Hội thảo chuyên đề “Bí quyết thành công ngay lần đầu xin việc” do ĐH Đông Á tổ chức mới đây đã cung cấp cho sinh viên nhiều thông tin thiết thực. Thạc sĩ Trần Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự, đã giới thiệu nhiều lời khuyên hữu ích đến các sinh viên năm cuối của trường.
Thạc sĩ Trần Thị Kim Thoa chia sẽ bí quyết thành công ngay lần đầu xin việc
Nhân rộng nhiều kênh tìm việc
Tìm việc là cả một hành trình công phu, trải qua nhiều bước khác nhau, trong đó bước quan trọng đầu tiên là định hình năng lực bản thân qua mô hình ASK & Mục tiêu nghề nghiệp. Qua đó, bạn cần phải trả lời được đâu là sở thích, đam mê của mình.
Ở khâu tìm kiếm, bạn có thể sử dụng các kênh tìm việc khác nhau để đảm bảo không để “lọt” bất cứ cơ hội việc làm lý tưởng nào. Phổ biến nhất hiện nay là sử dụng các kênh tìm việc online (vietnamworks, careerlink, timviecnhanh…)
Tiếp đến, bạn cũng có thể chia sẻ nhu cầu tìm việc của mình qua người thân, bạn bè vì họ là những người biết rõ thực lực và nguyện vọng của bạn trong công việc. Mục rao vặt trên báo in cũng là một nguồn thông tin đáng tin cậy mà bạn không nên bỏ qua. Tại Đại học Đông Á, khi có bất cứ thắc mắc liên quan đến vấn đề tìm kiếm cơ hội việc làm và chuẩn bị hồ sơ xin việc, sinh viên đều có thể tìm đến Phòng Hợp tác Doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên viên giàu kinh nghiệm.
Ngày hội việc làm tại trường Đại học Đông Á
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cho một bộ hồ sơ xin việc
Một bộ hồ sơ hoàn chỉnh bao gồm rất nhiều giấy tờ cần thiết, trong đó có CV, thư xin việc, bản photocopy có công chứng những bằng cấp trước đó và thư tiến cử.
CV không chỉ là một bản tóm tắt quá trình học tập và thông tin tóm lược về ứng viên mà chính là tài liệu duy nhất để giúp nhà tuyển dụng có được cái nhìn tổng quan ban đầu về bạn, từ đó họ sẽ đánh giá bạn có phù hợp với vị trí đăng tuyển và quyết định có mời bạn tham gia phỏng vấn hay không. Chính vì thế, một bức CV cần phải được đầu tư kỹ càng về cả nội dung và hình thức, đảm bảo thông tin mà bạn cung cấp đã có sự chắt lọc cẩn thận và phải thật đắt giá.
Tìm đến những người có kinh nghiệm
Về thư nguyện vọng (cover letter), bạn có thể tìm đọc những lá thư mẫu để tham khảo, nhưng quan trọng nhất là phải cá nhân hóa được lá thư của mình, làm sao trong thư nêu bật được những ưu điểm của bản thân và dẫn giải được “tôi nghĩ mình phù hợp với vị trí công việc này, vì…”
Việc chuẩn bị thư tiến cử cũng cực kỳ quan trọng, bởi đây là lá thư do một người thứ ba viết để xác nhận, đánh giá về năng lực của bạn. Người viết có thể là một giáo viên cũ, một đồng nghiệp cũ hay một ai đó từng làm việc với bạn.
Các bạn sinh viên thường có xu hướng tìm đến các trưởng khoa hoặc giảng viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp để nhờ viết thư tiến cử. Trong khi đó, những người đã đi làm thì tìm đến “sếp” hoặc đồng nghiệp cũ vì đây là những người đã từng làm việc với họ trong thời điểm gần nhất.
Các lỗi cần tránh khi viết CV
Có rất nhiều lỗi phổ biến mà các bạn sinh viên thường mắc phải trong quá trình soạn CV. Thạc sĩ Trần thị Kim Thoa đã chỉ ra một số lỗi thông thường như việc dùng CV có sẵn trên mạng, lỗi chính tả, quên đính kèm file (đối với hình thức gửi trực tuyến), quên mục thông tin liên hệ, thiếu tài liệu minh chứng. Những hồ sơ có vốn từ vựng quá nghèo nàn, câu từ được lặp đi lặp lại hay có nội dung thông tin thiếu tích cực cũng là những điều ứng viên cần chú ý tránh.
Những điểm cộng mà bạn nên khai thác tối đa trong hồ sơ của mình bao gồm: thực hiện CV theo đúng định hướng công việc, có kỹ năng đính kèm, thể hiện sự thích hợp của bản thân cho vị trí công việc ứng tuyển, có nhiều thành tích trong học tập và làm việc…
Các sinh viên hăng hái tham gia ngày hội việc làm
Tạo thiện cảm khi tham gia phỏng vấn
Được mời đi phỏng vấn có nghĩa là hồ sơ của bạn đã thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Đây cũng là một trong những khâu quan trọng đóng vai trò quyết định cho việc bạn có được nhận cơ hội việc làm này hay không.
Vì thế, bạn cần chuẩn bị các câu trả lời để ứng phó cho các câu hỏi có thể gặp phải. Trong lúc phỏng vấn, các kỹ năng như tư thế ngồi, cách dùng từ, cách giao tiếp bằng mắt với những thành viên đóng vai trò phỏng vấn… cũng đặc biệt quan trọng để lấy được thiện cảm của nhà tuyển dụng.
Một lá thư cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn tại cuộc phỏng vấn, cùng một bảng tổng kết những bài học kinh nghiệm đã rút ra được từ trải nghiệm này sẽ giúp bạn tự tin hơn, tạo thiện cảm với đại diện doanh nghiệp.
Trang Hồ