gtag('config', 'UA-146424091-12'); Cách giúp sinh viên ghi điểm với nhà tuyển dụng ngay từ thời đại học

Cách giúp sinh viên ghi điểm với nhà tuyển dụng ngay từ thời đại học

Cuộc sống đại học luôn mang đến những trải nghiệm mới mẻ, đây là lúc các bạn sinh viên được thoải mái thể hiện bản thân và làm những điều mình thích. Các bạn khao khát được khám phá, sống với đam mê của mình.

Tuyệt nhiên, bạn muốn có một cơ hội nghề nghiệp tốt. Chắc hẳn mọi sinh viên nào cũng rất muốn biết cách để thu hút nhà tuyển dụng khi mới tốt nghiệp đúng không? Vậy hãy cùng đọc bài viết dưới đây nhé!

Xây dựng kinh nghiệm làm việc

Bằng cấp tốt, hay một cơ sở giáo dục nổi tiếng, vẫn chưa đủ để đảm bảo một công việc khi bạn tốt nghiệp - kinh nghiệm là rất quan trọng!

Ngoài thành tích học tập, các nhà tuyển dụng rất muốn xem bằng chứng rằng bạn có các kỹ năng thực tế cần thiết ở nơi làm việc. Nếu nhìn vào các thông báo tuyển dụng, hầu hết bạn sẽ thấy có một gạch đầu dòng cho yêu cầu có kinh nghiệm làm việc. Làm việc tại thời đại học có một lợi thế là cho phép bạn “kiểm tra” các loại công việc mà bạn có thể muốn làm sau khi tốt nghiệp. Mặc dù điều này có thể là một chặng đường dài đối với một số người, nhưng việc tích lũy kinh nghiệm làm việc trong thời gian đại học mang lại rất nhiều hữu ích.

Cach sinh vien ghi diem voi nha tuyen dung

Bạn có thể chọn bất cứ công việc gì phù hợp miễn sao không ảnh hưởng nhiều đến thời gian học tập trên trường. Đi thực tập cũng là một cơ hội rất tốt để xây dựng kinh nghiệm. Bạn có thể tìm các việc làm bán thời gian trong quán cà phê, trà sữa, quán ăn, bán hàng… Nếu được, hãy cố gắng tìm các công việc liên quan đến ngành bạn đang học, như thế, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Chung quy lại, làm thêm giúp bạn có nhiều trải nghiệm hơn, phát triển kỹ năng làm việc, tích lũy kinh nghiệm sống, mở rộng các mối quan hệ, học hỏi văn hóa và môi trường làm việc, giúp bạn nhận thức cuộc sống một cách chân thực nhất.

Xây dựng hình ảnh cá nhân trên các trang mạng xã hội

Bật mí cho các sinh viên điều này! Mạng xã hội chính là một trong những cách mà các nhà tuyển dụng đánh giá các ứng viên. Các nhà tuyển dụng xem xét mạng xã hội khi họ quyết định thuê ai, vì vậy hãy đảm bảo rằng họ nhìn thấy khía cạnh tốt nhất, nhưng chân thực nhất của bạn.

Khi xem trang cá nhân của bạn, thông thường nhà tuyển dụng sẽ chú ý vào những thông tin sau: trình độ chuyên môn của ứng viên, bạn thể hiện bản thân là một người như thế nào trên mạng xã hội, cách tương tác và các mối quan hệ của bạn với cộng đồng mạng xã hội…

Một khi đã quyết định công khai tài khoản mạng xã hội, bạn cần biết cách tận dụng để tránh việc bị đánh giá sai và loại ngay từ vòng hồ sơ. Bạn không nên đăng tải quá nhiều về cảm xúc hay các mối quan hệ riêng tư trên mạng xã hội, không tranh cãi hay chia sẻ những vấn đề mang tính chính trị hay các bài viết nhạy cảm, đánh nhau, phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, công kích cá nhân trên mạng xã hội… Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng sẽ mang tâm lý dè chừng với những ứng viên từng nói xấu công ty hoặc đồng nghiệp cũ trên mạng.

Tham gia các hoạt động tình nguyện

Các hoạt động tình nguyện tạo ra một lợi thế để sinh viên “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong CV xin việc. Việc tham gia làm tình nguyện viên cho các tổ chức từ thiện, hay các hoạt động xã hội sẽ giúp bạn có được thiện cảm với nhà tuyển dụng và phát triển các kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Đặc biệt khi bạn đảm nhiệm những vị trí như nhóm trưởng, thủ quỹ sẽ giúp bạn có cơ hội được học hỏi nhiều hơn.

