Việt Nam vốn có mối quan hệ thương mại sâu rộng với Mỹ đang bị đánh thuế lên tới 46%, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất về thuế quan. Đây là cú sốc lớn khi xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đạt 142 tỷ USD, tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ngày 2/4 (giờ Mỹ), ông Trump tuyên bố mức thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu Mỹ. Với mức sàn 10%, cộng thêm phần trăm thuế mà ông Trump cho là thuế quan "có qua có lại", nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng.

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với các dối tác thương mại tại Nhà Trắng, ngày 2/4. Ảnh: Reuters
Sáu trong số 9 quốc gia Đông Nam Á nằm trong danh sách áp dụng mức thuế quan cao hơn nhiều so với dự đoán, dao động từ 32 - 49%. Mức thuế này vượt xa con số 20% mà Liên minh châu Âu (EU) đang gánh chịu. Điều này đặt khu vực Đông Nam Á - quốc gia vốn được xem là trung tâm sản xuất mới của thế giới vào tình thế khó khăn chưa từng có.
Việt Nam vốn có mối quan hệ thương mại sâu rộng với Mỹ đang bị đánh thuế lên tới 46%, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất về thuế quan. Đây là cú sốc lớn khi xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đạt 142 tỷ USD, tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Với sự hiện diện của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Apple (AAPL.O), Nike (NKE.N) và Samsung Electronics (005930.KS), Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại.
Phản ứng trước tình hình, sáng nay (3/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng nhấn mạnh đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên không thay đổi.
Ông Leif Schneider - người đứng đầu công ty luật quốc tế Luther tại Việt Nam - nhận định: “Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đang rất thành công, thu hút công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, mức thuế quan 46% của Mỹ thách thức trực tiếp mô hình này”.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội - chia sẻ: “Tôi hy vọng các cuộc đàm phán tiếp tục tìm ra giải pháp giảm thiểu hoặc hạn chế tác động của bất kỳ mức thuế quan mới nào”.
Tình trạng tương tự xảy ra ở các quốc gia láng giềng. Thái Lan, nơi bị áp mức thuế 37% - cao hơn nhiều so với mức 11% mà họ kỳ vọng - đang tìm kiếm con đường đàm phán.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,5% vào năm ngoái và bị kìm hãm bởi nợ hộ gia đình tăng cao, Thái Lan đang đặt kỳ vọng vào mức tăng trưởng 3% trong năm nay. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan bày tỏ sự lạc quan: “Chúng tôi rất hy vọng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tốt đẹp, nhờ mối quan hệ tốt đẹp giữa Thái Lan và Mỹ”.
Malaysia - quốc gia chịu mức thuế thấp hơn (24%) - tuyên bố sẽ không trả đũa thương mại, đồng thời khẳng định Bộ Thương mại sẽ tích cực làm việc với Mỹ để “tìm kiếm các giải pháp duy trì tinh thần thương mại tự do và công bằng”.
Tình hình tại Campuchia thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi mức thuế 49% có nguy cơ gây tổn hại nặng nề đến ngành may mặc và giày dép - hai lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước này.
Một cố vấn đầu tư giấu tên tại Phnom Penh cho biết: “Đây là tình hình rất rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Campuchia không thể đưa ra bất cứ công cụ đàm phán nào và sẽ phải xếp hàng rất dài".
Nguồn: tienphong.vn