gtag('config', 'UA-146424091-12'); 7 kỹ năng cần có để tìm việc làm thành công

7 kỹ năng cần có để tìm việc làm thành công

Trong thời buổi thị trường lao động thắt chặt như hiện nay, kỹ năng mềm được coi yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng tìm được việc, chứ không phải bằng cấp hay kinh nghiệm.

Kỹ năng mới bao gồm kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề, sáng tạo, kỹ năng cá nhân... Kỹ năng mềm tạo ra sự khác biệt lớn giữa người làm được việc và người làm việc tốt.

1. Lắng nghe

Không ai muốn làm việc với người không thích lắng nghe. Nếu bạn không thể làm việc theo hướng dẫn, dù tài năng xuất chúng ra sao, sớm muộn bạn sẽ gặp khó khăn. Để trở thành một người biết lắng nghe, hãy luyện tập bằng cách lắng nghe tích cực khi nói chuyện với người khác. Nếu bạn không thể nhắc lại hầu hết các chi tiết trong cuộc nói chuyện vừa kết thúc, hãy cố gắng tập trung hơn nữa vào các cuộc giao tiếp hàng ngày.

Và khi tham gia ứng tuyển, hãy đọc kỹ và làm theo hướng dẫn trong thông báo tuyển dụng. Còn trong cuộc phỏng vấn, hãy lắng nghe cẩn thận câu trả lời và “tung hứng” ăn ý với nhà tuyển dụng.

2. Thích nghi

Bạn có phải là người đầu tiên trong nhóm phàn nàn khi kế hoạch thay đổi bất ngờ? Bạn buồn phiền và lo nghĩ khi mọi việc không theo ý mình? Nếu vậy, hãy tìm cách để bản thân bớt cứng nhắc hơn. Không ai thích thay đổi hay xáo trộn, đặc biệt trong công việc như hiện nay, linh động và tinh thần sẵn sàng chào đón những điều bất ngờ là một kỹ năng giá trị, giúp bạn có thêm nhiều cơ hội mới.

3. Làm việc theo nhóm

Hầu hết các công việc đều yêu cầu khả năng làm việc theo nhóm và phối hợp giữa các phòng ban. Có thể nói “Làm việc hòa hợp với người khác” là điều bắt buộc đối với nhân viên ở bất cứ lĩnh vực nào.

Bạn có thể luyện tập cách trở thành một thành viên trong nhóm qua các hoạt động tập thể ngoài công việc. Hãy cân nhắc việc tham gia một câu lạc bộ thể thao hay tình nguyện làm việc phi lợi nhuận trong một dự án chung để luyện tập và cải thiện kỹ năng làm việc theo nhóm của mình.

4. Ra quyết định

Cũng giống hầu hết các kỹ năng mềm khác, kỹ năng ra quyết định không phải là điều bạn được dạy tại trường. Không ai có thể dạy bạn cách phán đoán và hành động đúng đắn nhất ngoại trừ kinh nghiệm của bản thân.

Bạn có thể tận dụng mạng xã hội để luyện tập kỹ năng này. Chẳng hạn, khi đăng tải điều gì đó lên Facebook và sau đó ân hận vì nó, bạn sẽ biết rằng mình nên và không nên chia sẻ những gì. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động và bạn sẽ biết cách cải thiện.

5. Làm việc tích cực

Nếu sếp/ đồng nghiệp cũ xác nhận bạn là người làm việc tích cực, chủ động, sáng tạo, bạn sẽ có danh tiếng tốt và tìm việc một cách thuận lợi hơn. Còn nếu không được đánh giá/ không có những phẩm chất đó, hãy tìm cách thay đổi, bắt đầu bằng cách tích cực hơn trong quá trình tìm việc của mình.

6. Giao tiếp

Có thể nói giao tiếp là gốc rễ của tất cả kỹ năng mềm. Nếu bạn có thể giao tiếp tốt, bạn đã thành công một nửa trong quá trình tìm việc. Nhà tuyển dụng đánh giá rất cao kỹ năng này ở ứng viên. Hãy xác định trình độ giao tiếp hiện tại của bạn bằng cách chú ý tới cách bạn nói chuyện qua điện thoại, kiểm tra lại cách trình bày hồ sơ xin việc, cách bạn viết mail cho nhà tuyển dụng. Liệu chúng có được trình bày rõ ràng và ấn tượng hay không?

Nhà tuyển dụng sẽ biết ngay bạn có kỹ năng giao tiếp tốt hay không khi bạn giới thiệu bản thân và khi trả lời câu hỏi. Bạn có thể luyện tập bằng cách chuẩn bị điều sẽ nói trong cuộc phỏng vấn. Hãy đầu tư cho kỹ năng này bởi đây là kỹ năng quan trọng, thậm chí cả đối với những người tìm việc liên quan tới công nghệ, kỹ thuật - vốn khô khan, không đòi hỏi giao tiếp nhiều.

7. Phong thái lạc quan

Điều này đơn giản chỉ là thể hiện sự thân thiện. Nếu bạn bất lịch sự với nhân viên lễ tân và tỏ thái độ khinh khỉnh với những ứng viên khác, bạn sẽ mất điểm trong cuộc phỏng vấn. Hoặc nếu là người hay phàn nàn, bạn làm cho quá trình tìm việc của mình khó khăn hơn. Hãy thay đổi thái độ và quan điểm theo chiều hướng tích cực, lạc quan hơn để hạnh phúc trong công việc cũng như cuộc sống.