Kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình ngày nay đã không còn đơn giản như cách đây hơn 10 năm, khi truyền hình mới được xã hội hóa bắt đầu từ hình thức nhận tài trợ hay bán quảng cáo trên sóng.
Nam ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp, và tính theo cách nào cũng là những lát cắt ra tiền trong những cuộc hợp tác.
Việt Nam hiện khoảng 86 triệu dân và có đến 67 đài truyền hình từ trung ương đến địa phương với gần 100 kênh truyền hình đang phát sóng qua các loại hình công nghệ khác nhau. Nhưng thực tế không có quá 10 đài tham gia vào cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường truyền hình. Phần lớn các đài còn lại, chủ yếu là truyền hình địa phương (ngoại trừ một số đài địa phương lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương...) “gánh” thêm cả nhiệm vụ sản xuất các chương trình phát thanh nên sống nhờ ngân sách và có thêm nguồn thu qua hình thức kinh doanh truyền hình đơn giản là bán quảng cáo.
Ở những đài lớn, bán quảng cáo nay chỉ còn là một phần trong số các công cụ mà nhà đài có thể khai thác để tăng doanh thu. Do ngân sách hầu như chỉ rót tiền đầu tư hạ tầng nên muốn có nguồn thu và lợi nhuận để nuôi bộ máy, sản xuất các chương trình đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả, các đài đều chọn phương án liên doanh, liên kết sản xuất các chương trình truyền hình để lợi cả đôi đường. Người ta quen gọi đây là các hình thức “xã hội hóa”.
Kinh doanh trên thị trường truyền hình hơn 10 năm trước bắt đầu bằng hình thức mà dân trong nghề gọi là “bán ngang” (liên kết sản xuất hay “mua” sóng theo giờ, theo chương trình). Sau này có thêm loại “bán dọc” (đài chuyển giao toàn bộ quyền sản xuất chương trình, quyền kinh doanh trên kênh phát sóng cho đối tác và nhận lại một khoản tiền lớn tính theo năm hoặc nhiều năm).
Theo quy định về liên kết sản xuất các chương trình phát thanh-truyền hình do Bộ Thông tin Truyền thông mới ban hành cách đây hơn một năm, dù dưới hình thức liên kết nào thì các đài cũng là nơi chịu trách nhiệm về nội dung của các chương trình phát sóng.
Cả hai hình thức kinh doanh phổ biến nhất nói trên trong lĩnh vực truyền hình đều phát triển mạnh trong những năm qua. “Bán ngang” thì giúp đài chọn ra được các nhà sản xuất tốt. Rất nhiều công ty truyền thông lớn tham gia sân chơi này như BHD, Lasta, Cát Tiên Sa, FPT Media, Đông Tây Promotion... Họ sản xuất các bộ phim truyền hình ăn khách như “Cô gái xấu xí”, “Lập trình trái tim” hay các chương trình trò chơi trên truyền hình như “Bước nhảy hoàn vũ”, “Hát với ngôi sao”.../p>
Từ khi có cơ chế “bán ngang”, các đài có thể đặt hàng và lựa chọn các nhà sản xuất chương trình ngày một nhiều. Ví dụ, những năm trước mỗi tuần chỉ có một (hoặc một tập) phim truyền hình phát sóng trên chương trình “Văn nghệ chủ nhật” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Nhưng khi được “bán ngang”, ngày nào trên sóng truyền hình (VTV1, VTV3 hoặc nhiều đài địa phương lớn) cũng có từ một đến hai tập phim truyền hình phát sóng.
Ở đây chưa bàn đến chất lượng phim mà chỉ có thể nói rằng, qua cách này đôi bên cùng có lợi. Đài có chương trình phát sóng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Đối tác bán được phim với giá cao hơn chi phí sản xuất nhưng được trả bằng một số lượng các spot (thời lượng) quảng cáo (mỗi spot thường tính là 30 giây). Họ bán các spot cho doanh nghiệp để biến thành tiền.
Giả dụ như sau: VTV đồng ý mua của BHD một tập phim “Cô gái xấu xí” với giá 300 triệu đồng, trả bằng 30 spot quảng cáo trong thời gian từ 21 giờ đến 22 giờ hàng ngày trên sóng VTV3. Chi phí sản xuất 1 tập phim này BHD phải bỏ ra 100 triệu đồng. Nếu BHD bán hết được 30 spot quảng cáo đó mỗi ngày, họ lời được 200 triệu. Nếu phim ăn khách, quảng cáo nhiều thì quy định liên kết ở đây cho phép VTV thu tiền từ spot quảng cáo thứ 31 trở đi và BHD không được thu nữa. Nhưng đối tác vẫn cố gắng sản xuất các tập phim có chất lượng để bộ phim được “sống” trên sóng dài hơn, lợi nhuận của họ cũng tăng theo. Và ngược lại, nếu phim kém, không bán được quảng cáo thì họ sẽ lỗ và phải dừng sản xuất.
“Bán dọc” chỉ dành cho các nhà đầu tư có thực lực mạnh. Nó đang trở thành xu hướng mở rộng trong vài năm gần đây của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lớn đang “ăn nên làm ra” trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp hay khai khoáng. “Bán dọc” hay nói khác đi là đài truyền hình cho phép đối tác đầu tư sở hữu riêng một kênh truyền hình trên hạ tầng sẵn có của đài. Hình thức này xuất hiện rất nhiều trên các chương trình truyền hình cáp của VTV, HTV, SCTV (liên doanh giữa VTV và SaigonTourist) với các kênh O2 TV, InfoTV, TV Shopping...; Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) với các kênh Today TV, VBC, VITTV...
