gtag('config', 'UA-146424091-12'); Bắt tay giải quyết việc làm cho sinh viên

Bắt tay giải quyết việc làm cho sinh viên

(Thoibaonganhang.vn) - Những năm gần đây, nhu cầu nhân lực cho những ngành đang “nóng” như du lịch, công nghệ thông tin (CNTT)... tăng cao ở khu vực miền Trung nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng. Để đáp ứng việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và DN đã và đang được đẩy mạnh, bước đầu có những hiệu quả.

Thiếu hụt nguồn nhân lực

Đến nay, ngành du lịch đang là một trong những ngành có mức tăng trưởng khá cao, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chỉ tính riêng tại TP. Đà Nẵng, đến nay đã có hơn 80 dự án du lịch dịch vụ đang triển khai với tổng đầu tư hơn 7.300 triệu USD. Nhiều đường bay quốc tế đến Đà Nẵng được thiết lập đáp ứng nhu cầu của du khách.

Kết nối DN, bảo đảm cơ hội việc làm cho sinh viên

Năm 2016, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến TP. Đà Nẵng ước đạt 5,51 triệu lượt, tăng 17,7% so với năm 2015. Tổng thu du lịch ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch đến địa phương đạt hơn 3,2 triệu lượt khách...

Dự báo trong thời gian tới lượng du khách đến địa phương tiếp tục tăng. Du lịch phát triển kéo theo những nhu cầu về nhân lực, cả về số lượng lẫn chất lượng. Thế nhưng, trên thực tế vấn đề nhân lực vẫn đang là bài toán nan giải cho nhiều DN trong ngành “công nghiệp không khói” ở Đà Nẵng.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, hiện nay nguồn cung ứng nhân lực du lịch tại các cơ sở giáo dục vẫn còn hạn chế, sinh viên du lịch mỗi năm tốt nghiệp chỉ đủ cung ứng 20% nhu cầu cho nguồn nhân lực. Điều đáng nói, trong số đó chỉ hơn 10% có trình độ cao đẳng, đại học được đào tạo chuyên nghiệp về du lịch...

Tương tự, như du lịch nhân lực cho ngành CNTT cũng đang gây những áp lực cho các DN trên lĩnh vực này ở miền Trung, trong đó có Đà Nẵng. Những năm gần đây, làn sóng đầu tư vào ngành CNTT ở Đà Nẵng tăng cao, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 700 DN CNTT và truyền thông, gần 250 DN phần mềm.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng của các DN phần mềm lên đến 30%, bởi vậy áp lực nhu cầu về nhân lực đang ngày càng lớn. Đơn cử như, năm 2016 FPT Software Đà Nẵng đã tuyển khoảng 500 nhân lực. Nhưng, ở Đà Nẵng chỉ cung ứng được gần 100 người. Trong số đó, có đến một nửa là mới rời ghế nhà trường, thiếu kinh nghiệm thực tế...

Liên kết nhà trường - DN

Có thể khẳng định, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài còn chần chừ dốc vốn vào miền Trung. Để giải quyết bài toán trên, thời gian gần đây nhiều DN đã tìm đến các cơ sở đào tạo có uy tín ở khu vực để “đặt hàng” các sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc chủ động này đã góp phần để DN tìm được nguồn nhân lực có chất lượng, không phải mất công đào tạo, đào tạo lại mới sử dụng được...

Đại học Đông Á, một trong những cơ sở đào tạo đang được nhiều DN trong và ngoài nước lựa chọn liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn nhà trường đã liên tục ký kết hợp tác với nhiều DN cả trong và ngoài nước về đào tạo thực hành, đặc biệt là tuyển dụng sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp.

Đơn cử, nhằm cung cấp nhân lực cho ngành du lịch, Đại học Đông Á đã ký kết hợp tác với nhiều DN trên lĩnh vực dịch vụ du lịch ở khu vực. Một số khách sạn, resort vừa tham gia ký kết hợp tác với nhà trường như, Naman Retreat, Sheraton Danang Resort, Sân gôn Vinacapital Đà Nẵng, Khách sạn Mường Thanh Grand Đà Nẵng, Nhà khách Quốc hội...

Theo văn bản được ký kết, sinh viên nhà trường được đảm bảo 100% cơ hội thực hành nghề nghiệp 3 học kỳ tại các resort, khách sạn. Trưởng bộ phận tại các đơn vị sẽ trực tiếp tham gia giảng dạy xuyên suốt các học phần thực hành cho sinh viên ngay tại nhà trường và hướng dẫn nghiệp vụ tại DN. Đặc biệt, phía DN sẽ ưu tiên tuyển dụng ngay những sinh viên đạt yêu cầu khi kết thúc kỳ thực tập nghề nghiệp, hoặc sau khi tốt nghiệp mà không phải mất công tổ chức đào tạo lại, như trước đây.

Không chỉ hợp tác cung cấp nhân lực cho các DN trong nước, Đại học Đông Á còn liên kết với một số DN ở nước ngoài để tìm kiếm thêm cơ hội việc làm cho sinh viên. Theo đó, Đại học Đông Á đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Zensho (Nhật Bản), Empire (Singapore)... hợp tác tuyển dụng sinh viên ngành du lịch thực tập hưởng lương và làm việc tại tập đoàn.

Để có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN, đặc biệt là DN ở nước ngoài, TS. Trần Thị Mai, chuyên gia cao cấp ngành Du lịch Việt Nam, Trưởng ngành Du lịch Đại học Đông Á cho biết, đáp ứng yêu cầu công việc, sinh viên ngành du lịch vừa phải giỏi nghề nghiệp, vừa thành thạo tiếng Anh chuyên ngành.

Đặc biệt, đối với chương trình chất lượng cao, sinh viên phải đạt tối thiểu ngoại ngữ từ 5.0 điểm Ielts trở lên từ cuối năm thứ 2 để có thể theo học các chương trình tiếng Anh với giảng viên từ các học viện Australia (William Angliss), học viện Thụy Sĩ (HTMi).

Từ đây, mới có cơ hội được thực tập tại Singapore hay Nhật Bản... Tương tự như ngành du lịch, sinh viên ngành CNTT của Đại học Đông Á cũng đang đứng trước nhiều cơ hội việc làm, khi nhà trường đã và đang kết nối được với các DN CNTT ở khu vực. Mới đây, gần 40 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT cũng đã tham gia và ký kết hợp tác đào tạo thực hành và tuyển dụng sinh viên ngành CNTT của nhà trường.

Theo đó, sinh viên CNTT cũng được phía DN đảm bảo 100% cơ hội thực hành nghề nghiệp, được DN hướng dẫn thực hành trực tiếp, ưu tiên tuyển dụng sau khi tốt nghiệp với số lượng tăng dần mỗi năm...

Có thể nói, việc ký kết hợp tác đào tạo thực hành và tuyển dụng với các DN có uy tín cả trong và ngoài nước ở Đại học Đông Á là cách làm hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các DN, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Đặt trong bối cảnh nghịch lý, DN thiếu hụt nhân lực, sinh viên ra trường không tìm được việc làm, mới thấy hết được hiệu quả kết nối nhà trường - DN khi đã đi vào thực chất.

TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á chia sẻ, trong công tác đào tạo, việc làm là một vấn đề rất quan trọng. Việc làm sẽ khẳng định được chất lượng của môi trường đào tạo. Bởi vậy, chúng tôi luôn tìm đến DN, kết nối với họ để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên. Ngược lại, chúng tôi cũng cảm thấy vui vì DN đã đặt niềm tin vào chất lượng đào tạo của nhà trường.

Bài và ảnh: Nghi Lộc

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)