GDVN- Đội cứu hộ SOS của sinh viên Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã túc trực sẵn trên đỉnh đèo Hải Vân để hỗ trợ, giúp đỡ người dân về quê tránh dịch.
Trong cơn mưa như trút, từng đợt gió quăng quật trên “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, những sinh viên trong đội SOS vẫn dầm mình sửa xe, vá lốp, hỗ trợ thức ăn nước uống cho từng người dân trên đường về quê tránh dịch.
Những ngày qua, khi hàng ngàn người dân chạy xe máy, đèo bồng nhau từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch thì đội cứu hộ SOS của sinh viên Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã túc trực sẵn trên đỉnh đèo Hải Vân để hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong mưa gió.
Dầm mình trong mưa lạnh để sửa xe
Từng có nhiều kinh nghiệm trong các đợt tình nguyện hỗ trợ người dân từ phía Nam về quê, đợt này, đội SOS của sinh viên Đại học Đông Á đã khởi động nhiệm vụ từ sớm ngày 2/10.
Các thành viên đội SOS không quản ngại mưa gió, đêm khuya sẵn sàng hỗ trợ người dân sửa chữa xe máy trên chặng hành trình về quê tránh dịch. Ảnh" AN
Với đội ngũ gồm 12 thành viên chủ yếu là sinh viên các ngành học thuộc khối kỹ thuật thường xuyên túc trực, sẵn sàng di chuyển làm nhiệm vụ khi nhận được thông tin đón đoàn xe di chuyển ngang qua thành phố.
Vừa hoàn thành đợt cứu hộ xe máy trong đêm ngày 6/10, thì đến chiều cùng ngày, Doãn Phương Nam, sinh viên ngành Điện – Điện tử (Đại học Đông Á) cùng 7 thành viên trong đội đã mang theo dụng cụ, phương tiện lên khu vực đèo Hải Vân “trực chiến”.
Bởi theo thông tin của đội nhận được thì sắp có 600 xe máy với hơn 1.000 người chuẩn bị di chuyển ngang qua địa phận Đà Nẵng.
Trời vừa chạng vạng, trên đỉnh đèo đổ mưa lớn, gió lạnh thốc rát nhưng khi thấy đoàn người xuất hiện, Nam đã chạy ra hỏi han, hỗ trợ sửa chữa cho những chiếc xe bị hư hỏng sau khi vượt quãng đường hơn ngàn cây số đến đây.
Từng đôi tay thoăn thoắt mở lốp, tháo vít, thay xăm… tất cả công đoạn được thực hiện một cách thành thục, chuyên nghiệp.
Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, Nam chia sẻ: “Những ngày qua, mỗi ngày mình chỉ ngủ tầm 2-3 tiếng.
Ngoài việc tham gia đội SOS cứu hộ xe máy cho bà con trên đỉnh đèo Hải Vân, mình còn tham gia hỗ trợ trực chốt C9 cửa ngõ thành phố cùng nhóm hỗ trợ khác của Đoàn trường.
Trời mưa gió, bão bùng, thấy bà con di chuyển bằng xe máy trên quãng đường cả ngàn cây số cũng xót, cũng thương lắm. Mình chỉ muốn hỗ trợ một phần công sức bé nhỏ để chặng đường về quê của mọi người bớt vất vả”.
Đây không phải là lần đầu Nam cùng nhóm bạn tham gia “chiến dịch” hỗ trợ đồng bào phía Nam về quê tránh dịch mà trong lần trước đó, nhóm SOS đã tiếp sức cho hàng ngàn người dân về quê an toàn.
“Công việc của đội là ngay sau khi nhận xe thì nhanh chóng chia nhau kiểm tra tình hình và tiến hành thay thế phụ tùng, thay nhớt miễn phí cho những xe máy hư hỏng, cần sửa chữa… để người dân có thể tiếp tục hành trình trở về nhà.
Hiện đội vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho các tốp xe tiếp theo đang di chuyển lên đỉnh đèo sau khi cứu hộ thành công cho hơn 100 xe máy từ chiều”, Nam nói thêm.
Chỉ mong bà con về quê an toàn
Cũng như Nam, nhiều người bạn trong đội SOS như Huỳnh Văn Duy, Quang Thuận… đều là những “thợ” sửa chữa xe máy chuyên nghiệp.
Mong muốn lớn nhất của đội tình nguyện là bà con được về quê an toàn. Ảnh: AN
“Vốn là dân kỹ thuật nên các thao tác sửa chữa máy móc, thay lốp, thay nhớt, bảo trì động cơ… với tình thì cũng khá đơn giản. Nhưng thời tiết mấy hôm nay mưa gió dữ quá, nhiều phương tiện của bà con đã quá cũ, nếu di chuyển đường dài thì rất nguy hiểm.
Nhóm của tụi mình đã cố gắng sửa chửa, thay thế những gì tốt nhất để xe có thể hoạt động trơn tru về đến tận nhà.
Nhìn cảnh những gia đình 3-4 người đèo bồng nhau trên những chiếc xe máy cũ vượt đèo thì ai cũng lo lắng, bất an. Chỉ mong sao bà con được về đến nhà an toàn. Còn chút mưa gió với tụi mình thì cũng bình thường”, Quang Thuận xúc động nói.
Anh Lê Đình Lượng - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Đông Á cho hay, các thành viên trong đội SOS ai cũng tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng lên đường hỗ trợ người dân ngay khi nhận thông tin.
Vào những ngày cao điểm, có khi đội phải sửa chửa, thay thế phụ tùng cho hơn 120 xe máy. Những chiếc xe khi qua đèo Hải Vân mới phát sinh trục trặc thì cũng được đội cử người đến hỗ trợ.
“Các thành viên trong đội vốn là sinh viên của các khoa công nghệ ô tô, điện - điện tử, tự động hóa... và đã quen với việc xuyên đêm cứu hộ xe cho người dân đi xe máy về quê tránh dịch từ đợt cuối tháng 7/2021 nên hoàn toàn chủ động về công việc khi tham gia cứu hộ lần này.
Chỉ có khác là đợt này việc cứu hộ diễn ra trong thời tiết mưa nhiều, gió mạnh, bà con di chuyển cũng vất vả hơn rất nhiều.
Ngoài cứu hộ xe máy thì nhà trường cũng đã tham gia hỗ trợ với 1.000 suất cơm, 1.200 chai nước uống loại lớn, 500 áo mưa, 20 thùng mì tôm… gửi đến bà con, "tiếp sức" trên hành trình về quê tránh dịch kéo dài cả ngàn km của người dân”, anh Lượng nói.
Nguồn: Giáo dục Việt Nam