Tăng cường ngoại ngữ

Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, thành thạo một ngoại ngữ thứ hai là điều vô cùng lợi thế cho bất kỳ ai trong quá trình phát triển sự nghiệp. Cánh cửa đại học chính là nơi tuyệt vời nhất cho sinh viên theo đuổi ngôn ngữ mình thích. Học ngoại ngữ mới cần một quá trình rèn luyện chăm chỉ, không phải ngày một ngày hai là có thể giỏi được. Điều quan trọng là bạn có thể duy trì động lực học của mình, học với sự yêu thích. Bạn cảm thấy hạnh phúc vì mình biết được một từ vựng mới? bạn hào hứng khi học được một câu giao tiếp mới với thứ tiếng đó? Phải nhớ rằng, đừng để bản thân rơi vào trạng thái học gượng ép, đừng thất vọng khi nghe không hiểu, đừng sợ hãi khi giao tiếp, đừng chán nản khi sai ngữ pháp, học ngoại ngữ đừng sợ sai, học ngoại ngữ để “sử dụng” chứ không phải để “thi”. Tăng cường ngoại ngữ khi còn là sinh viên sẽ mang lại cơ hội nghề nghiệp rất lớn sau khi tốt nghiệp, vì vậy, đừng lãng phí bốn năm đại học mà không có một ngoại ngữ mới cho mình.

Kiến thức - Kỹ năng - Thái độ: Cái nào gây ấn tượng nhất với nhà tuyển dụng?

Cach sinh vien ghi diem voi nha tuyen dung

Thái độ quan trọng hơn năng lực? Chúng ta không phủ nhận sự quan trọng của cả ba vì chúng đều không thể thiếu cho công việc. Nhưng có một sự thật rằng, thái độ là yếu tố chủ chốt cho sự thành công của một người, và cũng là điều mà các nhà tuyển dụng coi trọng nhất. Nếu có kiến thức và kỹ năng nhưng không có thái độ tích cực thì gần như kiến thức và kỹ năng sẽ không phát huy được tác dụng và trở nên vô nghĩa. Thậm chí nếu có thái độ tiêu cực, người đó còn dùng kiến thức và kỹ năng có được để âm thầm hoặc chống đối, gây tổn hại trong quá trình làm việc và cả công ty.

Kiến thức là điều thiết yếu phải có khi đi xin việc. Những kiến thức liên quan tới chuyên ngành cùng với ngoại ngữ là những yếu tố giúp sinh viên có cơ hội trúng tuyển cao.

Các kỹ năng quan trọng cho công việc như: giao tiếp, đàm phán, trình bày, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… và có tư duy sáng tạo sẽ luôn được đánh giá cao. Có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng sẽ rất khó để bạn thực thi công việc. Kỹ năng làm việc được đánh giá cao hơn kiến thức. Những sinh viên mới ra trường mặc dù chưa có nhiều kiến thức chuyên môn nhưng có kỹ năng tốt sẽ là một điểm nổi bật được nhà tuyển dụng xem xét.

Nhưng nếu bạn qua được vòng kiểm tra kiến thức và kỹ năng nhưng không có thái độ tốt thì cũng chẳng thuyết phục được các nhà tuyển dụng. Không một công ty nào muốn nhận những nhân viên có tài năng nhưng lại không biết cách sử dụng tài năng của mình và không có cái tâm với công việc mình đảm nhận.

Thông thường có 3 cung bậc thái độ: tích cực, hờ hững và tiêu cực. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được thái độ tích cực của bạn, hãy cho họ thấy bạn là người cầu tiến, trung thực, ham học hỏi, năng động, đam mê thử thách, chăm chỉ nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc.

Nếu một người có thái độ tốt, cũng sẽ đi cùng với kỹ năng tốt và kiến thức sâu rộng. Bởi vì họ luôn không ngừng cố gắng, học hỏi, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, họ có định hướng và mục tiêu rõ ràng.

Cuối cùng, bạn cần nhớ rằng, trên con đường thành công luôn sẽ có những thất bại. Hãy can đảm đón nhận những thất bại đó, bởi vì chúng có thể là nguồn kiến ​​thức và sự trưởng thành!