Trong những năm gần đây, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thu hút các nguồn ngoại tệ, đặc biệt là USD. Đây là nguồn lực quan trọng giúp chúng ta giải quyết được phần lớn các nhu cầu về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng... Nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó. Chính lượng USD ồ ạt đổ vào Việt Nam nếu không được kiểm soát tốt cũng sẽ gây ra hậu quả to lớn, đó là tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Đôla hóa là gì?
Đô la hóa là tình trạng mà tỉ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng bao gồm: tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ.
Đô la hóa được phân ra làm 3 loại như sau:
- Đô la hóa không chính thức là trường hợp đồng đô la được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế, mặc dù không được quốc gia đó chính thức thừa nhận. Ở những nước có nền kinh tế bị đô la hóa không chính thức, phần lớn người dân đã quen với việc sử dụng đồng đô la nhưng Chính phủ vẫn cấm niêm yết giá hàng hóa bằng đô la, cấm dùng đô la đối với hầu hết giao dịch trong nước.
- Đô la hóa bán chính thức hay còn gọi là đô la hóa từng phần là tình trạng đồng đô la ư được sử dụng như một đơn vị kế toán, phương tiện trao đổi, dự trữ giá trị và phương tiện thanh toán trong khi đồng nội tệ vẫn tồn tại và lưu thông. Đồng đô la có chức năng như một đồng tiền hợp pháp thứ hai của nền kinh tế. Các nước ở tình trạng này vẫn duy trì một Ngân hàng Trung ương để thực hiện chính sách tiền tệ của họ.
- Đô la hóa chính thức hay còn gọi là đô la hóa hoàn toàn xảy ra khi đồng ngoại tệ là đồng tiền hợp pháp duy nhất được lưu hành. Nghĩa là đồng ngoại tệ không chỉ được sẻ dụng hợp pháp trong các hợp đồng giữa các bên tư nhân mà còn hợp pháp trong các khoản thanh toán của Chính phủ. Nếu đồng ngoại tệ còn tồn tại thì nó chỉ có vai trò thứ yếu và thường chỉ là đồng tiền xu hay các đồng tiền mệnh giá nhỏ. Thông thường, các nước chỉ áp dụng đô la hóa chính thức khi đã thất bại trong việc thực thi các chương trình ổn định kinh tế.
Tình trạng đôla hóa ở Việt Nam
Ở Việt Nam, theo thống kê, tỉ lệ Đô la hóa luôn ở mức trên 20% trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn rất nhiều, như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia...chỉ khoảng 7-10%.
Những năm qua, lượng tiền gửi tuyệt đối bằng USD tại các ngân hàng đã không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở hệ thống ngân hàng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với nguồn vốn ngoại tệ đồ sộ đó, các ngân hàng thường có hai cách lựa chọn:
- Một là: đem gửi ở ngân hàng nước ngoài - những nước có lãi suất tiết kiệm bằng đồng USD cao hơn trong nước để kiếm lời bằng chênh lệch lãi suất hoặc thực hiện nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ quốc tế;
- Hai là: đầu tư và cho các doanh nghiệp trong nước vay.
Cách thứ nhất buộc các ngân hàng phải có một lượng USD tương đối lớn, song, hiệu quả kinh tế không cao, lại luôn tiềm tàng nhiều rủi ro do giá USD trên thị trường thế giới luôn biến đổi thất thường. Điển hình là việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng có giai đoạn bị thua lỗ hàng chục triệu USD do kinh doanh ngoại tệ. Chính vì vậy mà các ngân hàng thường thực hiện theo cách thứ hai: đầu tư cho vay trong nước, và chính điều này đã làm gia tăng các giao dịch, thanh toán bằng USD trên nhiều loại thị trường. Điều này không những đẩy nhanh quá trình đô la hóa mà còn mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp vay vốn bằng USD: Họ kinh doanh bằng VNĐ nhưng phải trả nợ ngân hàng bằng USD và nghiễm nhiên sẽ phải gánh chịu rủi ro về tỷ giá.
