ai sẵn sàng trả tiền để mua sản phẩm thêm nhiều lần nữa?

2. Danh sách các khía cạnh cần phân tích

Phòng Nghiên cứu Sáng tạo thuộc ĐH Princeton (Mỹ) đã công bố danh sách các câu hỏi nhằm hỗ trợ DN kiểm tra các khía cạnh cần thẩm định đối với một ý tưởng kinh doanh.

  • Bạn có cân nhắc hết mọi ưu điểm hoặc lợi nhuận có thể mang lại từ ý tưởng này chưa? Liệu có tồn tại nhu cầu thị trường thực sự không?
  • Bạn có định vị được chính xác những vấn đề hoặc khó khăn chính mà ý tưởng của bạn sẽ cung cấp giải pháp chưa?
  • Ý tưởng này là hoàn toàn mới trên thị trường hay là một ý tưởng cải tiến từ những ý tưởng khác?
  • Trong ngắn hạn, các kết quả hoặc lợi nhuận nào có thể thu được từ ý tưởng này? Những lợi nhuận có được ước lượng đầy đủ chưa? Những rủi ro có xứng đáng với những lợi nhuận dự đoán này không?
  • Trong dài hạn, ý tưởng này sẽ mang đến lợi nhuận gì?
  • Liệu có bất kỳ vấn đề nào ý tưởng này có thể tạo ra khi ứng dụng vào thực tế không? Những yếu tố liên quan nào sẽ thay đổi khi xảy ra vấn đề?
  • Ý tưởng khi đưa vào hiện thực sẽ được đơn giản hóa hoặc phức tạp hóa thế nào?
  • Bạn có thể tạo ra những biến thể khác nào từ ý tưởng này? Những phương án thay thế tối ưu khác là gì?
  • Liệu ý tưởng của bạn có đủ hấp dẫn đối với sức mua tự nhiên không? Thị trường đã sẵn sàng cho ý tưởng này chưa? Các khách hàng có đủ tiền để mua không? Nếu đủ, họ có sẵn sàng mua không? Có yếu tố thời gian nào tác động đến ý tưởng không?
    Đâu là những đối thủ cạnh tranh với bạn trong lĩnh vực này? Công ty của bạn có thể cạnh tranh với các đối thủ này không?
  • Bạn đã xem xét đến khả năng thị trường từ chối ý tưởng này chưa?
    Liệu ý tưởng của bạn có phục vụ cho một nhu cầu có thực không? Nhu cầu đó được tạo ra từ các chương trình khuyến mãi hay các chiến dịch quảng cáo?
  • Khi nào thì ý tưởng có thể đưa vào hiện thực?

3. Bản đồ đồng thuận

Mục tiêu của phương pháp này là giới thiệu ý tưởng một cách hiệu quả đến với từng nhóm khách hàng tiềm năng hoặc các đối tác liên quan.

Nhà sản xuất sản phẩm sẽ thu thập toàn bộ những ý kiến đồng thuận từ các bên liên quan. Sau đó, DN cần liệt kê tất cả các đóng góp cùng với các nhiệm vụ và thời hạn phải hoàn thành trong một sơ đồ. Điều này sẽ giúp DN chọn ra được những gợi ý tốt nhất cho quá trình cải tiến ý tưởng của mình.

4. Kỹ thuật Delphi

Đây là phương pháp kỹ thuật thẩm định dựa vào quan điểm của những chuyên gia phân phối độc lập. Kỹ thuật này giúp giải mã sức mạnh của ý tưởng trong một thị trường cụ thể.

Ví dụ, nếu một DN có ý định phát triển dòng sản phẩm trong ngành đồ dùng gia dụng tại Mỹ, cá nhân đó nên liên hệ với Warren Tuttle, bộ phận phụ trách đo lường thị trường của Lifetime Brands.

Lifetime Brands là thương hiệu chuyên về sản xuất và phân phối sản phẩm cho hơn 30.000 sản phẩm tại thị trường mình với các thương hiệu như Farberware, Kitchen Aid, Cuisinart và Mikasa. Trung bình mỗi năm Lifetime Brands "đỡ đầu" cho khoảng 4.000 ý tưởng từ khắp nước Mỹ.

Những nhà phân phối độc lập này sẽ là kênh hiệu quả giúp nhà đầu tư định giá đúng giá trị của ý tưởng trên thị trường.

5. Phân tích chi phí - lợi nhuận

Kỹ thuật này áp dụng cho những nhà đầu tư đang có nhiều ý tưởng khả thi nhưng chưa quyết định sẽ đầu tư vào đâu. Cách thức chung của phương pháp này là tính toán tất cả các chí phí cần đầu tư trong trường hợp đưa từng ý tưởng vào sản xuất. Sau đó, so sánh mức độ cho phí cần đầu tư của từng ý tưởng và ra quyết định.

Các chi phí cần cân nhắc bao gồm: chi phí sản xuất mẫu thử, bảo vệ thương hiệu, chi phí giấy phép, chi phí sản xuất, phân phối và tiếp thị.

6. Phản biện nhóm

Câu ngạn ngữ "hai cái đầu luôn tốt hơn một" là nền tảng chính của phương pháp này. Cụ thể, bạn sẽ giới thiệu các ý tưởng đang có đến những nhóm khác nhau và cho phép các nhóm cùng tham gia thảo luận để chọn ra ý tưởng tốt nhất dựa trên những tính chất và nhu cầu đặc biệt.

Phương pháp này là chiến thuật rất tốt để DN áp dụng khi có quá nhiều ý tưởng để lựa chọn. Thông qua các phần phản biện sâu với mỗi nhóm, DN cũng sẽ nắm bắt được nhu cầu, sở thích của từng nhóm tính cách khách hàng cụ thể.

7. Cây quyết định

Đây là phương pháp đồ thị hóa những quyết định khả thi và những hậu quả đi kèm theo mỗi quyết định đó. Bằng cách so sánh từng trục với nhau, DN sẽ định ra được đâu là cơ hội tốt nhất để thành công, dựa trên cùng một nguồn lực, chi phí và thời gian sẵn có.

LÂM NGHI