Định hướng âm nhạc đúng đắn cho sinh viên

Tối 17/9, trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đã tổ chức chương trình giao lưu cảm nhận nghệ thuật “Âm nhạc dân tộc – một góc nhìn” giữa sinh viên và ca sỹ Cao Minh - Người hát dân ca hay nhất và giải nhất Concour toàn quốc năm 1988.

Mặc cho cơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 8, hàng trăm sinh viên vẫn đến tham gia chương trình. Tại đây, sau khi lần lượt trình diễn những ca khúc gắn liền với giọng hát của mình, ca sỹ Cao Minh đã có những chia sẻ về thẩm mỹ âm nhạc nhằm định hướng cho sinh viên biết trân quý âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Nhắc đến 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh: Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù và Quan họ, ông trăn trở “Trong khi người nước ngoài đánh giá cao sự phong phú, độc đáo của âm nhạc Việt Nam thì mình lại thờ ơ. Lẽ ra người ta quý một thì mình phải quý mười, quý trăm. Thực tế đó có cả ở người lớn chứ không chỉ giới trẻ, cho nên chúng ta phải định hướng lại, không để âm nhạc truyền thống bị mất dần bản sắc”.

Nghệ sỹ Cao Minh cũng thẳng thắn chỉ ra những “quan điểm sai” trong cách cảm nhận âm nhạc của người nghe. Không ít bạn trẻ chỉ quan tâm tới việc được “kích động” bằng âm nhạc sôi động, lạ tai, hình ảnh bắt mắt mà chẳng cần hiểu lời. Ông cũng chỉ ra những “trò lố” của những ca sỹ chỉ dùng chiêu trò thu hút khán giả để được nổi tiếng. Và cũng chính vì những ca sỹ chạy theo xu hướng hát không tròn vành rõ chữ, mặc thiếu trên hụt dưới đã phần nào làm lệch thẩm mỹ âm nhạc của người nghe.

Trong phần giao lưu, ca sỹ Cao Minh cũng trình bày những khúc dân ca của cả ba miền để chỉ ra cái hay, cái đẹp của âm nhạc Việt Nam. Ông vừa ví von vừa diễn giải cách cảm thụ “bức tranh lãng mạn của làng quê”, những “dòng tâm tình không ngỏ được bằng lời” để sinh viên dần thấm được nét tinh túy của âm nhạc dân tộc. Cả hội trường lắng đọng khi nghe ông chia sẻ và cất cao tiếng hát, rồi lại vỡ òa bằng tràng vỗ tay tán thưởng khi ông rút ra được cái hồn của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Ca sỹ Cao Minh đưa ra nhận định âm nhạc có khả năng khơi gợi sức sáng tạo, làm đẹp thêm tâm hồn con người. Vì vậy nếu được định hướng đúng ngay từ đầu sẽ giúp con người sống đẹp hơn. Hơn nữa, trước sự lấn át của các dòng nhạc ngoại quốc, việc bảo tồn âm nhạc trong nước cần phải sớm được định hướng. Chính vì vậy ông đã, đang và sẽ còn đi khắp các trường học trong cả nước để hát cho sinh viên nghe, chỉ cho sinh viên thấy cái đẹp của âm nhạc Việt, chỉ cho sinh viên “nghe thế nào cho đúng, nghe thế nào cho hiểu”.

Hiểu rõ “Âm nhạc làm khơi ngọn lửa trong trái tim người đàn ông và dâng lệ lên mắt người đàn bà” nên từ nhiều năm nay, ĐH Đông Á cũng đã chú trọng việc giáo dục bằng con đường âm nhạc. Trường ĐH Đông Á là trường đại học đầu tiên đưa “Cảm nhận nghệ thuật” trở thành một trong 8 mục tiêu kỹ năng của sinh viên, nằm trong chương trình đào tạo của Nhà trường.

ĐH Đông Á – môi trường đào tạo tích cực, bên cạnh hành trang kiến thức, Nhà trường cũng luôn trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết. Trong đó sinh viên phải đạt được mục tiêu cảm nhận nghệ thuật, trách nhiệm với cộng đồng.