IMO phê duyệt khung pháp lý phát thải ròng bằng 0 đầu tiên cho ngành hàng hải toàn cầu, bao gồm giới hạn phát thải và định giá khí nhà kính, sẽ có hiệu lực từ năm 2027.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã đạt thêm một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý bắt buộc nhằm giảm phát thải khí nhà kính (GHG) từ các tàu biển trên toàn cầu, với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào hoặc gần năm 2050.

Khuôn khổ Phát thải ròng bằng 0 của IMO là khung đầu tiên trên thế giới kết hợp giữa giới hạn phát thải bắt buộc và cơ chế định giá khí nhà kính trên toàn bộ một ngành công nghiệp.
Được Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển (MEPC) thông qua trong phiên họp lần thứ 83 (MEPC 83) từ ngày 7 đến 11 tháng 4 năm 2025, các biện pháp mới bao gồm tiêu chuẩn nhiên liệu toàn cầu cho tàu biển và một cơ chế định giá phát thải toàn cầu.
Các biện pháp này dự kiến sẽ được thông qua chính thức vào tháng 10/2025 và có hiệu lực từ năm 2027, áp dụng bắt buộc đối với các tàu biển có trọng tải trên 5.000 GT – chiếm khoảng 85% tổng lượng khí CO2 từ vận tải biển quốc tế.
Kết thúc cuộc họp, Tổng thư ký IMO – ông Arsenio Dominguez – hoan nghênh tinh thần hợp tác và cam kết của các quốc gia thành viên. Ông phát biểu:
“Việc phê duyệt các sửa đổi dự thảo đối với Phụ lục VI của MARPOL, trong đó quy định khuôn khổ phát thải ròng bằng 0 của IMO, là một bước tiến quan trọng nữa trong nỗ lực chung của chúng ta nhằm chống biến đổi khí hậu, hiện đại hóa ngành vận tải biển và thể hiện cam kết mạnh mẽ của IMO.”
“Giờ đây, điều quan trọng là tiếp tục hợp tác, đối thoại và lắng nghe lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc thông qua thành công.”
Theo dự thảo quy định, các tàu sẽ phải tuân thủ:
1. Tiêu chuẩn nhiên liệu toàn cầu: Các tàu phải giảm dần cường độ phát thải khí nhà kính (GFI) hàng năm – tức là lượng khí phát thải trên mỗi đơn vị năng lượng sử dụng. Tính toán theo phương pháp từ nguồn tới bể (well-to-wake).
2. Cơ chế kinh tế toàn cầu: Các tàu phát thải vượt quá mức GFI sẽ phải mua các đơn vị bù đắp để cân bằng lượng phát thải vượt, trong khi các tàu sử dụng công nghệ phát thải thấp hoặc bằng 0 sẽ nhận được phần thưởng tài chính.
Các kết quả khác của MEPC 83
Cuộc họp cũng thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường biển do hoạt động hàng hải gây ra, bao gồm:
• Thông qua Kế hoạch Hành động 2025 chống rác thải nhựa đại dương;
• Tiến triển trong việc rà soát Công ước Quản lý Nước dằn;
• Phê duyệt đề xuất chỉ định Bắc Đại Tây Dương là khu vực kiểm soát phát thải (ECA) và đồng thuận chỉ định hai khu vực đặc biệt nhạy cảm ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương Nam Mỹ;
• Phê duyệt kế hoạch làm việc phát triển khung pháp lý cho Hệ thống thu giữ và lưu trữ carbon trên tàu (OCCS);
• Phê duyệt sửa đổi dự thảo quy định 27 của MARPOL Annex VI về khả năng tiếp cận Hệ thống thu thập dữ liệu IMO;
• Thông qua sửa đổi Hướng dẫn năm 2021 về yếu tố giảm cường độ carbon vận hành (CII – hướng dẫn G3);
• Phê duyệt nhiệm vụ phát triển khung pháp lý ràng buộc về quản lý sinh vật bám tàu nhằm ngăn chặn sự lây lan của sinh vật ngoại lai gây hại.
Nguồn: Bộ nông nghiệp và môi trường