Hỗ trợ nào cho hàng Việt?

(TBKTSG) - “Đã tính tới lộ trình bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp với hội nhập”; “cạnh tranh gay gắt đe dọa sản xuất trong nước là không có cơ sở” là những khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong chương trình “Dân hỏi - bộ trưởng trả lời” trên truyền hình mới đây khi được hỏi về việc mở cửa thị trường sâu rộng từ năm 2015 đang đe dọa sản xuất trong nước như thế nào. Thế nhưng...

Thực tế không diễn ra như lời ông Hoàng khẳng định. Điều đầu tiên là các doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin bởi có muốn chủ động nắm bắt thông tin để lên lộ trình, kế hoạch kinh doanh dài hơi cũng... rất khó. Lý do là các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Liên minh Hải quan với Nga, Belarus và Kazakhstan, Việt Nam - EU đều đàm phán trong... bí mật.

Từ cuối năm 2009, Thủ tướng đã ra văn bản yêu cầu các đoàn đàm phán tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay qua các hiệp hội nhưng việc này ít khi được thực hiện một cách nghiêm túc. Không hoàn toàn đổ lỗi cho các đoàn đàm phán “đóng cửa” với doanh nghiệp nhưng có một thực tế là nhiều hiệp hội, ngành hàng đã phải qua các cách khác nhau mới có được một chút thông tin để phổ biến hoặc chuẩn bị cho các doanh nghiệp trong nhóm ngành hàng mình.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc VCCI), là người luôn cùng các cộng sự nỗ lực hết mình để tham gia góp ý, tham vấn cho các đoàn đàm phán những khuyến nghị chính sách sao cho phù hợp với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Bà đã phải lên tiếng rằng hầu như chưa bao giờ nhận được sự hợp tác của Bộ Công Thương, nhất là trong việc đề nghị cung cấp các tài liệu, lộ trình đang thương thảo. Thậm chí, có hiệp định đàm phán xong rồi nhưng cơ quan này cũng không cung cấp nội dung với lý do... chưa có hướng dẫn.

Với cách thức cung cấp thông tin về mở cửa thị trường nhỏ giọt như hiện nay, các cơ quan quản lý có thể chuẩn bị cho doanh nghiệp lộ trình đối đầu với thách thức, cạnh tranh ra sao?

Việc chủ động truyền thông nhiều hơn nữa về nội dung các hiệp định thực thi trong năm 2015 trở đi như lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói là rất muộn, khiến doanh nghiệp khó có thể trở tay. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài do được tiếp cận thông tin sớm hơn, có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nước sở tại đã chủ động sớm “tiến quân” vào thị trường Việt Nam để làm “bàn đạp” ra các thị trường lân cận, do nội dung các hiệp định song phương có lộ trình nhiều năm hầu như mở cửa hoàn toàn thị trường các quốc gia Đông Nam Á.

Doanh nghiệp Việt cũng không thể xoay xở được qua ngả “nhờ” Bộ Công Thương “giúp” bằng cách dựng hàng rào kỹ thuật có tên gọi ENT (thẩm định nhu cầu kinh tế) trước khi cấp phép cho các nhà phân phối nước ngoài. Người ta đã từng gọi đây là một hàng rào “thủng”, thiếu minh bạch. Bởi lẽ, từ khi lập hàng rào này từ năm 2009 đến nay, sự thâm nhập và phát triển của các nhà phân phối, bán lẻ ngoại tại thị trường trong nước mỗi ngày một mạnh hơn. Trong khi, mục đích dựng ra ENT là để cân nhắc việc doanh nghiệp ngoại, các nhà phân phối ngoại xin cấp phép có cần thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại địa phương, vùng... hay không. Do các quy định không rõ ràng nên doanh nghiệp nội không giám sát được mà doanh nghiệp ngoại cho dù luôn phản ứng với ENT nhưng vẫn biết cách để “vượt rào”, nhận giấy phép.

Do vậy, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op Nguyễn Ngọc Hòa đã từng phản ứng với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại phiên chất vấn Quốc hội tháng 10-2014 rằng: Nếu tính đúng thì số lượng các cơ sở bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam đã lên đến hàng trăm, chứ không phải 70 cơ sở. Đó là chưa kể các cơ sở này nhờ tiềm lực kinh tế, đều nằm ở những vị trí kinh doanh đắc địa, đẩy nhà phân phối nội vào những vị trí xấu hơn. Hàng hóa tại các siêu thị này, dù có một số hàng Việt Nam nhưng chính sách quản lý, bán hàng là do các ông chủ hệ thống siêu thị ngoại quyết định.
Ngoài việc liên tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương trong những năm gần đây, hầu như không thấy Bộ Công Thương công bố các chương trình quy mô về hỗ trợ nhà sản xuất trong nước, hỗ trợ hàng nội, ngoài việc phối hợp với chương trình truyền thống “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Mới đây, thông tin ông chủ tập đoàn Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường miễn phí cho thuê 25.000 mét vuông mặt bằng trong thời gian 50 năm tại Trung tâm Thương mại V+ (Minh Khai, Hà Nội) thu hút sự chú ý đặc biệt. Điều kiện để được thuê trung tâm này là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh 100% hàng do Việt Nam sản xuất, không liên doanh, liên kết với nước ngoài. Tập đoàn Hòa Bình không thu tiền thuê mặt bằng mà đề nghị nộp 1% lợi nhuận/tháng (nếu có) để trả chi phí điện nước, khống chế lợi nhuận doanh nghiệp thuê không quá 15% tổng chi phí. Chưa thể nói được sự hỗ trợ của một cá nhân, một doanh nghiệp cho các nhà sản xuất nội theo cách trên có thể mang lại hiệu quả hay không vì kinh doanh, buôn bán còn phải tuân theo quy luật thị trường. Nhưng nó cho thấy, sự thiếu hỗ trợ chính sách từ các cơ quan quản lý trong việc cung cấp thông tin, định hướng thị trường một cách rõ ràng, dài hơi, khiến cho tất cả những sự hỗ trợ khác, dù chưa biết kết quả đến đâu, đều được chào đón một cách hồ hởi.