Sách không chỉ là nguồn tri thức vô tận đối với mỗi người mà ngày càng có nhiều minh chứng khoa học cho thấy những tác động rất tốt của việc đọc sách đối với sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ và tâm hồn của trẻ. Để thúc đẩy phong trào đọc sách trong giới trẻ đặc biệt là việc hình thành thói quen đọc sách từ những lứa tuổi nhỏ, rất nhiều hoạt động, cuộc thi giới thiệu sách đã được tổ chức.
Để giúp cho các em học sinh (lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở) có những kỹ năng cơ bản khi viết một bài giới thiệu sách, Contuhoc xin giới thiệu đến các em và các bậc phụ huynh bài viết "Cách viết bài giới thiệu một cuốn sách”.
Bài viết giới thiệu về một cuốn sách thường mang tính chất mô tả, cung cấp thông tin cần thiết về cuốn sách đó. Loại bài viết này được thực hiện bằng cách người viết nêu rõ các ý tưởng, thông điệp hay mục đích của tác giả muốn truyền tải đến người đọc mà mình cảm nhận được khi đọc sách, trong đó có trích dẫn những đoạn nổi bật (có trong sách).
Một bài giới thiệu sách tốt là bài viết truyền tải được đầy đủ thông điệp của tác giả đến độc giả, hình thành và nâng cao tình yêu với sách, khuyến khích được mọi người tìm mua/mượn và đọc sách. Muốn làm được điều này, trong khi viết bài giới thiệu, các em có thể làm theo từng bước sau:
1. Bước 1: Chuẩn bị
Để chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động "viết", các em cần phải hiểu rõ được những điều dưới đây:
Thứ nhất, Mục đích bài viết của các em
Các bài viết giới thiệu về một cuốn sách thường mang tính chất mô tả, cung cấp thông tin cần thiết về cuốn sách đó. Loại bài viết này được thực hiện bằng cách các em nêu rõ các ý tưởng, thông điệp hay mục đích của tác giả muốn truyền tải đến người đọc mà mình cảm nhận được khi đọc sách, trong đó có trích dẫn những đoạn văn nổi bật (có trong sách).
Thứ hai, Đối tượng mà các em muốn hướng tới
Xác định đối tượng mà mình muốn giới thiệu sách đóng vai trò rất quan trọng, một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với cách thức triển khai nội dung, lối hành văn, giọng văn và cách thức sử dụng ngôn từ… trong bài giới thiệu. Một số đặc điểm cần chú ý về đối tượng mà các em phải nắm rõ, đó là: tuổi (mầm non, tiểu học,…); giới tính (nam, nữ hay cả hai); ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài); địa bàn sinh sống (thành phố, nông thôn; vùng đồng bằng, vùng núi…),…
Thứ ba, Thông tin xác thực về cuốn sách
- Tác giả: tên, tuổi, quốc tịch, các mốc thời gian chính trong cuộc đời/sự nghiệp; các công việc khác,…
- Yêu cầu của thể loại: Điều này có nghĩa là các em phải hiểu được đặc điểm, chức năng, hình thức nghệ thuật của thể loại mà mình đang viết bài. Không có những hiểu biết chung này, các em sẽ khó để đưa ra được những nhận xét hay, tinh tế và chính xác về cuốn sách.
Thứ tư, đọc lại tác phẩm và lập dàn ý cho những thông tin chính sau
- Mô tả cuốn sách: Cung cấp một bản mô tả đầy đủ để người đọc có thể hiểu được các suy nghĩ/ý đồ của tác giả. Bản mô tả này không phải là một bản tóm tắt lại nội dung mà nó có thể là các nhận xét về tác phẩm của các em.
- Thảo luận về tác giả: Thông tin về tiểu sử tác giả phải phù hợp với chủ đề của bài giới thiệu và góp phần nâng cao sự hiểu biết của người đọc về tác phẩm được thảo luận.
- Đánh giá về cuốn sách:
- Nêu rõ sự hiểu biết của các em đối với mục đích của tác giả
- Viết cảm nhận của các em đối với mục đích của tác giả
- Cung cấp dẫn chứng cho những nhận xét của mình về tác phẩm
Trong khi đọc lại tác phẩm, các em nên:
- Đánh dấu các đoạn mà các em sẽ sử dụng để trích dẫn trong bài viết của mình.
- Ghi chú lại cẩn thận các cảm tưởng/cảm nhận của em khi đọc sách.
- Các em cần tự tạo cho mình có một khoảng thời gian nhất định để hấp thụ được những gì các em đã đọc để em có thể viết ra những cảm nhận, các quan điểm của mình một cách rõ ràng đối với cuốn sách.