Hình thức “bán dọc” trong giới kinh doanh truyền hình gọi là cách thức chọn ra nhà kinh doanh kênh sóng tốt nhất. Song, nó đòi hỏi tiềm lực tài chính rất mạnh của chủ đầu tư vì dù có sản xuất ít thời lượng (một đến vài giờ/ngày) trên kênh sóng, các chủ đầu tư cũng phải “rót” vào đây cỡ 30-40 tỉ/năm từ máy móc, trang thiết bị đến chi phí bộ máy và các chi phí sản xuất chương trình khác. Trong đó có vài tỉ đến vài chục tỉ mỗi năm là tiền nhà đầu tư phải trả cho đài để có quyền phát sóng. Chưa kể đến thời gian chuẩn bị bộ máy từ một đến vài năm mới có thể “ra” kênh.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh các kênh truyền hình, hầu hết các nhà đầu tư hiện nay chưa có lãi và nhiều kênh lỗ nặng vì “cuộc chơi” truyền hình rất tốn kém. Theo nguyên tắc liên kết đầu tư sản xuất thường được áp dụng, ví dụ nhà đầu tư cam kết trả cho các đài lớn cỡ 10 tỉ đồng/năm để toàn quyền sản xuất và kinh doanh trên kênh sóng thì họ cũng được bán quảng cáo đến 10 tỉ đồng. Nếu vượt mức này thì doanh thu chia đôi giữa đài và đối tác. Song trên thực tế, không có mấy nhà đầu tư có thể “chạm” đến ngưỡng doanh thu quảng cáo này.
Trong các cuộc liên kết sản xuất - kinh doanh, nơi được lãi đầu tiên là các đài truyền hình. Họ được lợi khi vừa có các chương trình phát sóng đáp ứng nhu cầu khán giả, từ các chương trình miễn phí hay trên truyền hình trả tiền trong khi nguồn nhân lực có hạn, lại vừa có doanh thu thực tế.
Ví dụ như, doanh thu của một đài truyền hình lớn cỡ VTV hay HTV (Đài Truyền hình Tp.HCM) những năm gần đây xấp xỉ 2.000 tỉ đồng/năm thì hơn một phần ba trong số đó là từ việc liên kết, đổi quảng cáo lấy chương trình trên sóng mà dân truyền hình gọi là “tiền khô”.
Những phần còn lại thu từ quảng cáo, từ cam kết đầu tư vào kênh, bán đầu thu phát sóng hay phát triển thuê bao... là “tiền tươi” (tiền thực thu). Như vậy, hình thức kinh doanh nào, đài truyền hình cũng “khỏe” và càng nhiều liên kết, đầu tư thì các đài càng “sống” tốt. Người tiêu dùng cũng có lợi vì có nhiều lựa chọn hơn. Song, về phía các nhà đầu tư (chủ yếu vào các kênh truyền hình cáp hay kỹ thuật số) hầu hết đang lỗ. Lý do như đã nói ở trên là do chi phí đầu tư vào sản xuất và bộ máy hàng năm rất lớn, lên đến vài chục tỉ đồng, thời gian đầu tư đòi hỏi phải kéo dài. Nhưng do phát triển “nóng” và mức độ cạnh tranh quá lớn trong khi chất lượng các chương trình sản xuất còn hạn chế, nên các nguồn thu (chủ yếu là quảng cáo) hiện tại hầu hết đều đổ vào các kênh quảng bá trên sóng VTV hay HTV.
Không thể nói rằng các nhà đầu tư lớn như Techcombank (trước đây đầu tư vào kênh O2 TV sau đó chuyển nhượng cho Ngân hàng Bắc Á), Ocean Bank (đầu tư vào InfoTV và Shopping TV), tập đoàn Tân Tạo (đầu tư vào VBC), VTV và Canal Plus (đầu tư vào K+)... không có kinh nghiệm hay thiếu chiến lược kinh doanh tốt nên làm ăn chưa có lãi.
Chẳng hạn như hồi tháng 8/2007, khi Techcombank muốn mở một kênh truyền hình chuyên biệt về sức khỏe, đội ngũ chuẩn bị đã nhắm đến một thị trường dược - vốn mỗi năm “hút” đến 120.000 tỉ đồng của doanh nghiệp và dân cư (với tốc độ tăng trưởng 20%/năm). Chỉ cần vài phần trăm trong “miếng bánh” khổng lồ này là có thể tồn tại và có lãi.
Nhưng chỉ hơn một năm sau khi phát sóng, Techcombank đã rút lui, chuyển nhượng lại O2 TV cho Ngân hàng Bắc Á. Đây có thể coi là vụ chuyển nhượng đầu tiên trên thị trường kinh doanh truyền hình và kênh O2 TV là một trong số ít các kênh có dòng tiền quay về, thay vì chủ đầu tư vẫn phải “nuôi” toàn bộ như nhiều kênh khác. “Đầu tư vào truyền hình là xu hướng mở rộng kinh doanh của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới và ở Việt Nam. Nhưng ngành nghề đặc thù này đòi hỏi thời gian đầu tư kéo dài, lợi nhuận không cao nếu đem so với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nên chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều khi tiếp tục hay rút lui”, một chủ đầu tư nói với TBKTSG.
Cũng có thể thị trường kinh doanh các sản phẩm truyền hình ở Việt Nam đang ở giai đoạn manh nha, mỗi người một cách, nhân lực lại ít và nhiều nơi vừa làm vừa học nên dù có phát triển về số lượng thì các cuộc cạnh tranh về chất lượng và hình thức kinh doanh còn kéo dài, thậm chí còn gây nhiều tranh cãi.
Nhưng chắc chắn rằng, lĩnh vực truyền hình vẫn còn “đất” phát triển trong tương lai và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến.
Công nghệ kinh doanh truyền hình hiện nay và tương lai ở Việt