Năng lực lãnh đạo nào cho thời đại mới, thời đại bùng nổ hội nhập và toàn cầu hóa? Làm thế nào để lãnh đạo thành công trong thời đại “cách mạng công nghiệp 4.0”?
Để trả lời những câu hỏi căn cốt nói trên, trước hết cần nhận thức một điều quan trọng, đó là, đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các tư duy lãnh đạo hiện hành đã không còn phù hợp để đương đầu với tốc độ, sự biến động của thị trường đầy phức tạp và mơ hồ này, chúng ta cần một “kiểu” lãnh đạo mới, một năng lực lãnh đạo hoàn toàn mới. Hay nói đúng hơn, đã đến lúc phải “định nghĩa lại lãnh đạo”.
Lãnh đạo thời đại mới
Những năm gần đây, cụm từ “Cách mạng công nghiệp thứ 4” (viết tắt “CMCN 4.0”) đã bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, thế nào là CMCN 4.0? Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần xác định chiến lược phát triển ra sao để luôn dẫn dắt tổ chức và giữ vững vị thế của mình?
Theo quan điểm của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người khai sinh ra khái niệm CMCN 4.0, cho rằng “đó là sự thay đổi cơ bản trong cách thức chúng ta tạo ra, tiêu thụ và liên đới lẫn nhau, được dẫn dắt bởi sự hội tụ của thế giới vật chất, thế giới số và con người chúng ta”. Có ba yếu tố chịu ảnh hưởng rõ rệt của Cuộc CMCN 4.0, đó là: tốc độ, phạm vi và hệ thống. Nó đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia theo cả chiều rộng và chiều sâu, đòi hỏi sự đón đầu và dẫn dắt thay đổi của toàn hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Một nghiên cứu từ Oxford Leadership cho thấy, các nhà lãnh đạo thành công trong Cuộc CMCN 4.0 này là những người chấp nhận một bộ tư duy mới, theo đó, lãnh đạo phải xem tổ chức như một “hệ sinh thái” chứ không phải là một “cỗ máy cơ khí”, và xem từng cá nhân trong doanh nghiệp dưới lăng kính của một-con-người-tổng-thể (the whole-person daradigm), chứ không phải chỉ là “công cụ lao động”.
Hơn 5 năm qua, Oxford Leadership đã tìm ra những yếu tố lãnh đạo then chốt để giúp cho khả năng thích ứng và tốc độ phát triển tổ chức. Nghiên cứu đã chỉ ra 3 sự chuyển đổi (Paradism Shift) quan trọng nhất để các nhà lãnh đạo có thể “định nghĩa lại chính mình” nhằm dẫn đầu trong cuộc CMCN 4.0, bao gồm:
Làm rõ mục đích: Xác định một mục đích chung rõ ràng, hoạt động như một ‘la bàn’ của tổ chức để đảm bảo mọi người đi cùng một hướng, thúc đẩy nhân viên mong muốn cống hiến năng lực tốt nhất của mình.
Xem tổ chức như một “Hệ sinh thái”: Thay vì nhìn vào tổ chức của bạn thông qua lăng kính của khoa học cơ học, hãy xem tổ chức mình như một hệ sinh thái liên tục phát triển với cách tiếp cận “team of teams”: liên kết hơn, làm giàu các mối quan hệ và phản hồi với nhau liên tục. Từ đó, lãnh đạo có thể khơi dậy niềm tin cho nhân viên để họ đóng góp nhiều hơn cho tổ chức.
Trao quyền cho đội ngũ của mình: Chia sẻ các nhiệm vụ và kết nối các đội nhóm, gắn kết hệ thống này bằng công nghệ và các mục đích chung. Từ đó, thúc đẩy, phát huy tài năng và xây dựng một đội ngũ hiệu quả.
Một nhà lãnh đạo với 3 chuyển đổi trên, sẽ xác lập cho mình 4 chức năng mới để “định nghĩa lại lãnh đạo” theo mô hình của chương trình đào tạo “Lãnh đạo tầm vóc” nổi tiếng thế giới của FranklinCovey (một tổ chức toàn cầu chuyên sâu về phát triển lãnh đạo), nhằm nâng tầm lãnh đạo cho bản thân để dẫn dắt tổ chức trở nên tầm vóc:
Khơi dậy Niềm tin: Xây dựng uy tín cá nhân, nhờ đó nhân viên có thể tin tưởng lãnh đạo và đóng góp với những nỗ lực cao nhất của mình.
Làm rõ Mục đích: Xác định mục đích rõ ràng và hấp dẫn khiến nhân viên muốn cống hiến năng lực tốt nhất của mình.
Gắn kết Hệ thống: Thiết lập một “hệ thống thành công” để hỗ trợ việc thực hiện mục đích và các mục tiêu của tổ chức, thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả nhất, vận hành một cách độc lập và bền bỉ trong thời gian dài.
Phát huy Tài năng: Xây dựng một đội ngũ hiệu quả, trong đó, khuyến khích sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm, giúp những khả năng độc đáo của mỗi thành viên được phát huy nhằm đạt được những mục tiêu công việc rõ ràng.
Nếu việc định nghĩa lại lãnh đạo để xác định một tầm vóc mới mà mỗi nhà lãnh đạo cần vươn đến trong thời đại mới này đã là khó khăn, thì việc “sống với” và “giữ được” tầm vóc ấy lại càng gian nan gấp bội. Nhưng đó là hành trình đầy ý nghĩa phải thực hiện, và sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có sự song hành của phương pháp và công cụ nhằm cổ cũ và tiếp sức cho mỗi nhà lãnh đạo trên hành trình ấy.
Thế nên, trong thời đại CMCN 4.0, khi vai trò “đòn bẩy” của nhà lãnh đạo trở nên rõ ràng và quan trọng hơn bao giờ hết, để kiến tạo nên sự vượt trội, nhà lãnh đạo phải được trang bị lối tư duy, những công cụ và phương pháp mới để sẵn sàng tiên phong mở đường cho tổ chức đi tới những thắng lợi lớn lao trong thời đại mới.
Theo Trí thức trẻ