2. Bước 2: Viết
Một bài giới thiệu sách thường bao gồm có 3 phần, các em có thể tham khảo cách triển khai nội dung theo dàn ý dưới đây:
2.1. Phần 1: PHẦN MỞ ĐẦU
- Nêu được vị trí, ý nghĩa của vấn đề chính được trình bày trong sách
“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Quả thật, ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì không thể nào quên được tình yêu dành cho Hà Nội - một tình yêu không dễ để gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn, trân trọng và nâng niu. Cuốn sách “Hà Nội băm sáu phố phường” chính là tác phẩm giúp ta hiểu hơn về một Hà Nội như thế, hiểu thêm về những nét đẹp của thủ đô yêu dấu.
- Nêu một số thông tin chính về cuốn sách: Tên sách; Tên tác giả; Nhà xuất bản; Năm xuất bản; Lần xuất bản; Số trang…
“Hà Nội băm sáu phố phường” là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, tập hợp lại những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời, do Nhà xuất bản Văn học phát hành.
- Nêu tiểu sử, sự nghiệp của tác giả: Tên, năm sinh, quê quán, sự nghiệp…
Thạch Lam (1910 – 1942) tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông là cây bút tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn.
Chân dung nhà văn Thạch Lam hồi trẻ
2.2. Phần 2: PHẦN NỘI DUNG
Đây là phần chính của bài giới thiệu. Yêu cầu chung của phần này là phải (1) khái quát, tóm tắt được nội dung chủ đề tác phẩm, (2) nêu được các giá trị về nội dung của tác phẩm đối với xã hội và bạn đọc.
2.2.1 Về nội dung
Có thể nêu bố cục nội dung của cuốn sách, trong bố cục của sách có thể đi từ chương tới các phần hoặc có thể nêu hết tên chương rồi tới các phần. Tuy nhiên, ngoài những yêu cầu chung thì với mỗi loại sách lại có những yêu cầu cách giới thiệu nội dung riêng, cụ thể:
- Đối với truyện ngắn, tiểu thuyết, kí: Cần tóm tắt cốt truyện (không phải kể lại), nêu đề tài, chủ đề tư tưởng, lý tưởng, thẩm mĩ (phê phán hoặc ca ngợi, xây dựng cái gì…). Phân tích giá trị của nội dung và chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
- Đối với sách chính trị - xã hội: Cần khái quát được những quan điểm cơ bản được trình bày trong sách, những quan điểm về chính trị, các trường phái triết học…; sự đúng đắn và cần thiết của những quan điểm, vấn đề trong xã hội đối với bạn đọc.
- Đối với những sách lịch sử: Cần nêu rõ phạm vi thời gian mà tác phẩm đề cập đến cùng những đặc điểm của giai đoạn lịch sử đó. Đối với những sách mang dấu ấn địa lý cần nêu rõ khu vực mà tài liệu đó đề cập tới.
- Đối với sách kĩ thuật: Cần nêu được vấn đề kĩ thuật và đặt ra biện pháp giải quyết của tác giả, có thể liên hệ với thực tiễn, nêu lên giá trị ứng dụng của vấn đề đó trong thực tiễn sản xuất, trong phát triển kinh tế và đời sống, nêu rõ đối tượng của sách.
- Đối với những sách tái bản: Cần nêu được những thay đổi bổ sung chỉnh lí so với lần xuất bản trước.
Hà Nội xưa
Ví dụ về phần giới thiệu nội dung tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phương” của nhà văn Thạch Lam: đây là cách giới thiệu nội dung đối với tác phẩm truyện ký, đi từ việc khái quát toàn bộ nội dung của tác phẩm, trong đó có nhấn mạnh đến những nội dung quan trọng, hấp dẫn của tác phẩm. Không chỉ nêu tóm tắt những nội dung chính của tác phẩm mà người viết cần phải khéo léo lồng ghép vào đó những câu văn thể hiện được cảm xúc, tình cảm của bản thân khi đọc tác phẩm để thu hút người đọc, thôi thúc họ tìm ngay đến với tác phẩm:
“Hà Nội băm sáu phố phường” chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Trên mỗi trang viết giản dị, mộc mạc là hình ảnh một Hà Nội xưa quyến rũ lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là hình ảnh những mái nhà cổ kính bên những con đường quanh co, mềm mại, là nét văn hoá ẩm thực tinh tế... giữa không gian êm ả, thanh bình. Đọc xong cuốn sách, đọc giả sẽ cảm nhận được toàn bộ vóc dáng và tâm hồn Hà Nội xưa.
