Hãy thử tưởng tượng cảnh bạn đi đàm phán ký kết một hợp đồng lớn với khách hàng, chưa ngã ngũ thì bạn đã khiến khách hàng đùng đùng nổi giận bỏ về; hay bạn phải thuyết trình giới thiệu ý tưởng một dự án tầm cỡ, vậy mà đứng giữa phòng họp, bạn cứ ấp a ấp úng chẳng thể nói năng mạch lạc, dẫn đến xôi hỏng bỏng không.
Vì sao lại thế? Vì bạn không nắm được một yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh: Kỹ năng “mềm”!
Kỹ năng “mềm” bao gồm nhiều loại kỹ năng kết hợp với nhau: cách giao tiếp, cách đàm phán, sự tác động, tính thuyết phục, giới thiệu, diễn thuyết, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, thiết lập quan hệ, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới… Kỹ năng “mềm” được tạo ra để giúp chúng ta “chinh phục” người khác theo cách tích cực nhằm đạt được kết quả tốt nhất, bất kể trong kinh doanh hay cuộc sống.
Một phần rất quan trọng trong kinh doanh
Kinh doanh là gì? Là tất cả những yếu tố về truyền thông, các mối quan hệ, sự quảng bá công ty, bản thân và các ý tưởng theo hướng tích cực & tạo ấn tượng mạnh.
Trong kinh doanh, suy nghĩ và hành động hợp lý thôi chưa đủ. Chúng ta kinh doanh nghĩa là chúng ta tiếp xúc lâu dài với rất nhiều người, chịu nhiều tác động tương quan qua lại giữa con người với nhau. Vì vậy, kỹ năng “mềm” - với xuất phát nhắm vào quan hệ giữa con người và con người - trở thành một phần rất quan trọng trong kinh doanh, bởi nó giúp ta hiểu rõ hơn về tâm lý của bản thân và người đối diện, cải tạo được những thói quen không tốt trong giao tiếp, giúp ta tác động vào các mối quan hệ theo hướng tích cực, giúp ta vượt qua những trở ngại, vướng mắc chỉ bằng lời nói của mình. Ví dụ, thay vì quen thói cãi nhau gay gắt với đồng nghiệp về một vấn đề, ta có thể biến cuộc tranh cãi thành tranh luận tích cực để tìm cách giải quyết thỏa đáng sự việc.
Nói không quá, chỉ là những kỹ năng mà thường chúng ta không mấy để ý, nhưng kỹ năng “mềm” lại góp phần quan trọng trong sự thành công hoặc thất bại của bạn. Nó có thể quyết định việc bạn ký được hay làm mất đi hợp đồng, việc bạn tạo ra một đội ngũ làm việc dính kết, hiệu quả hoặc đầy lục đục, việc bạn được đề bạt hay mất đi cơ hội thăng tiến… Nắm vững và phát huy hiệu quả kỹ năng “mềm” sẽ giúp bạn chiếm lợi thế trong cạnh tranh, tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp và đem lại lợi ích thiết thực cho sự nghiệp của bạn.
Cần thiết cho mọi người, mọi ngành nghề
Kỹ năng “mềm” rất thích hợp với các nhà quản lý, giám đốc, các vị trí cấp cao, tuy nhiên, nó cũng hữu ích cho những người phải tiếp xúc nhiều trong công việc, với đối tác, khách hàng, và cả đồng nghiệp.
Nếu kỹ năng “mềm” rất được coi trọng trong một số ngành nghề - như các nhân viên bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhà báo hay chính trị gia …, thì với các ngành như IT, kế toán, người ta lại quên mất hoặc không để ý mấy đến kỹ năng “mềm”. Thực tế, trong mọi ngành nghề công việc của lĩnh vực kinh doanh, chúng ta đều cần dùng đến kỹ năng “mềm” để quản lý nhân viên, giao tiếp với đồng nghiệp, chủ trì cuộc họp hoặc trình bày - diễn giải những ý tưởng, vấn đề phức tạp với khách hàng...
Có những người được trời phú cho một kỹ năng “mềm” tuyệt vời, trong khi số khác phải trau dồi vất vả để nắm bắt và vận dụng được kỹ năng “mềm”. Trong chúng ta, có người luôn sợ nói trước đám đông, ngại làm việc với người lạ, lại có kẻ luôn khoa trương – “nổ” quá mức, gây khó chịu. Cũng có người không thể quyết đoán trong đàm phán, một số khác lại hung hăng quá mức. Học được kỹ năng “mềm” sẽ giúp chúng ta tự chủ, khéo léo, xử lý mọi tình huống một cách hợp lý.
Quyết định 80% sự thành đạt
Thực tế cho thấy trong đa số trường hợp, kỹ năng “mềm” quyết định đến 80% sự thành đạt của một người. Bạn chỉ có thể thành công vượt bậc một khi bạn nắm được chìa khóa kết hợp giữa kỹ năng “mềm” và kỹ năng “cứng” (trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm…). Trong đó, kỹ năng “mềm” quyết định phần lớn, bởi không phải ai cũng chinh phục và vận dụng nhuần nhuyễn kỹ năng “mềm” vào kinh doanh, trong khi rất nhiều người có kỹ năng “cứng” chẳng chênh lệch là mấy.
Phương pháp duy nhất để trau dồi kỹ năng "mềm" là học hỏi từ cuộc sống, cách cư xử, hành động của mọi người xung quanh và học từ các khóa chuyên môn. Học phải nên được đi đôi với hành, bạn hãy tiếp xúc nhiều hơn với mọi người, áp dụng cụ thể những gì học được để thấm nhuần cách giao tiếp, cư xử, lòng tự tin, tính quyết đoán…, tạo cho mình một phản xạ tức thời mỗi khi gặp các tình huống cần thiết. Một kỹ năng "mềm" hoàn hảo sẽ giúp bạn gia tăng giá trị bản thân và đem lại nhiều cơ hội thăng tiến.
Nguồn: Vietnamwork