gtag('config', 'UA-146424091-12'); Không nên nói gì khi đi phỏng vấn xin việc

Không nên nói gì khi đi phỏng vấn xin việc

1. “Hãy cho tôi biết công ty đang làm gì”: Bạn đừng bao giờ đi phỏng vấn khi không biết điều gì ngoài vị trí đang tuyển dụng. Bạn có thể tìm kiếm thông tin trên internet hoặc hỏi han người từng làm việc trước đó. Quy tắc đầu tiên của một cuộc phỏng vấn: Hãy tìm hiểu trước

2. “Ừm, công ty trước của tôi…”: Dù công việc trước của bạn có tệ đến đâu cũng đừng nói xấu sếp cũ của bạn khi phỏng vấn. Giữ giọng điệu của bạn trung hòa và tích cực, tập trung vào những gì bạn đã học hỏi được từ công việc trước và những gì bạn hy vọng có thể làm. Điều này đặc biệt cần thiết khi bạn được hỏi tại sao lại chuyển đổi việc.

3. “Tôi không thân được với sếp”: Tương tự, bạn đừng nói xấu người đã từng cùng làm việc với mình. Ngay cả nếu người đó có thật sự kinh khủng, nhà tuyển dụng hiện tại cũng không biết điều đó và họ có thể nghĩ rằng bạn là một người khó làm việc cùng. Bạn phải thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được những kỹ năng sống của bạn, bởi một người nhân viên tốt không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà cần phải có các kỹ năng mềm cơ bản để có thể làm việc và ngoại giao tốt.

4. “Tôi quá lo lắng”: Ngay cả nếu bạn lo lắng hồi hộp chưa từng có, không công ty nào muốn tuyển một người thiếu tự tin. Nên trong trường hợp này, chân thật không phải là tốt. Hãy “giả vờ” tự tin cho đến khi bạn tin thế thật.

5. “Tôi sẽ làm bất cứ việc gì”: Hầu hết nhà tuyển dụng đều muốn tìm người thật sự quan tâm đến vị trí ứng tuyển. Nên nếu bạn nói khoa trương như “Tôi không quan tâm đến việc được sắp xếp vào vị trí nào, tôi sẽ làm bất cứ việc gì!” thì sẽ khiến họ nghi ngại. Hãy tìm hiểu về vị trí bạn muốn ứng tuyển, và giải thích chính xác tại sao bạn muốn làm việc ấy.

6. “Tôi biết mình không có nhiều kinh nghiệm, nhưng…”: Đây là lỗi rất phổ thông, nhất là nếu bạn mới tốt nghiệp hoặc thay đổi ngành nghề. Vấn đề là, khi bạn xin lỗi vì không có kinh nghiệm, bạn cũng đang ngầm nói rằng bạn không phải là ứng viên tốt phù hợp cho công việc, thậm chí là không có khả năng. Thay vì lôi kéo sự chú ý vào điểm yếu, hãy tích cực tập trung vào điểm mạnh của bạn, giới thiệu những kỹ năng và sự hào hứng của bạn với công việc.

7. “Điều này đã ghi trong lý lịch của tôi”: Nhà tuyển dụng biết lý lịch của bạn, nhưng nếu họ hỏi bạn về một công việc đặc biệt hay kinh nghiệm làm việc, họ muốn nghe bạn nói nhiều hơn những gì đã viết. Và họ cũng đang đánh giá khả năng giao tiếp xã hội của bạn. Nếu được hỏi về kỹ năng nào đó, đừng nhắc lại về bản lý lịch mà hãy dùng cơ hội này để tỏa sáng.

8. “Vâng! Tôi có một câu trả lời tuyệt vời cho điều này!”: Bạn đã tập luyện trả lời phỏng vấn trước? Rất tốt, nhưng đừng học thuộc từng từ. Khi bạn căng thẳng chuẩn bị trả lời những câu hỏi bạn biết rằng sẽ ra, bạn sẽ rất khó khăn trò chuyện chân thành với người tuyển dụng. Và người phỏng vấn cũng không muốn tuyển những người tỏ vẻ không chân thành. Hãy chuẩn bị trước, nhưng đừng nhớ máy móc những điều đã tập.

9. “Điểm yếu lớn nhất của tôi là cầu toàn”: Nói với người tuyển dụng điều này giống như một sự sáo rỗng quá mức. Nó chẳng cho thấy điều gì về cách làm việc hay tính cách của bạn, đặc biệt nếu những ứng viên khác cũng trả lời y như vậy. Hãy nghĩ đến những cách trả lời khôn ngoan hơn.

10. “Tôi là nhân viên bán hàng hàng đầu trong công ty – và tôi có 2 bằng tiếng Anh”: Hãy cố gắng giữ mức ấn tượng của chuỗi thành tích bạn liệt kê tương đương nhau, không phải từ nơi này chuyển sang nơi khác. Tâm trí người nghe có xu hướng trung bình hóa sự ấn tượng của danh sách các thành tích. Bạn nên để các thành quả không liên quan vào cơ hội giới thiệu thích hợp hơn.

11. “Tôi rất sáng tạo”: Những từ ngữ khoa trương sáo rỗng này không khiến bạn tiến xa. Đừng dùng những từ đã quá quen thuộc, hãy mô tả kỹ năng và khả năng của bạn bằng các câu chuyện về những gì bạn đã làm.

12. “Tôi sẽ tăng sự nổi tiếng của chúng ta lên, ừm… 25%…”: Những từ ngữ “à, ừm, có lẽ…” khiến bạn có vẻ thiếu tự tin, thậm chí là thiếu khả năng giao tiếp. Hãy nói chậm và nghĩ kỹ trước khi nói.

13. “Trong cuộc du lịch sinh thái của tôi…”:Những câu chuyện rất có ích cho phỏng vấn, chúng dễ nhớ hơn sự kiện, giúp bạn xây dựng mối quan hệ, và có thể giúp bạn chia sẻ kinh nghiệm với người phỏng vấn. Nhưng bạn cần kể những câu chuyện phù hợp với công việc và nhu cầu của công ty, yêu cầu của nhà tuyển dụng. Những câu chuyện linh tinh chỉ khiến bạn bị nhìn một cách “lạ lùng”.

14. “Tôi đã xây dựng một mạng lưới hiệp đồng của các liên minh chiến lược …”:Nếu câu trả lời của bạn nghe như một bài phát biểu của lãnh tụ, bạn cũng chẳng gây được ấn tượng nào. Những từ ngữ trừu tượng chỉ kích hoạt phần xử lý ngôn ngữ trong não. Những cách nói dễ hiểu hơn như “đã từng phát biểu trước 150 người” kích hoạt hầu hết não bộ, và vì thế đáng nhớ hơn. Hãy dùng cả 5 giác quan để mô tả lại các hành động, bạn sẽ được ghi nhớ nhiều hơn.

15. “Tôi ghép các báo cáo STP với nhau…”: Trừ phi chúng là thuật ngữ chuyên dùng trong công việc, đừng dùng từ ngữ vắn tắt hay thuật ngữ riêng khi mô tả công việc của bạn. Bạn sẽ nói chuyện hấp dẫn hơn khi mọi người đều nghe hiểu được.