Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang là tâm điểm chú ý, không chỉ bởi quy mô đầu tư khổng lồ mà còn bởi những 'cơ hội vàng' cho doanh nghiệp Việt trong việc khẳng định năng lực, làm chủ thị trường trong nước và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Vừa qua Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự kiến Quốc hội sẽ nghe tờ trình vào ngày 13/11, thảo luận tại hội trường vào 20/11 và biểu quyết thông qua vào 30/11.
Sẵn sàng cho siêu dự án tỷ đô
Theo tờ trình, đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh/thành; bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng; điểm đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm). Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian hoàn vốn khoảng 33,61 năm.
Đây là một trong những công trình hạ tầng quy mô lớn nhất trong lịch sử đất nước. Trong bài phân tích "The Political Economy of Vietnam’s North-South High-Speed Rail Project" của TS Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak (Singapore), dự án không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng đối với toàn khu vực Đông Nam Á.
Tiềm năng phát triển và tăng cường kết nối khu vực
Dự án đường sắt cao tốc này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo nên mạng lưới vận tải xuyên suốt từ các đô thị lớn của Việt Nam đến các nước láng giềng như Lào, Campuchia và Thái Lan. Trước xu thế thương mại nội khối Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, tuyến đường này có tiềm năng rút ngắn thời gian di chuyển hàng hóa và hành khách, góp phần giảm chi phí logistics và thúc đẩy giao thương quốc tế. Bối cảnh khu vực đang chứng kiến nhiều dự án đường sắt cao tốc khác như tại Thái Lan và Lào, nên Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào mạng lưới giao thông khu vực.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt này còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho bất động sản và các ngành dịch vụ liên quan dọc theo tuyến. Những ga tàu cao tốc sẽ trở thành hạt nhân phát triển cho các khu đô thị mới, khu công nghiệp và trung tâm thương mại. Từ đó gia tăng giá trị đất đai và nâng cao vị thế cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Tăng sức cạnh tranh cho logistics Việt Nam
Ngành logistics ở Việt Nam hiện phải đối diện với áp lực lớn do hạn chế về hạ tầng và chi phí vận tải cao. Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm gần 20% GDP, một con số cao hơn đáng kể so với nhiều quốc gia phát triển và thậm chí một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc sẽ giảm bớt áp lực cho mạng lưới đường bộ, đồng thời rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí vận chuyển – đặc biệt hữu ích cho hàng hóa nặng và có giá trị cao.
Khi cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cấp, năng lực sản xuất sẽ được tối ưu hóa, thị trường mở rộng, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu cũng tăng lên. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng gắn chặt với xuất khẩu và thu hút vốn FDI, việc củng cố một hệ thống logistics hiện đại và hiệu quả là điều cần thiết để hỗ trợ đà phát triển dài hạn của đất nước.
Đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam còn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Với lợi thế là phương thức vận tải có lượng khí thải carbon thấp hơn so với đường bộ và hàng không, đường sắt giúp giảm đáng kể tác động đến môi trường. Việc chuyển hướng một phần vận tải từ đường bộ và hàng không sang đường sắt không chỉ làm giảm ô nhiễm mà còn hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ đại diện cho sự nâng cấp hạ tầng của Việt Nam mà còn là bệ phóng để đưa đất nước trở thành trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu này, dự án đòi hỏi một quy trình quản lý tài chính nghiêm ngặt, lựa chọn đối tác phù hợp và sự minh bạch trong từng quyết định. Nếu triển khai đúng cách, dự án không chỉ tăng cường năng lực vận tải mà còn góp phần vào phát triển bền vững, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường kinh tế khu vực và quốc tế.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/