Đưa một mô hình kinh doanh đã thành công ở nước ngoài về Việt Nam, ra định hướng và địa phương hóa dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) trong nước, Haravan đang từng bước tạo được vị thế trên thị trường dù mới thành lập được một năm.
Giải quyết nhu cầu doanh nghiệp
Ông Nguyễn Phương Nam, nhà sáng lập thương hiệu aothun.vn, đơn vị chuyên kinh doanh trực tuyến, cho biết, đặc điểm của ngành hàng áo thun là có rất nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Trước đây, đối với mỗi dự án mới Công ty thường mất ít nhất 2 tháng để chuẩn bị, bao gồm website, hệ thống, nhân sự..., rồi mất thêm cũng ngần ấy thời gian để biết dự án đó có thành công hay không. Khi sử dụng Haravan, thời gian chuẩn bị được rút ngắn xuống còn một tuần. "Bên cạnh yếu tố thời gian, aothun.vn còn tiết kiệm được chi phí đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin", ông Nam nói.
Đồng quan điểm với ông Nam, bà Lê Thu Hiền, Giám đốc Kinh doanh của nhãn hiệu thời trang nội y iBasic Việt Nam, cho biết, để xây dựng một website phù hợp với mô hình kinh doanh của DN thì quan trọng hơn cả yếu tố kỹ thuật là yếu tố con người và quản lý. Đây cũng là yếu tố làm nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. "Haravan giúp DN chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh", bà Hiền nói.
Không chỉ có aothun.vn, iBasic Việt Nam, trước đó, 5giay.vn, diễn đàn rao vặt khá có tiếng ở Việt Nam, cũng chọn Haravan làm đối tác độc quyền cung cấp các giải pháp thương mại điện tử (TMĐT) cho các thành viên kinh doanh trên diễn đàn.
Tương tự, hồi đầu tháng 3 năm nay, Haravan đã hợp tác với diễn đàn webtretho.com, website có lượng truy cập đứng thứ 6 ở Việt Nam (theo website đánh giá Alexa), để cung cấp độc quyền giải pháp TMĐT cho các thành viên kinh doanh trên diễn đàn này.
Thành lập từ tháng 3/2014, sau 6 tháng xây dựng hạ tầng, Haravan bắt đầu cung cấp giải pháp từ tháng 9/2014 với mức giá dịch vụ dao động từ 99.000 đồng/tháng - 299.000 đồng/tháng tùy theo nhu cầu.
Tính đến nay có khoảng 10 ngàn khách hàng dùng thử và khoảng hơn 10% khách hàng đang sử dụng dịch vụ có thu phí. Được biết, Haravan cũng là dự án được ông Đinh Anh Huân, một trong năm nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động, đầu tư ngay từ giai đoạn hình thành ý tưởng.
Điểm khác biệt
Trên thực tế, nếu phân tích rõ hơn thì giải pháp của Haravan không có gì gọi là đột phá. Về mô hình kinh doanh, Haravan đi theo DN đã thành công và rất phổ biến trên thế giới là Shopify của Mỹ.
Thậm chí giải pháp cung cấp dịch vụ theo hình thức điện toán đám mây để có mức giá cạnh tranh, hay nói một cách đơn giản là "xài bao nhiêu trả phí bấy nhiêu" cũng không phải là mới ở Việt Nam khi đã có các DN đối thủ như WebBNC (Công ty Vật giá làm chủ đầu tư) hay Bizweb (Quỹ Cyber Agent làm chủ đầu tư). Vậy Haravan hấp dẫn ở điểm nào?
Ông Huỳnh Lâm Hồ, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Haravan, cho biết, có hai điểm khiến Haravan khác biệt. Đầu tiên, Haravan được xây dựng dựa trên nền tảng hoàn toàn mở.
Chiến lược này giúp khách hàng có thể đưa website cho bên thứ ba phát triển và chạy trên nền tảng Haravan.com, Công ty sẽ thu phí duy trì và chịu trách nhiệm bảo hành, bảo trì hằng tháng.
Thứ hai, việc phát triển theo công nghệ mở giúp khách hàng tích hợp thêm các chức năng cần thiết lên website trong quá trình kinh doanh nhanh hơn. Và để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí đầu tư, Haravan kết nối với các đối tác có kinh nghiệm, uy tín trong ngành để phục vụ khách hàng của mình.
Khi khách hàng sử dụng dịch vụ của các đối tác, một phần lợi nhuận sẽ được chia lại cho Haravan. Ông Hồ cho biết, hiện Haravan đã kết nối với Smartlink để cung cấp dịch vụ thanh toán tích hợp vào trang web, kết nối với Công ty Giao Hàng Nhanh để cung cấp dịch vụ giao hàng và theo dõi đơn hàng.
Mới đây, Haravan đã ký kết hợp tác với Fibo, đơn vị chuyên cung cấp công nghệ tiếp thị qua email và tin nhắn, có thâm niên hơn 7 năm ở thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, việc đầu tư vào công nghệ mở ngay từ đầu là có nguyên nhân. Từng làm Giám đốc Kỹ thuật của Sen đỏ, sàn giao dịch TMĐT theo mô hình C2C của FPT, ông Hồ hiểu rất rõ gánh nặng chi phí về hạ tầng, công nghệ và đội ngũ vận hành của DN khi kinh doanh trực tuyến. Quan trọng hơn, khi cần mở rộng thêm một chức năng nào đó để phục vụ kinh doanh thì rất mất thời gian.
Theo nhận xét của một chuyên gia, dịch vụ Haravan phù hợp với đa số DN hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT, tuy nhiên, đơn vị này cần có chiến lược tiếp thị tác động lan tỏa đến số đông.
Bên cạnh đó, mô hình Haravan hiện vẫn chỉ đáp ứng một số yêu cầu nhất định, khi DN cần những tác vụ sâu hơn như quản lý xuất nhập kho chẳng hạn thì hệ thống của Haravan vẫn chưa thể đáp ứng.
Ngoài ra, mô hình Saas (hay còn gọi là mô hình cung cấp phần mềm như dịch vụ) mà Haravan đang đi theo rất nặng chi phí về con người vì phải đảm bảo phần kỹ thuật cho một lượng lớn khách hàng trong thời gian đầu. Tuy nhiên, vị này cho rằng, khi đạt đến lượng khách hàng đủ đông, mô hình này có thể đem về đến 40% lợi nhuận trên tổng doanh thu.
Ông Hồ cho biết, trong thời gian sắp tới, Công ty sẽ tập trung vào khách hàng là những người kinh doanh trên mạng xã hội, các DN nhỏ và vừa. Đây là chiến lược mà Giao hàng nhanh, DN cũng do ông Huân đầu tư, đã thực hiện và khá thành công.
Về những tính năng còn thiếu của Haravan, theo ông Hồ, rất khó có giải pháp công nghệ có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu DN theo thời gian. "Với lợi thế là nền tảng mở, những gì còn thiếu chúng tôi sẽ tìm đối tác để kết nối", ông Hồ hứa hẹn.
CÔNG SANG