ĐẶC ĐIỂM QUAN HỆ LAO ĐỘNG TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOÀI CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP

1. Thực trạng một số đặc điểm quan hệ lao động tại ba trường ĐH Duy Tân, Đông Á và Kiến Trúc trên địa bàn TP Đà Nẵng

1.1. Đặc điểm mô hình quan hệ lao động tại ba Trường

Căn cứ theo Luật số 08/2012/QH13 của Quốc hội - Luật Giáo Dục Đại Học, cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất. Đó là căn cứ hình thành các trường ĐHNCL hoạt động và vận hành như một Doanh nghiệp giáo dục với mô hình QHLĐ có 05 chủ thể tham gia là: Chủ đầu tư, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Công Đoàn, Tập thể giảng viên người lao động:

  1. Chủ đầu tư: có thể là cá nhân hay tổ chức góp vốn đầu tư trường ĐHNCL.
  2. Hội đồng trường: hội đồng trường đại học ngoài công lập bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường đại học do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học.
  3. Ban giám hiệu: bao gồm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường học và các giáo viên giám thị là những người có vai trò lãnh đạo, quản lý các hoạt động của trường học.
  4. Công đoàn: Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong trường; đại diện người lao động thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể.
  5. Tập thể giảng viên, người lao động: là người lao động cho Trường.

Biểu đồ 1: Mô hình các chủ thể tham gia quan hệ lao động tại ba Trường

Nguồn: Xử lý của tác giả theo Luật Giáo Dục ĐH 2012 & Luật Giáo Dục ĐH sửa đổi 2018

1.2. Đặc điểm mối quan hệ lao động giữa các chủ thể tại ba Trường

Tại Đà Nẵng, ĐHNCL thành lập đầu tiên và lớn nhất là Đại học Duy Tân, trường đạt Top 3 các trường đại học hàng đầu của Việt Nam trên Bảng xếp hạng các Đại học trên Thế giới (CWUR - Center of World University Rankings) năm 2021. Đại học Duy Tân được thành lập vào ngày 11/11/1994 theo Quyết định Số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với Hiệu trưởng đầu tiên là nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ (Chủ đầu tư). Năm 2018, Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo (con trai ông Lê Công Cơ) lên tiếp nhận và trở thành Hiệu trưởng tiếp theo của trường Đại học Duy Tân. Do vậy trường đã có mô hình QHLĐ với đặc điểm riêng là đại diện chủ đầu tư hiện nay và trước kia là người sáng lập trường, tham gia vào Hội đồng trường và là Hiệu trưởng, kiểm soát toàn diện các hoạt động của trường, đó là lý do hình thành mối quan hệ lao động xác lập trực tiếp giữa chủ đầu tư với người lao động, hiểu được nhu cầu của người lao động xây dựng mối QHLĐ giữa hai bên sát với thực tiễn công việc và phát triển tốt đẹp.

ĐHNCL thứ hai là trường Đại học Kiến Trúc được thành lập theo Quyết định số 270/2006/QĐ-TTg ngày 27/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Hiệu trưởng hiện tại là TS. Phạm Anh Tuấn là con trai của kiến trúc sư Phạm Sỹ Chức người sáng lập ra trường ĐH Kiến Trúc và hiện giữ cương vị là Chủ tịch hội đồng trường. Nên mối quan hệ lao động được xác lập trực tiếp giữa chủ đầu tư với người lao động.

ĐHNCL thứ ba là trường Đại học Đông Á được thành lập theo Quyết định 644/QĐ-TTg ngày 21/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Với hiệu trưởng hiện tại là TS. Nguyễn Thị Anh Đào chính là người sáng lập ra trường ĐH Đông Á. Chủ đầu tư lớn nhất là TS. Nguyễn Thị Anh Đào với 83.7% tỷ lệ góp vốn và đóng vai trò là Hiệu trưởng Trường. Chủ đầu tư thứ hai là Ông Lương Minh Sâm với 10.21% tỷ lệ góp vốn và đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng trường. Nên mối quan hệ lao động được xác lập trực tiếp giữa chủ đầu tư với người lao động.

