Sinh viên: Thu Hà, Võ Thị Thành, Hoàng Sỹ Tương
Cùng với sự phát triển chung của cả nước, hệ thống các trường đại học mà đặc biệt là trường đại học ngoài công lập cũng đã phát triển không ngừng, tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho các em học sinh lớp 12 đồng thời cũng đẩy mạnh cường độ cạnh tranh giữa các trường đại học ngoài công lập khác nhau. Để tồn tại và phát triển, từng trường đại học ngoài công lập cần tìm cách nắm bắt nhu cầu của học sinh nhằm thu hút học sinh tiềm năng. Trong bối cảnh đó, đề tài này được thực hiện nhằm nhận dạng cácyếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường Đại học ngoài công lập của học sinh lớp 12 tại Tp. Đà Nẵng từ đó các trường đại học ngoài công lập hiểu rõ để vận dụng hợp lý trong các hoạt động của trường trong thời gian tới.
Nghiên cứu được tiến hành qua 2 giai đoạn gồm nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức. Nghiên cứu sơ bộ sử dụng kỹ thuật phỏng vấn sâu với 10 em học sinh lớp 12 tại các trường THPT tại Đà Nẵng. Phỏng vấn được thực hiện thông qua một dàn bài được chuẩn bị sẵn.
Kết quả nghiên cứu chính thức phân tích 200 bảng trả lời của học sinh lớp 12 năm học 2014 - 2015 của 6 trường THPT tại Đà Nẵng cho thấy tất cả 6 yếu tố đưa vào xem xét đều có ảnh hưởng đến quyết định chọn trường Đại học ngoài công lập của học sinh lớp 12 tại Tp. Đà Nẵng trong mẫu khảo sát, bao gồm các yếu tố có ảnh hưởng từ cao đến thấp như Ảnh hưởng của người khác (βAH = 0.340), Đào tạo thực tiễn (βDTTT = 0.258), Nổ lực giao tiếp với học sinh của trường đại học (βCT = 0.158), Đặc điểm trường (βDDT = 0.149), Uy tín (βUT = 0.149) và Học phí (βHP = -0.141)
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các yếu tố trên như tổ chức “Ngày hội tư vấn tuyển sinh” có sự tham gia của các bậc phụ huynh. Xây dựng một lộ trình học tập rõ ràng, cụ thể, đảm bảo số tiết thực hành tương đương với lý thuyết. Những môn kỹ năng như: kỹ năng quản lý công việc, kỹ năng giao tiếp thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng soạn thảo văn bản nên học từ học kì một năm nhất đại học để hỗ trợ và tạo tiền đề xuyên suốt thời gian học đại học và cuộc sống sau này. Để tăng tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm nhanh chóng, phù hợp, các trường đại học ngoài công lập cần liên kết với các doanh nghiệp để hiểu rõ những điều doanh nghiệp cần ở một ứng viên một cách cụ thể nhất bằng cách làm một bản khảo sát về những kĩ năng mà doanh nghiệp cần, để từ đó trang bị cho sinh viên của mình hành trang tốt nhất về kiến thức cũng như kĩ năng và sự tự tin. Các trường đại học ngoài công lập cũng cần quan tâm hơn về truyền thông, quảng bá hình ảnh, thông tin trường trên các phương diện TV, radio. Các chương trình tư vấn tuyển sinh của trường qua việc thiết kế các chương trình quảng cáo thật hấp dẫn, tạo được sự khác biệt trước và trong thời gian học sinh làm hồ sơ thi đại học thì tần suất xuất hiện của quảng cáo trên này dày đặc hơn, phát sóng vào khung giờ vàng. Các Trường đại học ngoài công lập cần thường xuyên lắng nghe những đóng góp, những mong muốn của sinh viên đã và đang theo học tại trường thông qua các bảng khảo sát ở cuối mỗi năm học. Đồng thời, giải quyết các vấn đề, thắc mắc hay khó khăn của sinh viên nhanh chóng và triệt để.
Nhìn chung, luận văn đã giải quyết được các mục tiêu đề ra nhưng kết quả đề tài vẫn còn hạn chế vì mẫu khảo sát chưa mang tính đại diện do cách lấy mẫu thuận tiện. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu vẫn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc hoạch định các hoạt động tiếp thị để thu hút học sinh đối với các trường đại học ngoài công lập tại thành phố Đà Nẵng.