Những năm gần đây, thương mại điện tử không còn là khái niệm xa lạ hay một lĩnh vực mới mẻ. Theo báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM , thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.
Vậy học Thương mại điện tử ra làm gì? Hãy cùng trường Đại học Đông Á khám phá những nghề nghiệp thú vị được tạo ra bởi sự phát triển vượt bậc của ngành thương mại điện tử nhé!
Hình 1. Ảnh minh họa công việc ngành Thương mại điện tử
1. Cơ hội việc làm của ngành Thương mại điện tử
Cơ hội việc làm ngành Thương mại điện tử rất cao bởi ngành này được dự báo sẽ dẫn đầu xu hướng và cần nguồn nhân lực lớn trong tương lai. Có thể nói, ngành học này sẽ cho bạn khả năng đảm nhận được rất nhiều vị trí, cơ hội việc làm cũng rất đa dạng như:
- Chuyên viên thương mại điện tử, marketing online, thiết kế website.
- Chuyên viên xây dựng, quản trị vận hành giao dịch thương mại trực tuyến.
- Chuyên viên kinh doanh trực tuyến tại các công ty có ứng dụng thương mại điện tử.
- Chuyên viên phân tích sự phát triển và quản lý hiệu suất của hoạt động thương mại điện tử trong doanh nghiệp.
- Làm việc trong các tổ chức nhà nước, chính quyền địa phương thực hiện cổng giao tiếp, giao dịch Chính phủ điện tử.
- Khởi nghiệp doanh nghiệp riêng hoạt động về lĩnh vực thương mại điện tử.
Với công việc trên, sinh viên theo học ngành Thương mại điện tử có thể khẳng định năng lực của mình tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước tại các bộ phận như:
- Phòng Marketing, Phòng nghiệp vụ kinh doanh, Phòng Kế hoạch tại các công ty, doanh nghiệp kinh doanh, thương mại.
- Công ty tin học, công nghệ thông tin liên quan đến việc thực hiện các giải pháp công nghệ trong kinh doanh, thương mại.
- Trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ, sở ban ngành liên quan đến công nghệ thông tin…
Đặc biệt, nếu bạn muốn trở thành thành viên tại các công ty thương mại lớn hiện nay như Shopee, Lazada, Tiki... nhưng chưa biết phải học gì? Chuyên ngành thương mại điện tử chính là con đường gần nhất dẫn bạn đến thành công!
2. Bạn có phù hợp với ngành Thương mại điện tử?
Xu hướng lựa chọn Internet làm kênh mua sắm và giao dịch ngày một lớn mạnh chính là cơ hội cho đội ngũ nhân lực trẻ. Theo học ngành Thương mại điện tử là một lựa chọn thông minh cho những bạn trẻ yêu công nghệ, thích kinh doanh và sẵn sàng “bùng nổ” với vô số những ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, ngành Thương mại điện tử cũng đòi hỏi người học cần có những tố chất sau:
- Đam mê kinh doanh, yêu thích công nghệ.
- Gắn kết và phát huy tối đa năng lực khi làm việc nhóm.
- Kỹ năng thuyết trình, giao tiếp và đàm phán tốt.
- Làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả.
- Tư duy, sáng tạo, nhanh chóng phân tích và giải quyết các tình huống phát sinh.
- Khả năng ngoại ngữ đáp ứng giao tiếp xã hội và xử lý vấn đề chuyên môn.
- Chịu áp lực tốt, thích thử thách mình trong môi trường cạnh tranh.
- Cần cù, chăm chỉ và bền bỉ với công việc…
Hình 2. Ảnh minh họa công việc ngành Thương mại điện tử
Với đặc thù là ngành nghề năng động và yêu cầu tương đối khắt khe khi tuyển dụng nhân sự, hãy trang bị sẵn sàng những yếu tố trên nếu bạn muốn “đầu quân” cho các công ty đầu ngành thương mại điện tử. Nếu bạn đang chưa rõ bản thân mình đã có đủ hay còn thiếu tố chất nào để phù hợp với ngành Thương mại điện tử.
3. Mức thu nhập của ngành Thương mại điện tử
So với các ngành nghề khác, mức lương ngành Thương mại điện tử khá cao, đối với sinh viên mới ra trường, chưa có hoặc ít kinh nghiệm sẽ có mức lương từ 7 – 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tùy vào năng lực, vị trí và kinh nghiệm làm việc sẽ có mức lương cao hơn từ 10 – 20 triệu đồng/tháng.
Mức lương cụ thể của một số vị trí sẽ dao động như sau:
- Nhân viên kinh doanh online: 8 – 15 triệu đồng/tháng.
- Chuyên viên marketing online: 8 – 20 triệu đồng/tháng.
- Chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các công ty, doanh nghiệp: 8 – 20 triệu đồng/tháng
Ngoài ra, thành thạo các kỹ năng và thấu hiểu thị trường ngành thương mại điện tử, người lao động có thể tiếp cận các cơ hội gia tăng thu nhập bằng công việc ngoài giờ như: Tư vấn bán hàng, Chốt đơn hàng, Bán hàng online, Marketing online, Sáng tạo nội dung, Chạy quảng cáo…
Hãy tự tin lựa chọn Ngành Thương mại điện tử - Đại học Đông Á để nâng cao năng lực và nắm bắt cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn này nhé!