Với sự thành công của Đại học Duy Tân, chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Duy Tân, hai trường còn lại cũng học tập đúng như mô hình này. Điều này khác hoàn toàn so với các trường ĐHNCL ở hai thành phố lớn là Hà Nội & Hồ Chí Minh, ví dụ như Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Hùng Hậu Holding đều phải đi ký hợp đồng với từng thành viên Ban Giám hiệu, đại diện chủ đầu tư chỉ tham gia Hội đồng trường, chủ đầu tư khoán chỉ tiêu tuyển sinh, thu chi tài chính và các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học khác.

Như vậy, mô hình vận hành khác biệt của ba trường ĐHNCL trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy sự kiểm soát cao của Chủ đầu tư đối với mọi hoạt động của trường, xác lập mối quan hệ lao động trực tiếp giữa “Chủ đầu tư kiêm vai trò: Hội đồng trường, Hiệu trưởng trường” với người lao động, giúp Chủ đầu tư hiểu được nhu cầu của đội ngũ giảng viên, chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của trường, nhất là về mặt tuyển sinh và thu chi tài chính, qua đó nâng cao chất lượng đời sống đội ngũ giảng viên, xây dựng mối quan hệ lao động giữa hai bên cùng phát triển tốt đẹp.

Biểu đồ 2: Số lượng giảng viên tại ba trường ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á, ĐH Kiến trúc

Nguồn: Xử lý của tác giả theo Thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của ba Trường năm 2021, 2022, 2023

2. Một số giải pháp xây dựng quan hệ lao động theo đặc điểm riêng tại ba Trường

Từ thực trạng một số đặc điểm QHLĐ tại ba trường ĐH Duy Tân, Đông Á và Kiến Trúc trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tác giả đề xuất tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa theo đặc điểm riêng của ba Trường nhằm thu hút và duy trì được đội ngũ giảng viên giỏi tới làm việc và cống hiến góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh và thích ứng với bối cảnh mới hội nhập toàn cầu. Tác giả đề xuất ba nhóm giải pháp theo đặc điểm riêng tại ba Trường:

2.1. Giải pháp gắn kết người lao động với tổ chức

- Các nhà quản lý của ba Trường cần chú ý nhiều hơn đối với giá trị bản thân đội ngũ giảng viên, đội ngũ giảng viên chất lượng cao chính là chìa khóa thành công cho một cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, họ góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế cạnh tranh của trường tư thục với các cơ sở giáo dục đại học khác trong và ngoài nước.

- Các Trường cần quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường làm việc bằng cách đưa ra các hình thức làm việc phù hợp như: full time jobs, part time jobs theo giờ linh hoạt và kịp thời đánh giá, ghi nhận những đóng góp của giáo viên cho nhà trường, từ đó tạo thêm động lực để họ cống hiến nhiều hơn trong tương lai.

- Các Trường nên xây dựng và nâng cao thương hiệu tổ chức tạo niềm tự hào cho đội ngũ lao động gắn bó lâu dài; xây dựng quy chế đào tạo bồi dưỡng tạo cơ hội học tập và phát triển cho đội ngũ giáo viên học lên thạc sĩ, tiến sĩ để họ gắn bó lâu dài với tổ chức; xây dựng quy chế tiền lương đảm bảo sự công bằng theo vị trí công việc, theo năng lực của cá nhân và theo hiệu suất công việc.

2.2. Giải pháp xây dựng mối quan hệ lao động tích cực giữa các chủ thể

- Các Trường đại học có thể hoạt động hiệu quả nếu mối quan hệ lao động giữa các chủ thể tốt đẹp.  Con người hay nhân viên không thể làm việc trong chân không, họ cần giao tiếp và làm việc với người khác để hoàn thành được mục tiêu công việc cá nhân và mục tiêu công việc của tổ chức. Cần tạo lập và duy trì mối quan hệ lao động tích cực giữa các chủ thể như: Chủ đầu tư, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Công đoàn cơ sở, Tập thể đội ngũ giảng viên và cả công chúng nội bộ để giữ cho tổ chức hoạt động hiệu quả, tránh các vấn đề hình ảnh không tốt về tổ chức, đảm bảo rằng nhân viên làm việc đạt hiệu suất tốt nhất cho tổ chức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ĐH Duy Tân năm học (2020 - 2021), (2021 - 2022), (2022- 2023), Báo cáo ba công khai.

2. ĐH Đông Á năm học (2020 - 2021), (2021 - 2022), (2022- 2023), Báo cáo ba công khai.

3. ĐH Kiến trúc năm học (2020 - 2021), (2021 - 2022), (2022- 2023), Báo cáo ba công khai.