Cuốn sách là tập hợp hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa với nhiều cảnh đời khác nhau. Đó có thể là những người phụ nữ tần tảo, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng thấp thoáng giữa các số phận éo le đó lại ẩn hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết. Tất cả đều là những câu chuyện về những con người Hà Nội, nép mình dưới những khu phố khác nhau, với những mảnh ghép cuộc đời khác nhau, hiện lên đơn sơ bằng ngòi bút chân thực của tác giả. Ông đã nhắc đến “nghệ thuật biển hàng” đang dần biến mất vì sự Tây hóa, học đòi của các chủ quán khiến văn hóa tiếng việt của dân tộc bị lu mờ.
Với “Hà Nội băm sáu phố phường”, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm tới những người bán rong – những thân phận bé nhỏ, lam lũ kiếm sống, mưu sinh trong đêm.
2.2.2. Giới thiệu nghệ thuật, phương pháp luận của tác phẩm
Mỗi loại sách lại có những yêu cầu giới thiệu về nghệ thuật khác nhau. Đối với sách văn học yêu cầu cao hơn so với sách chính trị xã hội hoặc sách kĩ thuật.
Yêu cầu chung: Nêu được những thủ pháp nghệ thuật, phương pháp luận nghiên cứu tác phẩm của tác giả. Ngoài yêu cầu chung cần chú ý tới những đặc điểm riêng của từng loại sách, cụ thể:
- Đối với sách văn học nghệ thuật: Nêu những đóng góp về nghệ thuật của tác phẩm đối với nền văn học và lí luận phê bình văn học.
- Đối với truyện, kí và tiểu thuyết: Phân tích kết cấu cốt truyện, tính cách nhân vật điển hình… làm rõ tác dụng của nghệ thuật trong việc thể hiện nội dung chủ đề tư tưởng.
- Đối với tác phẩm thơ ca: Phân tích cách sử dụng hình ảnh, tứ thơ, thể thơ, bố cục thể hiện cảm xúc tình cảm chủ đạo của tập thơ.
- Đối với sách khoa học chính trị-xã hội: Cần nêu được những phương pháp luận nghiên cứu khoa học được sử dụng như: Đối chiếu so sánh, phân tích thống kê, chọn mẫu... Tác dụng của chúng đối với việc thể hiện nội dung như thế nào? Ngoài ra cần nêu bố cục chặt chẽ, từ ngữ chính xác, cách viết dễ hiểu phù hợp với đối tượng người đọc…
Tuy nhiên đối với một bài giới thiệu đôi khi không thể tách bạch một cách rõ ràng giữa phần giới thiệu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đặc biệt với các tác phẩm văn học, vì vậy có thể đan xen hai phần này một cách mềm mại làm cho bài giới thiệu hấp dẫn.
Mùa thu Hà Nội
Ví dụ về phần giới thiệu nghệ thuật của tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam: bài giới thiệu nên làm rõ được những nét đặc sắc nhất trong phong cách văn chương, cách sử dụng ngôn từ, cách hành văn của tác giả.
Chỉ qua một tập tùy bút nhỏ, độc giả đã có thể thấy tâm hồn một Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính, thanh tao. Nhà văn phố huyện Cẩm Giàng đôi khi chỉ cần vài ba dòng, vài ba câu mà gợi được cả hình ảnh về Hà Nội, không phải ở những khung cảnh sôi động, ồn ào, không phải ở những vấn đề xã hội gay gắt mà như một góc khuất lặng lẽ và chỉ người nào yêu Hà Nội lắm mới có thể nhận ra. Với một lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát, Thạch Lam đã bất tử hóa những cái bình thường, làm rung động con tim người mến thương Hà Nội. Giọng văn của Thạch Lam không gay gắt, khoa trương, mà nhỏ nhẹ như một lời thủ thỉ của thiếu nữ đang tâm tình với người thương.
2.3. Phần 3: PHẦN KẾT LUẬN
- Khẳng định lại các giá trị của tác phẩm; nhấn mạnh các giá trị của nó đối với xã hội đương đại
Tác phẩm là lời nhắc nhở chúng ta cần gìn giữ văn hóa, cội nguồn dân tộc, xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn.
- Khuyến khích người đọc nên tìm mượn, mua và đọc sách.
“Hà Nội băm sáu phố phường” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hoá và quá khứ của Hà Nội. Ai trong chúng ta cũng nên có trong tay cuốn sách này để tự mình thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp của Hà Nội.
Contuhoc hi vọng rằng bài viết về "Cách viết bài giới thiệu một cuốn sách" (dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở) sẽ giúp ích được nhiều cho các em và các bậc phụ huynh. Chúc các em có những bài viết giới thiệu sách thật hay, thật độc đáo.
Thu Mới (tổng hợp)
Phần ví dụ có tham khảo thêm bài bài viết của Ngô Diễm Quỳnh, Phạm Ngọc Thảo (ntthnue.edu.vn)