Góc nhìn của một nhà quản lí nhân sự trong lĩnh vực Dịch vụ Khách sạn

Bất kể quy mô, doanh nghiệp dù lớn dù nhỏ đều cần có một (hoặc vài) người đảm nhiệm công việc quản trị nhân sự. Vai trò của họ kiêm nhiệm nhiều thứ, từ tuyển dụng, huấn luyện đào tạo, theo dõi chấm công cho đến xử lí khủng hoảng quan hệ nội bộ và cả các vấn đề chính sách đãi ngộ nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động. Và để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để có thể tìm được việc làm trong ngành nhân sự, trước hết hãy cùng tìm hiểu đâu là những kĩ năng và kiến thức mà một nhà tuyển dụng trông chờ ở bạn.

Để có được góc nhìn cận cảnh và chia sẻ từ người trong nghề, Đại học Đông Á đã kết nối được với giám đốc nhân sự của một trong những resort hàng đầu tại Đà Nẵng.

ĐH Đông Á: Chị có thể vui lòng chia sẻ một số yêu cầu chung đối với các ứng viên của bộ phận nhân sự?

- Yêu cầu chung của tôi đối với một nhân viên nhân sự là họ phải có một trình độ học thức nhất định (bậc Đại học hoặc Cao đẳng), đặc biệt những bạn sinh viên đã từng theo học chuyên ngành Quản trị nhân sự và Dịch vụ khách sạn sẽ có lợi thế hơn khi ứng tuyển. Về tính cách, tôi đánh giá cao những bạn hòa nhà, cẩn thận. Nhưng quan trọng hơn, một người làm nhân sự trong lĩnh vực Dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng không thể thiếu các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, khả năng tiếng Anh và kĩ năng tin học văn phòng (word, excel, powerpoint).

Đối với những bạn sinh viên sắp sửa ra trường, tôi muốn khuyên các bạn hai điều, đó là nên có định hướng nghề nghiệp tốt và có lòng đam mê trong công việc.

ĐH Đông Á: Được biết khu nghỉ dưỡng nơi chị công tác đã từng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Kinh tế (khoa Tài chính ngân hàng) và cả Đại học Bách khoa. Tại sao lại có quyết định này, thưa chị?

Có thể các bạn sẽ khá ngạc nhiên vì sự lựa chọn này, nhưng tôi cũng có những lí lẽ của mình. Khi tuyển dụng cho vị trí Nhân viên nhân sự chuyên mảng tuyển dụng và một bạn đào tạo viên, qua phỏng vấn, tôi đã gặp được những tình huống sau:

  • Có bạn học ngoại ngữ, tiếng Anh giỏi nhưng lại rất lúng túng về word và excel.
  • Bạn học chuyên ngành Quản trị nhân sự thuộc Đại học kinh tế thì tiếng Anh lại không tốt, ngoài ra phần giao tiếp không thật sự linh hoạt.
  • Có bạn tiếng Anh tốt, ngoại hình xinh xắn nhưng xin vị trí Nhân sự thử sức xem có phù hợp không.

Cuối cùng có 2 ứng viên từ trường Bách khoa và Đại học kinh tế, tuy không có nền tảng hoặc kinh nghiệm trước đó về khách sạn nhưng nhà tuyển dụng đánh giá cao 2 bạn ở điểm sau:

1. Tiềm năng

Họ giỏi tiếng Anh ở cả hai mảng viết lẫn thuyết trình. Tuy tự học là chính, nhưng một khi đạt đến trình độ này thì đương nhiên chúng tôi phải nhìn nhận được năng lực và bản lĩnh của họ trong học tập. Điều ấn tượng thứ hai đó là sự nhanh nhạy và logic được thể hiện qua những câu trả lời phỏng vấn tình huống. Kỹ năng vi tính tuy không cao, nhưng khi kiểm tra và chỉ qua một lần là làm được ngay, điều này cũng chứng tỏ được khả năng tiếp thu và học hỏi nhanh nhạy của họ.

2. Định hướng nghề nghiệp

Tuy tốt nghiệp Bách khoa và Ngân hàng nhưng các bạn đã từng trải nghiệm làm việc thời vụ nhiều trong ngành khách sạn nên các bạn quyết tâm chuyển hướng về định hướng nghề nghiệp. Các bạn hiểu được mình sẽ làm gì và hướng phát triển như thế nào. Điều này cực kỳ quan trọng vì nhờ có định hướng tốt các bạn vượt qua mọi trở ngại và khó khăn để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình.

3. Thái độ

  • Nghiêm túc với nghề
  • Luôn lắng nghe tích cực và ghi nhận những đóng góp
  • Tự tin và thân thiện
  • Ham học hỏi

4. Tính cách

  • Năng động nhưng cẩn trọng
  • Tự tin nhưng không phô trương
  • Thân thiện, nhiệt tình, cởi mở, hòa nhã

Và với những lí do trên, tôi đã chọn họ mà không phải một sinh viên ngoại ngữ hay sinh viên trong nghề nào khác. Hi vọng câu chuyện tuyển dụng “người thật việc thật” của tôi vừa rồi sẽ giúp bạn có được cái nhìn thấu đáo hơn với nghề. Chỉ cần có định hướng nghề nghiệp đúng đắn và thể hiện được đam mê trong công việc, những nhà tuyển dụng sẽ nhanh chóng nhìn ra tố chất của bạn.

ĐH Đông Á: Chị có lời khuyên nào cho sinh viên Đại học Đông Á?

Đối với những bạn đã chọn ngành quản trị nhân sự, bạn cần trau dồi kiến thức cơ bản về quản trị nhân sự, về luật lao động, đồng thời cũng nên trang bị cho mình vốn tiếng Anh và kỹ năng vi tính văn phòng thực sự tốt. Ngoài ra, việc tích cực tham gia nhiều hoạt động để trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống… theo tôi cũng vô cùng quan trọng. Những trải nghiệm ngoại khóa này sẽ giúp bạn thêm tự tin hơn khi đi xin việc. Cuối cùng, bạn cũng phải có thái độ tích cực với nghề và không ngừng học hỏi để tăng cường vốn kiến thức của mình.

Xin cám ơn những thông tin và lời khuyên hữu ích từ chị, ĐH Đông Á xin chúc chị mọi điều thuận lợi trong công việc và cuộc sống!

TRANG HỒ