Drone thúc đẩy ngành logistics tầm thấp Trung Quốc

Nhiều địa phương sử dụng drone phục vụ các tuyến vận chuyển hàng hóa đến những địa điểm khó tiếp cận như ngoài đảo, vùng núi.

Sống trên hòn đảo nhỏ Laoshandao, nằm giữa hồ Chaohu rộng 780 km2, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, bà Gao Chunmei (61 tuổi), biết rằng việc giao hàng thường mất thời gian, ngay cả khi bưu kiện đã đến khu vực. Nhưng lần này, bà vô cùng ngạc nhiên khi bưu kiện đến sớm hơn dự kiến, được vận chuyển bằng một chiếc drone (máy bay không người lái) màu trắng bay qua vùng nước rộng lớn, thay vì phải chờ các dịch vụ vận chuyển bằng phà như trước đây.

Chiếc drone này có khả năng mang tới 9 kg hàng hóa và chỉ mất bốn phút để hoàn thành quãng đường từ điểm cất cánh tại thành phố ven hồ Chaohu đến hòn đảo. Hoạt động này giúp rút ngắn thời gian giao hàng gần hai giờ so với dịch vụ phà truyền thống.

"Phương thức giao hàng truyền thống dựa vào phà, có thể bị trì hoãn do thời tiết xấu. trong khi đó, drone mang đến giải pháp linh hoạt, hiệu quả và tiện lợi hơn, giải quyết thách thức giao hàng đến đảo", Meng Qi, quản lý kinh doanh chi nhánh Chaohu của China Post - gã khổng lồ trong ngành logistics của Trung Quốc cho biết.

Từ khi hoạt động vào tháng 6/2024, tuyến giao hàng bằng drone này đã thực hiện hơn 1.000 chuyến giao hàng, và dự kiến sẽ mở rộng dịch vụ đến các khu vực miền núi trong năm 2025, theo Meng.

Tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh đã khai trương tuyến vận chuyển hàng không người lái đầu tiên tại đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Badaling, cho phép du khách nhận đồ giải nhiệt mùa hè và nhu yếu phẩm khẩn cấp chỉ trong vài phút.

Ở các khu vực đô thị đông đúc và nhiều phương tiện giao thông, dịch vụ giao hàng bằng drone đang phát triển mạnh. Từ giao đồ ăn đến hỗ trợ y tế khẩn cấp, drone đang mở rộng phạm vi ứng dụng, thúc đẩy sự phát triển của logistics tầm thấp.

Tháng 10/2024, một tuyến giao máu bằng drone mới đã được triển khai tại thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, kết nối trung tâm hiến máu quận Luyang với trung tâm máu tỉnh An Huy bằng một đường bay trực tiếp, hiệu quả cao.

Tuyến bay này là một phần của "hành lang trên không" dành cho vận chuyển y tế trong thành phố, do Công ty công nghệ Antwork, có trụ sở tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, vận hành. Trong năm 2024, công ty này đã mở rộng dịch vụ giao máu bằng drone đến 40 thành phố, bao gồm Hợp Phì, Hàng Châu và Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc), hoàn thành hơn 2.500 chuyến giao máu khẩn cấp, giúp tiết kiệm thời gian quý báu cho hàng nghìn bệnh nhân.

Thâm Quyến - trung tâm công nghệ ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc - nơi đặt trụ sở của DJI, một trong những hãng sản xuất drone hàng đầu thế giới, đã ban hành chính sách hỗ trợ thử nghiệm các mô hình logistics kết hợp drone và phương thức truyền thống. Riêng trong năm 2024, Thâm Quyến đã khai trương 94 tuyến vận chuyển hàng hóa bằng drone, nâng tổng số lên hơn 200, với hơn 600.000 chuyến bay hoàn thành.

Tại Quảng Châu, chính quyền địa phương đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế tầm thấp lên 150 tỷ nhân dân tệ vào năm 2027, đồng thời xây dựng mạng lưới logistics bằng drone phục vụ cả thành phố và khu vực lân cận.

Ở cấp quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải cùng Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã triển khai nhiều sáng kiến, kế hoạch hành động nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả logistics. Bộ này cũng đề xuất thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng thương mại của logistics bằng drone.

Nguồn: https://vnexpress.net/