58% người được khảo sát cho rằng cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm mới, và 42% còn lại cho rằng robot sẽ lấy đi việc làm của con người.
Bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 đang diễn ra tại Việt Nam, ban tổ chức diễn đàn mở về “Công nghiệp 4.0, cơ hội có dành cho tất cả” đã làm một cuộc khảo sát trên Twitter về việc cách mạng công nghệ có lấy đi việc làm của con người hay không? Kết quả cho thấy 58% người được khảo sát cho rằng cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm mới, và 42% còn lại cho rằng robot sẽ lấy đi việc làm của con người.
Diễn đàn về Cuộc cách mạng 4.0 diễn ra sáng nay tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, với sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - Chu Ngọc Anh, và Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới đã khẳng định rằng, cuộc cách mạng kỷ nguyên số sẽ mở ra một cơ hội mới cho những ai biết tận dụng nó, để công nghệ phục vụ con người và con người sẽ không làm nô lệ cho robot.
Nhưng con số 42%, gần quá bán vẫn lo ngại việc con người sẽ bị đào thải trước hiệu suất của máy móc, nhất là những nước hiện còn đang phụ thuộc rất nhiều vào việc gia công như ở Việt Nam. Hơn 1.000 sinh viên có mặt tại hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia sáng nay, họ là những người trẻ đang ngồi ghế nhà trường và sẽ bắt đầu bước vào đời trong 1,2 năm tới, đặt ra câu hỏi cho các diễn giả rằng khi internet và công nghệ bùng nổ, liệu phần đông trong số họ có bị thất nghiệp?
Trả lời câu hỏi này, ông Syed Saddiq bin Syed Abdul Rahman, Bộ trưởng Bộ Thanh thiếu niên và Thể thao trẻ nhất của Malaysia (sinh năm 1992) cho rằng đã có những lo ngại trong hai kỷ nguyên tới có khoảng 50% công việc bị mất đi. Trước đây khi các cuộc cách mạng lần thứ nhất và lần thứ 2 diễn ra, nhiều người cũng lo ngại như vậy nhưng thực tế rất nhiều công ăn việc làm cũng như ngày càng có nhiều của cải được tạo ra trong xã hội.
Theo ông Syed Saddiq, ở Malaysia, cộng đồng trẻ rất quan tâm đến gaming và điều này tạo điều kiện cho các phần mềm IT phát triển. Chính phủ Malaysia tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, như tập trung vào việc tạo ra những hành lang số, một thung lũng Silicon tại Malaysia.
"Chúng tôi cũng khuyến khích thanh niên chuẩn bị sẵn sàng cho cách mạng 4.0. 17-18 năm tới đây tôi nghĩ rằng tương lai khá sán lạn. Thế hệ trẻ phải sẵn sàng trang bị cho mình những kỹ năng, sẵn sàng học tập, lấy động lực học tập làm công việc cả đời. Chúng ta phải sẵn sàng công nhận tiềm năng của thanh niên. Chúng ta phải phản bác lại những suy nghĩ trước đây "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già". Nhưng kinh nghiệm cho thấy những người trẻ hiện nay có năng lực rất cao. Như vậy, các Chính phủ, các công ty cần phải ghi nhận, công nhận vai trò của người trẻ, họ không chỉ là những người lãnh đạo trong tương lai mà còn là tương lai, hiện trạng của cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp sẽ được định nghĩa bởi những người như chúng tôi", đó là nhắn nhủ của Bộ trưởng trẻ nhất Malaysia gửi đến diễn đàn hôm nay.
Theo ông Syed Saddiq, Chính phủ các nước phải đưa ra các chính sách về giáo dục, về con người bởi vì một số số quốc gia đã đi sau trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang Dịch vụ và kinh tế số. Asean sẽ phải đi đầu và khai thác tiềm năng chưa được khai thác của giới thanh niên.
Sắp tới đây khi trí tuệ nhân tạo phát triển, các công việc hướng vào công nghệ và đòi hỏi kỹ năng cao, các công việc được chuyên môn hóa nhiều hơn. Thực tế các điều kiện cần để có công việc tăng lên, các công việc lặp đi lặp lại sẽ được thay thế, nhiều người lo ngại chi phí giáo dục cao. Nhưng sắp tới chi phí giáo dục sẽ được giảm đi, sẽ có nhiều khóa học miễn phí trên mạng, những kỹ năng không cần thiết sẽ được loại bỏ.
Theo ông Syed Saddiq, tuổi trẻ cần có tham vọng và tìm ra những biện pháp không khác thường để tạo ra các kết quả khác thường. Nếu người trẻ theo đuổi đam mê sẽ làm được những điều kì diệu.
Nguồn: Theo Người đồng hành với mọi quyết định