Ford có thể…nhưng GM không thể…?

Trước thời điểm khủng hoảng kinh tế 2007 - 2008, trong cuộc gặp với người lao động, Bill Ford - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Ford đã khẳng định “Một sự thực đơn giản là mô hình kinh doanh mà chúng ta duy trì trong những thập kỷ vừa qua không còn phù hợp để mang lai lợi nhuận”.

Theo thống kê, Ford đã lỗ 1,44 tỷ trong nửa đầu năm 2006, doanh số giảm và tồn kho các mẫu xe cỡ lớn (16 chỗ, 29 chỗ) đã khiến Ford buộc lòng phải cắt giảm 21% sản lượng trong quý IV năm 2006. Để trang trải cho những khó khăn về tài chính, công ty đã quyết định bán đi nhãn hiệu hạng sang Aston Martin. Rõ ràng, mô hình kinh doanh cũ (giai đoạn 2001 - 2005) dưới thời Bill Ford không còn phù hợp, Ford đã mất dần thị trường vào tay các hãng sản xuất và kinh doanh ô tô khác mà nguyên nhân chủ yếu là sự chậm đổi mới trong thiết kế mẫu mã, kiểu dáng, tiện nghi, chất lượng cũng như việc áp dụng “công nghệ xanh và tiết kiệm nhiên liệu”…trong sản xuất ô tô; sự trễ nải và thiếu mạnh mẽ trong việc thâm nhập thị trường ô tô Á - Âu và cuối cùng là sự thiếu vắng những nhà quản trị cấp cao có thể lèo lái “con thuyền Ford” trong tình hình nhu cầu thị trường và mức độ cạnh tranh không ngừng biến đổi.

Trước những khó khăn trên, cũng tại cuộc họp này, Bill Ford đã đưa ra chiến lược cải tổ 3 điểm như sau:

Củng cố sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ:  Đây là nơi mà trước đây Ford đã từng có thế mạnh về dòng xe pickup. Ford sẽ cũng cố lại vị thế tại khu vực này bằng nổ lực cấu trúc lại quy trình sản xuất, từ năm 2007 đến năm 2012, Ford đã tiến hành cắt giảm 34.000 nhân công, trong đó khoảng 30.000 người là hợp đồng làm việc theo giờ, và đóng cửa 14 nhà máy tại khu vực này. Đồng thời trong chiến lược đầu tiên này, ông cũng nói thêm, Ford cần phải phát triển các dòng xe mới, tập trung nhiều hơn vào các dòng xe dưới 5 chỗ và crossover để có thể mang lại lợi nhuận cho công ty.

Sử dụng sức mạnh từ các nhãn hiệu nước ngoài: Cụ thể đó là tận dụng sức mạnh của các nhãn hiệu Mazda, Volvo để tạo ra lợi thế cạnh tranh toàn cầu cho Ford. Như Bill Ford đã nói, “cần tạo ra một cấu trúc gắn kết hơn để mỗi nơi đóng góp phần tốt nhất vào việc xây dựng thực thể hoàn chỉnh”.

Tập trung vào việc phát triển đội ngũ quản lý: Bao gồm đào tạo từ nội bộ cũng như tuyển mộ những tài năng từ bên ngoài.

Nhìn lại chặng đường 4 năm theo đuổi chiến lược - cải tổ 3 điểm của Ford, có thể khẳng định nguyên nhân giúp Ford thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua và tạo ra sự ổn định trong kinh doanh như hiện nay là nhờ vào việc chọn lựa chiến lược phù hợp. Đó là chiến lược tập trung vào năng lực lõi -  tập trung phục vụ thị trường Bắc Mỹ - năng lực mà Ford có thể làm tốt nhất lúc ấy. Ngược lại, GM lại ôm đồm quá nhiều, hoạt động ở nhiều thị trường khác nhau - Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á, ứng với mỗi thị trường cho ra nhiều sản phẩm để phục vụ, và quan trọng hơn là GM đã không làm được như Ford - cắt giảm các hoạt động không sinh lợi trong thời buổi khủng hoảng kinh tế. Chính những động thái chiến lược này đã góp phần giúp Ford “vượt cạn” thành công.

Người thực hiện: Phạm Thị Tâm