Thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện việc ứng dụng công nghệ số tại doanh nghiệp logistics mới chỉ chiếm gần 40%. Để tăng tốc chuyển đổi số, ngành Logistics Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết bài toán về quản lý dữ liệu, điều phối và giám sát vận tải hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ số phù hợp.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (năm 2023), Việt Nam thuộc nóm 5 nước đứng đầu Asian về chỉ số hoạt động Logistics, xếp sau sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tuy nhiên tại Việt Nam, chi phí logistics còn cao, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu và ứng dụng thông tin còn hạn chế. Đặc biệt, chuỗi cung ứng trong nước đang phải đối mặt với tình trạng kém hiệu quả gây ra bởi sự thiếu hụt các thông tin quan trọng về các lô hàng và tài sản trong quá trình vận chuyển. Việc cập nhật dữ liệu chưa linh hoạt và không theo thời gian thực khiến việc quản lý chuỗi cung ứng khó khăn. Điều này dẫn tới tốc độ xử lý đơn hàng và độ chính xác chưa cao, kéo theo đó là sự không hài lòng của khách hàng, thất thoát hàng hóa và suy giảm năng lực cạnh tranh của ngành Logistics Việt.
Có thể kể ra bốn mảng ứng dụng chính các công nghệ mới: Thứ nhất, ứng dụng CNTT trong vận tải đường bộ với mục đích tối ưu hóa năng lực phương tiện, kiểm soát tuyến đường, lịch trình, thời gian cũng như nâng cao tỷ lệ lấp đầy xe hàng. Thứ hai, giải pháp tự động hóa kho hàng thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh. Thứ ba, một số DN sản xuất lớn đã áp dụng hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa theo nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Thứ tư, một số nhà bán lẻ trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin – tự động hóa – trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới phân phối đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, dù xu hướng ứng dụng CNTT có tăng, nhưng thực tế chưa nhiều DN logistics trong nước chịu đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động. Theo khảo sát, trình độ ứng dụng CNTT của DN logistics Việt Nam còn ở mức thấp, nhất là trong lĩnh vực vận tải đường bộ – hiện chiếm 80% thị phần vận tải nội địa. Ðây là một trong những yếu tố khiến cho DN Việt Nam khó có thể vận hành hiệu quả, tối ưu chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Thực tế, hầu hết DN Việt Nam chỉ đóng vai trò như những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các DN logistics nước ngoài, như đảm nhận việc khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi, Trong khi đó, nếu chỉ cung cấp các dịch vụ kho vận đơn giản, thuần túy mà không tích hợp chúng thành quá trình, chuỗi dịch vụ, người cung ứng dịch vụ khó có thể thỏa mãn khách hàng về mặt giảm chi phí cũng như tính đáp ứng nhanh. Chỉ với CNTT làm nền tảng cho dịch vụ logistics, các DN trong nước mới có thể cạnh tranh được với các DN logistics lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, DN Việt Nam cần ý thức việc ứng dụng CNTT vào hoạt động logistics là một xu thế tất yếu, phải ứng dụng trong tất cả các khâu, chuỗi cung ứng dịch vụ, ngay cả với những công nghệ mới như block chain. Bản thân các DN cần chủ động hơn trong việc tiếp cận, đầu tư ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, từ đó tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường được dự báo sẽ ngày càng gay gắt như hiện nay. Trong quá trình này, các DN logistics có thể hướng đến sự hợp tác với các công ty phần mềm để đặt hàng những ứng dụng chuyên biệt, qua đó có thể tận dụng tối đa hiệu quả của từng ứng dụng.
Sa Ly tổng hợp