Trong cuộc sống, có nhiều nhà kinh doanh hoặc lo ngại, nhìn trước nhìn sau, không dám ra tay, hoặc bước đi chậm chạp làm lỡ mất thời cơ, hối lại đã muộn. Chỉ có những doanh nhân cao kiến, có con mắt tinh đời, nắm chắc thời cơ, nhanh chóng xuất kích mới có thể làm nên chuyện lớn
1. Câu chuyện xuất xứ
Ở một góc rừng nọ, nơi mà rất ít muông thú biết đến, họ hàng nhà tre sống quây quần đoàn tụ với nhau. Trong số những cây tre đẹp nhất phải kể đến là Điền Trúc. Nó có thân hình cao lớn vượt trội, nước da xanh thẫm bóng mượt, năm nào nó cũng cho ra đời 3 đến 4 lứa măng mũm mĩm, chóng lớn khác thường.
Mùa hè đã đến, những mầm măng lún phún mọc từ đầu xuân nay đã khoác tấm áo vàng cứng cáp vươn cao mình trong ánh nắng ấm áp. Điều lạ là năm nay Điền Trúc chỉ ươm được một chồi măng duy nhất. Nó không hề buồn rầu mà lại hết sức tự hào vì chồi măng lớn nhanh như thổi, thân măng dong dỏng cao hơn đầu người, lớp vỏ ngoài nõn nà. Điền Trúc thường xuyên chăm chút, che chở cho búp măng non với một niềm tin mãnh liệt rằng không lâu nữa búp măng sẽ trở thành một cây tre đẹp nhất rừng.
Một hôm, có chú gấu con vì ham chơi nên lạc vào nơi họ hàng nhà tre sinh sống. Gấu con ồ lên kinh ngạc khi phát hiện ra nơi đây, ngập tràn những búp măng đang đua nhau mọc mơn mởn trông thật hấp dẫn, mà măng lại là món khoái khẩu của chú. Điền Trúc không thèm bận tâm và vẫn say sưa ca hát. Nó nghĩ rằng búp măng của mình cao lớn thế, con gấu bé tẹo kia làm sao với tới mà bẻ gãy ngọn được.
Và tiếng hát của Điền Trúc đã thu hút sự chú ý của Gấu con. Nó lập tức chạy tới chỗ búp măng cao lớn với ý định sẽ bẻ mang về làm thức ăn cho cả gia đình. Nhưng dù cố lay hết sức thì gốc măng cũng chỉ hơi nghiêng một chút. Đang trong lúc bí, bỗng nhiên gấu con thấy rừng cây xào xạc khác thường, một cơn gió lớn không biết ở đâu bất ngờ ào qua khiến mọi vật đều nghiêng ngả.
Đúng lúc chồi măng non cúi người thấp xuống để né gió, gấu con bất thần nhào tới víu lấy ngọn măng cố sức bẻ thật mạnh, chồi măng lập tức bị gãy phập xuống gần gốc. Điền Trúc chưa kịp nhận ra thì gấu con đã hớn hở ôm cả củ măng chạy biến về nhà.
Nhờ có gió, gấu con mới bẻ được măng, ấy là việc mượn sức người khác để đem lợi về cho mình. Nhưng mượn sức còn phải biết lựa đúng lúc mà hành động mới thắng lợi, đó là việc nhanh nhạy chớp thời cơ.
2. Cốt lõi kế sách
Cốt lõi của kế “Mượn gió bẻ măng” là: Tay thì yếu mà măng thì cứng, mượn chiều gió thổi lựa thế bẻ măng. Đó chính là việc chớp thời cơ tận dụng ngoại lực để tăng sức mạnh của mình.
3. Ý nghĩa vận dụng trong kinh doanh
Trong kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, kế này đặc biệt quan trọng để chớp cơ hội kinh doanh phát triển thị trường.
Trên thị trường lúc nào cũng có những cơ hội như những cơn gió mạnh giúp ta bẻ được những đọt măng lớn. Nhưng phải nhìn ra và phải chớp thời cơ mới giành được cơ hội đó.
Trong cuộc sống, có nhiều nhà kinh doanh hoặc lo ngại, nhìn trước nhìn sau, không dám ra tay, hoặc bước đi chậm chạp làm lỡ mất thời cơ, hối lại đã muộn. Chỉ có những doanh nhân cao kiến, có con mắt tinh đời, nắm chắc thời cơ, nhanh chóng xuất kích mới có thể làm nên chuyện lớn
MỘT SỐ MINH HỌA VIỆC ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KẾ SÁCH
1. Yahoo chớp thời cơ tung dịch vụ Internet mới
Ngày 11/9/2001, vụ khủng bố tại nước Mỹ đã gây chấn động tinh thần không chỉ đối với người dân nước này mà còn đối với toàn thế giới. Nhiều hoạt động trong nước Mỹ bị ngừng trệ, rất nhiều người dân dè dặt không dám ra khỏi nhà trong nhiều tuần lễ.
Chớp thời cơ ngàn năm có một, ngày 27/9/2001, tức chỉ 16 ngày sau vụ khủng bố xảy ra, Yahoo đã tung ra dịch vụ truyền phát internet mới là “Dịch vụ hội thảo ảo”. Rất nhiều doanh nhân trên toàn cầu đã chọn giải pháp gặp mặt ảo trên internet thay vì gặp gỡ mặt đối mặt.
