Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Phó Chủ tịch VALOMA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI-VLA), sự kết hợp của "3 nhà" (Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển ngành logistics Việt Nam.
Sáng 4/6, Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã được kết nạp trở thành thành viên Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) và tiến hành ký kết chương trình hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp logistics miền Trung – Tây Nguyên. Dịp này, Đại học Đông Á cũng phối hợp với Công ty CP Cảng Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong hoạt động kinh doanh khu vực và toàn cầu”.
Toàn cảnh cuộc Hội thảo do Đại học Đông Á phối hợp với Công ty CP Cảng Đà Nẵng tổ chức sáng 4/6.
Theo TS Bùi Văn Viễn – Trưởng khoa Sau đại học và Đào tạo quốc tế Đại học Đông Á, logistics đóng vai trò chủ chốt trong việc tối ưu hoá chu trình lưu chuyển của sản xuất kinh doanh từ khâu đầu vào nguyên vật liệu đến đầu ra là sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Không chỉ quan trọng đối với hoạt động của các doanh nghiệp mà việc phát triển dịch vụ logistics hiệu quả sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế quốc gia.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa - Phó Chủ tịch VALOMA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI-VLA) dẫn nguồn Sách trắng Logistics Việt Nam 2018 cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 4 nghìn Công ty logistics chuyên nghiệp (trên tổng hơn 30 nghìn doanh nghiệp).
Về nhu cầu nhân lực ngành này, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) năm 2021 cho thấy, kể cả trong thời gian dịch bệnh COVID-19 thì vẫn có 34,88% doanh nghiệp logistics dự định tuyển thêm nhân sự mới với mức tuyển dụng từ 10 người/1 đơn vị. Nhu cầu tuyển dụng đến 2030 là hơn 200 nghìn nhân lực, trong khi khả năng đáp ứng hiện chỉ chiếm 10% nhu cầu.
Theo TS Bùi Văn Viễn, thực tế cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay đã làm cho dịch vụ logistics trở thành một trong các lợi thế cạnh tranh của các quốc gia. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, so với thế giới thì ngành logistics Việt Nam vẫn còn mới và khá non trẻ.
“Do vậy, rất cần sự tham gia phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả nhằm tìm kiếm các giải pháp về nhân lực, công nghệ… góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”, TS Bùi Văn Viễn đặt vấn đề.
Cũng phân tích khía cạnh nguồn nhân lực khi bàn về “Phát triển hệ thống logistics miền Trung”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải chỉ rõ, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực logistics trên địa bàn miền Trung chỉ chiếm 3,2% so với cả nước. Phần lớn các doanh nghiệp còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics.
Vì vậy, trong các giải pháp phát triển logistics miền Trung, ông Trần Thanh Hải kiến nghị cần tập trung phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực này. Trong đó cần phát huy hiệu quả hoạt động đào tạo tại chỗ, đẩy mạnh đào tạo ngành logistics tại các trường đại học tại miền Trung để cung ứng nhân lực tại nguồn. Đồng thời, có chính sách thu hút nguồn nhân lực logistics chất lượng cao từ các TP lớn trở về làm việc tại địa phương.
Tương tự, báo cáo tham luận của PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa kiến nghị 3 nhóm giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro. Đó là chú trọng phát triển các nhóm kỹ năng cần thiết cho nhân lực logistics (kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng số, kỹ năng xã hội và cảm xúc,…). Đào tạo nhân lực logistics đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (hoàn thiện bộ chuẩn nghề, nâng chất lượng giảng viên theo chuẩn quốc tế,…). Đặc biệt là sự kết hợp giữa "3 nhà", gồm Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp
“Sự kết hợp giữa "3 nhà" này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển ngành logistics Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phát triển mối quan hệ hợp tác chính thống (win-win); doanh nghiệp cam kết hỗ trợ thực tập và việc làm cho sinh viên. Đồng thời, nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo lực lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khuyến khích cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng tham gia vào quá trình thực tế”, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa kiến nghị.
Doanh nghiệp Việt Nam