Báo cáo của HSBC về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2014 cho thấy, các chỉ số tăng trưởng khá lạc quan và triển vọng kinh tế Việt Nam đang ngày càng sáng lên.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cả nước 9 tháng năm 2014 ước đạt tăng 14,1%. Đây là một kết quả ấn tượng khi xét trong hoàn cảnh tổng cầu không mấy sáng sủa như hiệu nay. Việt Nam đang chuyển từ vị thế nhập siêu sang xuất siêu trong những năm gần đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Thặng dư thương mại 8 tháng năm 2014 đạt mức kỷ lục hơn 3 tỷ USD.
Cùng với đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng của HSBC (HSBC PMI) tăng từ 50,3 trong tháng 8 lên 51,7 trong tháng 9 do có nhiều đơn hàng mới và giá cả đầu vào giảm đáng kể.
CPI cả nước tháng 9 giảm do giá dầu giảm và áp lực cầu yếu. HSBC dự đoán CPI sẽ ở mức thấp hơn 4% vào cuối năm 2014.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2014 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013; cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng đáng ngưỡng mộ và vượt cả mức tăng của GDP cả nước 9 tháng qua. Đặc biệt, đa số các ngành có tốc độ sản xuất tăng cao đều là ngành công nghệ, chế biến chế tạo như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 35,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,9%; dệt may tăng 18,8%...
Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho công nghiệp đang có xu hướng giảm dần trong 9 tháng qua cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Theo đánh giá của HSBC, Việt Nam đang có cơ hội lý tưởng khi lượng hàng tồn kho thấp và số đơn hàng cao. Đồng thời, lĩnh vực sản xuất ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Riêng trong quý III năm 2014, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất đạt 9,8% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào tỷ lệ tăng trưởng GDP của cả nước. Tính chung 9 tháng năm 2014, GDP cả nước đã tăng trưởng 5,62% và là mức tăng trưởng vượt mọi dự báo. Trước tình hình đó, HSBC dự báo GDP quý IV năm nay sẽ tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2013.
Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán các Hiệp định thương mại quan trọng như TPP, FTA .... Dự kiến đến cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015, các hiệp định này được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt và nâng cao mức thặng dư thương mại.
HSBC dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong ngắn hạn; lạm phát giảm do cung thừa, cầu yếu và tăng trưởng tín dụng chậm. Cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng phát triển Châu Á - ADB cũng đã hạ dự báo mức độ lạm phát của Việt Nam năm 2014 xuống còn 4,5%; mức lạm phát thấp nhất từ năm 2013 đến nay.
Trong trung hạn, HSBC cho rằng Việt Nam cần cải cách thị trường lao động, tài chính, cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững. Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao để giải quyết vấn đề việc làm và xuất khẩu, Việt Nam cần phải có kế hoạch tiếp thu công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Nguyệt Quế (Infonet)