Một lĩnh vực Đô la hóa tương đối mạnh đó là bán hàng qua mạng, kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu, nhất là đồ điện tử. Ta có thể thấy bằng trực giác việc niêm yết giá bằng cả VNĐ lẫn USD ở hầu như 100% các trang web bán đồ điện tử như: máy vi tính, các thiết bị gia dụng nhập ngoại v.v... Mặc dù hai loại giá được đặt song song nhưng việc thanh toán thực tế thì luôn được thực hiện bằng USD, nếu khách hàng thanh toán bằng VNĐ thì giá của hàng hóa sẽ dựa trên tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và USD ngày hôm thực hiện giao dịch. Những hàng hóa này thường là những hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ hoặc nhập khẩu từng liên kiện, nên giá của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào USD, do vậy, các doanh nghiệp, để tránh rủi ro tỷ giá cho mình, buộc phải niêm yết giá bằng USD. Ngoài ra, doanh nghiệp niêm yết giá bằng USD còn để tăng tính "hiện đại", "thương mại điện tử". Điều này rất đáng lo ngại vì kinh doanh qua mạng sẽ trở thành loại hình kinh doanh chủ yếu trong tương lai.
Nguyên nhân tình trạng Đô la hóa
Trên thực tế ta thấy rằng lãi suất tiền gửi VNĐ cao hơn USD. Với mức chênh lệch lãi suất đáng kể đó thì gửi tiết kiệm bằng VNĐ sẽ cho ta mức lãi tiết kiệm cao hơn bất chấp sự chênh lệch tỷ giá. Nhưng người dân vẫn có thói quen tích trữ USD hơn là VNĐ. Tại sao?
Nguyên nhân mang tính lịch sử, đó là sự mất lòng tin vào đồng nội tệ của người dân do những cuộc khủng hoảng tiền tệ sau năm 1985 và những năm 1997-1998. Thêm vào đó là hiện tượng lạm phát phi mã trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 càng làm làm cho đồng nội tệ mất giá nhanh và tạo cho những người giữ tiền cảm thấy quá rủi ro khi giữ một khối lượng đồng nội tệ lớn. Hơn thế nữa, sau một thời gian ổn định, chỉ số giá đang ngày càng gia tăng khiến mọi người thêm ngần ngại hơn trong việc chuyển từ ngoại tệ sang VNĐ. Người ta thích dùng USD không chỉ vì tính ổn định mà còn vì sự gọn nhẹ và tiện dụng của nó.
Một nguyên nhân khác đó là nguồn ngoại tệ tiền mặt ở nước ta không ngừng tăng nhanh, đặc biệt là USD bởi vì nước ta có rất nhiều kênh để huy động ngoại tệ:
- Nguồn kiêu hối ngày càng có xu hường tăng mạnh với mức tăng bình quân 10%/năm.
- Lượng ngoại tệ chi tiêu ở Việt Nam của khách du lịch nước ngoài cũng tăng nhanh cùng với lượng du khách đến Việt Nam.
- Tiền lương và thu nhập của người Việt Nam làm việc trong các dự án liên doanh, dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, dự án quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam... được trả bằng ngoại tệ.
- Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống, làm ăn, học tập v.v... ngày càng gia tăng, chi tiêu ngoại tệ tiền mặt rất lớn, nhất là tiền thuê nhà của các hộ gia đình người Việt Nam và chi trả các dịch vụ khác.
- Tiền viện trợ không hoàn lại, tiền của các tổ chức tài chính vi mô, tổ chức từ thiện quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài v.v... Bên cạnh đó là nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, Chính phủ các nước.
- Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngày một gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
- Ngoại tệ từ các hoạt động buôn lậu và một số nguồn ngoại tệ qua các hoạt động kinh tế ngầm khác mà chính phủ Việt Nam chưa thể quản lý.
Với lượng tiền mặt ngoại tệ lớn như vậy đang ồ ạt đổ về, buộc Việt Nam phải đứng trước tình trạng Đô la hóa nền kinh tế ngày càng trầm trọng.
Trước thực trạng trên, chúng ta cần phải nhận định rõ rằng: Đô la hóa là tình trạng khó tránh khỏi đối với những nước có xuất phát điểm thấp, đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế và từng bước hội nhập như Việt Nam. Xóa bỏ Đô la hóa không phải là xóa bỏ hoàn toàn và phủ định tất cả vì cũng giống như lạm phát, phải duy trì ở một mức độ phù hợp và ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận sự hiện diện của Đô la hóa trên cơ sở kiềm chế, khai thác mặt lợi, hạn chế mặt tiêu cực.
Theo Saga