gtag('config', 'UA-146424091-12'); Môn Cơ sở văn hóa Việt Nam và những hoạt động day - học tích cực

Môn Cơ sở văn hóa Việt Nam và những hoạt động day - học tích cực

Hưởng ứng phong trào dạy học tích cực của lãnh đạo trường Đại học Đông Á, các giảng viên khoa Kinh tế - Du lịch không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, nhằm khích lệ, lôi cuốn người học tham gia tích cực vào từng giờ học trên lớp.

Môn Cơ sở văn hóa Việt Nam là môn học vô cùng lý thú đối với những sinh viên yêu thích lịch sử - văn hóa của quê hương đất nước. Tuy nhiên, nó cũng rất khô khan, dễ nhàm chán bởi sinh viên học toàn lý thuyết, nhiều em bị khiếm khuyết về kiến thức môn lịch sử ở bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông nên rất khó nắm bắt được các đặc trưng văn hóa qua từng thời kỳ lịch sử. Để giúp sinh viên yêu thích môn học, chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức lịch sử - văn hóa tôi luôn cố gắng vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau để truyền tải nội dung.  

Kết thúc học kỳ 1 năm học 2014 - 2015 Tôi xin điểm lại những hoạt động dạy - học tích cực mà tôi và các học trò đã triển khai thực hiện trong môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam.   

1. Lập nhóm, giới thiệu làm quen và thảo luận những mong muốn của nhóm

Buổi đầu tiên lên lớp Tôi nhận danh sách tại Giáo vụ, sau đó chia lớp thành các nhóm (tối đa là 6 sinh viên/1nhóm). Kết thúc phần giới thiệu khái quát của Tôi về môn học, Tôi đọc tên sinh viên trong các nhóm, mời các em về ngồi đúng nhóm mà tôi đã chia, sau đó tôi giành cho các em 10 phút để tự giới thiệu bản thân và làm quen với các bạn trong nhóm, đồng thời nhóm thảo luận liệt kê ra những mong muốn của nhóm khi học môn này. Tiếp thep Tôi giành 10 phút cho các nhóm trình kết quả vừa thảo luận được. Đây chính là cơ sở để sau này Tôi định hướng nội dung giảng dạy phù hợp với nguyện vọng của các em.

Hình 1: Nhóm tự giới thiệu làm quen và thảo luận những mong muốn của nhóm.

2. Tóm tắt các nội dung chính của bài học bằng sơ đồ tư duy

Đây là phương pháp rất hay khi Tôi muốn sinh viên chuẩn bị bài trước khi lên lớp hoặc sau khi kết thúc chương học, nhằm mục đích cho các em thâu tóm lại nội dung chính sẽ học hoặc đã học. Giúp sinh viên nhớ và hiểu bài lâu hơn. Thực sự thì sinh viên rất thích phương pháp này, vì các em có thể tóm tắt được bài học một cách dễ dàng.

Hình 2: Sản phẩm chuẩn bị trước giờ học của các nhóm sinh viên

3. Đóng vai – xử lý tình huống

Một số người cho rằng môn Cơ sở văn hóa Việt Nam là môn cơ sở ngành, làm gì mà áp dụng được phương pháp dạy học đóng vai và xử lý tình huống, nhưng Tôi đã thử và thấy sinh viên cực kỳ thích thú với phương pháp này. Ví dụ khi dạy về văn hóa nông thôn, hay các Phong tục, tập quán của người Việt Nam. Tôi chuẩn bị trước một số tình huống (mâu thuẫn, hiểu nhầm phong tục, văn hóa..) liên quan đến các nội dung đó, và cho sinh viên thảo luận, đóng vai để xử lý các tình huống vừa nêu. 

 

Hình 3: Sinh viên thích thú khi đóng vai

4. Sắp xếp hình ảnh phù hợp với nội dung

Đây là phương pháp đòi hỏi sinh viên phải hiểu bài, nhanh và có sự phối hợp đồng đội nhóm cao. Nếu nhóm không có sự tập trung thì sẽ không lựa chọn được những hình ảnh phù hợp, và không phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên thì sẽ hết thời gian.

Kết quả qua các lần tổ chức thực hiện phương pháp này cho thấy, sinh viên bị giới hạn về thời gian, số hình ảnh phải hoàn thành. Vì vậy, các em không có đủ thời gian để mở bài giảng đọc, hoặc tra cứu Internet. Tôi hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này cả việc kiểm tra bài cũ, cũng như đặt vấn đề cho bài mới.

