Bạn có bao giờ băn khoăn tại sao mình luyện nghe tiếng Anh nhiều nhưng vẫn nghe không được? Và bạn đã từng áp dụng theo nhiều phương pháp luyện nghe tiếng Anh giao tiếp rất hay mà vẫn tiến bộ ì ạch? Nhiều khả năng bạn đang luyện kỹ năng nghe tiếng Anh chưa đúng hướng. Sau đây là môt số điều nên tránh khi luyện nghe tiếng anh.
Không luyện nghe thường xuyên
Không một “phương pháp thần kỳ” nào có thể giúp bạn nghe tốt hơn nếu như bạn không nghe tiếng Anh thường xuyên. Những chương trình luyện nghe nói tiếng Anh hiệu quả được nhắc đến nhiều nhất hiện nay như Pimsleur hay Effortless English đều đòi hỏi học viên nghe thường xuyên, thậm chí mỗi ngày.
Nghe là việc đầu tiên và đơn giản nhất bạn có thể làm để tiếp xúc và trở nên quen thuộc với một ngôn ngữ mới (cho dù bạn chưa hiểu mình nghe được gì). Những đứa trẻ đã học một ngôn ngữ mới như thế nào? Chúng nghe tiếng Anh liên tục mỗi ngày, 365 ngày/ năm, suốt nhiều năm. Sau đó chúng mới bập bẹ tập nói và đến trường học đọc, học viết.
Dĩ nhiên, với một phương pháp học tiếng Anh hiệu quả, bạn không cần phải nghe liên tục suốt nhiều năm rồi mới có thể nói, đọc, viết. Nhưng nghe thường xuyên là điều bắt buộc phải làm nếu bạn muốn giỏi tiếng Anh. Nếu bạn đã nghe thường xuyên nhưng vẫn chưa tiến bộ, hãy đọc tiếp bên dưới.
Đầu tiên mình nói sơ qua ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta, tuy bạn là người Việt nhưng chắc gì bạn đã hiểu hết các ngữ nghĩa của từ, mỗi ngôn ngữ đều có những mặt khó của nó, sau đây là một ví dụ đơn giản.
Nghe nhưng không hiểu
Nhiều bạn cho rằng chỉ cần nghe nhiều thì sẽ hiểu. Nhưng bạn hãy nghĩ xem, nếu bạn không hiểu, bạn nghe 100 lần, 1.000 lần cũng không hiểu. Có thể bạn sẽ nghe được, nhưng bạn không hiểu.
Đơn cử tiếng Việt chúng ta dạo gần đây xuất hiện nhiều từ mới mà các cô bác lớn tuổi không hiểu, ví dụ như “chém gió”. Nếu bạn nói “chém gió”, họ sẽ nghe được nhưng vẫn không hiểu. Họ có thể nghe được “Anh A đang chém gió”, nhưng họ không hiểu anh A đang làm gì. Cho dù bạn nói “chém gió” 1.000 lần, họ cũng không hiểu. Trừ khi bạn giải thích cho họ hiểu “chém gió” là như thế nào.
–> Bạn phải hiểu những gì mình nghe, rồi từ đó nghe nhiều lần để ghi nhớ.
Nghe một nội dung quá ít
Hôm nay bạn nghe từ “book”, bạn hiểu là quyển sách. Nhưng 30 ngày sau, bạn nghe lại từ “book”, nhiều khi bạn không nhớ được nó nghĩa là gì. Điều đó sẽ xảy ra nếu bạn nghe 1 từ vựng (hoặc 1 nội dung) quá ít lần.
Nhiều bạn nghe nhiều, nhưng lại là nhiều nội dung khác nhau. Ngày 1 bạn nghe bài A 5 lần, có 5 từ vựng mới. Qua ngày 2 bạn nghe bài B 5 lần, có thêm 6 từ vựng mới. Đến ngày 3, bạn nghe bài C 6 lần, có 8 từ vựng mới…
Kết quả: Sau một tuần luyện nghe liên tục, bạn nghe được 7 bài với hàng chục từ vựng hoàn toàn khác nhau. Nếu từ vựng hôm trước KHÔNG xuất hiện ở những bài nghe sau, từ những số lần nghe ít ỏi đó, bạn sẽ cảm thấy “quen quen nhưng không nhớ” nếu sau này nghe lại những từ vựng bạn cho là mình đã học và thuộc rồi.
–>Bạn cần nghe một nội dung nào đó nhiều lần để ghi nhớ sâu vào tiềm thức. Có như vậy, bạn mới có thể hiểu ngay mà không cần suy nghĩ ở những lần nghe sau.
Không chú ý phát âm
Chắc hẳn bạn đã nhiều lần được nghe khuyên rằng : “Phát âm tốt sẽ nghe tốt hơn”. Điều này hoàn toàn đúng. Tại sao lại như vậy? Đơn giản vì khi bạn phát âm sai, bạn sẽ quen với cách phát âm sai đó. Đến khi nghe người khác phát âm đúng, chuẩn, bạn sẽ trố mắt “Ủa, anh chị nói gì?”, “À, thì ra từ này phát âm như vậy đó hả?”.
Ráng nghe cho được từng từ
Đây là một trong những sai lầm thường gặp nhất nhưng hầu như không ai nhận ra.
Khi nghe, nhiều bạn cho rằng mình thiếu từ vựng, nghe được từ nhưng không hiểu nghĩa nên nghe không được. Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Tôi cũng cố gắng học thêm nhiều từ vựng. Từ nào nghe không được, tôi cố gắng nghe lại, nghe cho đến khi nghe được tất cả các từ trong bài nghe mới thôi. Nhưng nếu bạn cũng giống như tôi, bạn sẽ bắt đầu rơi vào những trở ngại thế này:
- Cách làm này tốn rất nhiều thời gian
- Bạn không thể luôn luôn nghe hết được tất cả từ vựng trong 1 bài nghe. Bởi vì sẽ luôn có những từ mới xuất hiện và bạn không biết nghĩa của chúng.
- Bạn bị cuốn theo từ vựng, và khi nghe không được 1 từ nào đó, bạn bị “khựng lại”, ráng nhớ cho ra từ đó là gì… kéo theo không nghe được cả đoạn nghe còn lại sau đó.
Cố gắng nghe những bài quá khó
Nếu bạn nghe chưa tốt và muốn luyện nghe để nhanh tiến bộ, hãy nghe những bài có độ khó phù hợp với trình độ của mình. Khi bạn đã cảm thấy thoải mái với những bài nghe đơn giản rồi, hãy tiếp tục thử thách mình với những bài nghe khó hơn.
Ngược lại, nếu bạn nghe chưa tốt nhưng lại cố chọn nghe những bài quá khó, điều đó sẽ không giúp bạn cải thiện nhiều, thậm chỉ còn khiến bạn tự ti, chán nản.
Giải pháp là gì? Đó là bạn phải chấp nhận sự thật là “Bạn sẽ không nghe và hiểu hết được mọi từ ngữ trong đoạn nghe” hay bắt đầu luyện tập cách học tiếng anh giao tiếp để hiểu được nội dung của đoạn nghe mà không cần nghe hết từng từ thông qua các khóa học tiếng anh giao tiếp.
Chúc các bạn thành công !