 

Hình 4: Hình ảnh đã được sinh viên sắp xếp theo từng chủ đề

5. Thuyết trình bằng slide

Tuy là sinh viên khóa 14 mới nhập học, nhưng các em đã biết làm slide, nhiều nhóm làm rất tốt. Phương pháp này Tôi thường sử dụng cho các môn học khi Tôi muốn sinh viên tự học nhóm ở nhà trước khi lên lớp. Đồng thời nó cũng giúp sinh viên rèn luyện sự tự tin khi thuyết minh trước đám đông. Giảng viên cho điểm công khai bằng cách kẻ một bảng ghi rõ các tiêu chí và điểm số bên cạnh.

 

Hình 5: Lần đầu thuyết trình nên hơi run – nhưng sinh viên vẫn hoàn thành trọn vẹn bài thuyết trình.

6. Họa sĩ sinh viên

Có nhiều nội dung trong môn học Tôi không không yêu cầu sinh viên thảo luận và ghi nội dung ra giấy, mà tôi yêu cầu sinh viên thảo luận và thể hiện lại các nội dung bằng hình ảnh. Đây là phương pháp rất hay, nó không chỉ giúp giảng viên đa dạng phương pháp dạy học, mà còn tạo cho sinh viên những hứng khởi mới mẻ, thông qua hoạt động tư duy bằng hình vẽ. Sau khi sinh viên vẽ xong thì Tôi cho sinh viên thuyết minh nội dung thông qua hình ảnh mà các em đã vẽ. Kết thúc Tôi tổng kết lại phần trình bày của sinh viên và tặng phần thưởng cho nhóm vẽ đẹp và đúng nhất.

Hình 6: Các họa sĩ thi tài trong giờ học văn hóa

7. Trực quan bằng hình ảnh thực tế

Cho sinh viên đi học thực tế tại các điểm văn hóa sẽ là một trải nhiệm thú vị. Bởi vì sinh viên không bị giới hạn bởi không gian học tập ngay tại lớp, tại trường mà các em có một không gian mở bên ngoài trường học. Với không gian học tập thực tế tại các điểm văn hóa, sinh viên sẽ thu nhận được rất nhiêu giá trị văn hóa bổ ích. Ví dụ khi tham quan bảo tàng điêu khắc Chămpa, sinh viên sẽ được hướng dẫn viên của bảo tàng thuyết minh về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng một cách chi tiết và tỉ mỉ. Điều này giúp sinh viên hểu sâu sắc hơn về nền văn hóa Chămpa. Đồng thời các em được giao lưu với nhiều khách tham quan là người nước ngoài.

Hoạt động này vô cùng có lợi cho giảng viên, bởi lẽ lúc này giảng viên không phải đóng vai trò là giảng viên chính nữa, mà chỉ thực hiện vai trò điều phối, hướng dẫn lớp tham quan học tập mà thôi. Bạn sẽ hỏi tại sao ư? Câu trả lời rất đơn giản. Lúc này Hướng dẫn viên của bảo tàng đóng vai trò là giảng viên chính thay bạn, họ sẽ trả lời tất cả mọi thắc mắc mà sinh viên đặt ra. Ngược lại sinh viên của bạn phải chăm chú nghe thông tin, vì sau chuyến đi họ phải làm bài Test mà bạn đã chuẩn bị. Để việc này thành công thì bạn cũng phải có kế hoạch trước, phải đặt ra các yêu cầu cho lớp hiểu rõ và thực hiện chúng trong suốt chuyến tham quan. Đồng thời sau chuyến đi bạn nên tổng kết lại các vấn đề cho sinh viên nắm bắt.

 

Hình 7: Sinh viên học tập thực tế tại Bảo tàng điêu khắc Chămpa.

Ngoài các phương pháp giảng dạy nêu trên, Tôi còn sử dụng thêm các phương pháp khác như: Tổ chức trò chơi nhỏ trong lớp; Đố nhanh liên quan đến các nhân vật lịch sử hoặc các triều đại phong kiến của Việt Nam…

Vẫn còn rất nhiều điều tôi phải khắc phục qua từng buổi lên lớp, tuy nhiên khi nhìn những nụ cười trên gương mặt của mỗi sinh viên, nhìn cách các em tự giác, tích cực trong học tập Tôi cảm thấy vui và tự tin hơn với phương pháp dạy học mà tôi đã lựa chọn.

Nguyễn Thị Thu Phương