Dịch vụ hội thảo ảo cho phép các công ty tiếp đón hàng nghìn người tham dự hội thảo cùng lúc dù họ ở những địa điểm cách xa nhau. Cuộc họp có thể thiết lập ngay sau 4 tiếng đồng hồ và chi phí trọn gói khoảng 50.000 -70.000 USD.
2. Biến thông tin thành cơ hội làm giàu
Irkut Corp là một trong những công ty chuyên sản xuất mát bay lớn nhất của Nga và là đối thủ lớn của các hãng Boeing (Mỹ) và Euro Fighter (EU) trong lĩnh vực xuất khẩu. Ông Alexey Fedorov-chủ tịch tập đoàn Irkut Corp cho rằng thành công của tập đoàn là do luôn nắm bắt được sự biến đổi của xu thế thời đại, quyết đoán và biết tận dụng cơ hội một cách đúng lúc.
Châu Á hiện được coi là một thị trường trọng điểm nhập khẩu máy bay trên thế giới. Khi nắm được thông tin từ Tạp chí Hàng không quân sự (Infomost) dự báo Châu Á bắt đầu chuộng các sản phẩm của Nga, Irkut đã chớp thời cơ ráo riết thâm nhập thị trường này theo phương thức riêng của mình để cạnh tranh với các đối thủ có tên tuổi khác. Với loại máy bay chất lượng tương đương của Mỹ, Irkut bán với giá rẻ hơn từ 20-30 triệu USD do bán theo tiền rup của Nga (bằng 35% so với USD), đồng thời lập trung tâm tại Ấn Độ và sắp tới là ở Malaysia để tạo niềm tin cho khách hàng trong khâu dịch vụ và các linh kiện thay thế.
3. Chiến thắng ngoạn mục của FPT
Tháng 7/2003, dịch vụ Internet tốc độ cao ADSL chính thức được cung cấp tại Việt Nam với nhà cung cấp chủ lực là VNN chiếm tới 70% thị phần, FPT chỉ chiếm 30%. Với mạng điện thoại phủ khắp nơi, VNN cung cấp ADSL trên cơ sở hạ tầng có sẵn rất thuận lợi. Nhưng do lượng khách hàng tăng vọt quá nhanh đã khiến cho việc cung ứng của VNN quá tải, khách hàng đăng ký Mega VNN phải chờ đợi một thời gian để VNN lắp đặt thêm cơ sở hạ tầng mới.
Chớp thời cơ này, FPT với cam kết đảm bảo thời hạn cung cấp dịch vụ cho khách hàng tối đa trong vòng 7 ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ sự năng động, linh hoạt trong triển khai chiến lược kinh doanh, lượng khách hàng mới của FPT đã tăng lên đáng kể và trở thành đối thủ đáng gờm của VNN.
4. Tỷ phú chớp thời cơ
Vincent Bolloré không chỉ là một trong những người giàu nhất nước Pháp mà còn là người có thế lực rất lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Ông là một tỷ phú đa năng, tham gia vào tất cả các lĩnh vực, mọi ngành nghề kinh tế như: công nghiệp sản xuất giấy, vận tải biển, mở đồn điền cacao, hàng không, ngân hàng, tài chính, xuất bản, truyền thông và giải trí. Các tổng giám đốc điều hành của các tập đoàn, công ty lớn luôn lo sợ mất ghế vì Vincent Bolloré có thể can thiệp bất cứ lúc nào.
Tập đoàn Bolloré vốn là một công ty chuyên sản xuất giấy của dòng họ Bolloré từ trên 180 năm. Do không thể cạnh tranh với thị trường nên đã bị phá sản với một núi nợ không thanh toán được và buộc phải bán lại cho ngân hàng.
Lúc đó Vincent Bolloré mới chỉ 28 tuổi, ông đã chớp thời cơ mua lại nhà máy cũ với giá tượng trưng 1 Franc nhờ mối quan hệ tốt với giới kinh doanh. Từ đây ông đã gây dựng nên một sự nghiệp kinh doanh ngoạn mục. Năm 2004, doanh thu của tập đoàn Bolloré đạt hơn 6 tỉ USD và Vincent Bolloré đã thu về cho riêng mình gần 200 triệu USD lợi nhuận.
5. Nhạy bén đoán trước thời cơ
Flinka là ông chủ của công ty gia công thực phẩm King PHILIPs của Mỹ. Một ngày, ông đọc được mẩu tin “Mexico phát hiện hàng loạt bệnh kiểu ôn dịch” và vô cùng mừng rỡ. Ông cho rằng nếu Mexico thực sự phát sinh ôn dịch ắt sẽ lây truyền sang bang California, Texas và ảnh hưởng tới toàn nước Mỹ.
Hai bang này là cơ sở chính cung ứng thực phẩm của nước Mỹ. Chắc chắn tình hình cung ứng các loại thịt sẽ căng thẳng, giá thịt nhất định tăng mạnh. Flinka lập tức cử John Brown – bác sĩ gia đình nhanh chóng nghe ngóng thăm thú tình hình và xác định đúng là ở Mexico có ôn dịch hoành hành ghê gớm. Flinka lập tức dồn toàn bộ vốn liếng mua thật nhiều thịt bò và thịt lợn của hai bang California và Texas rồi kịp thời vận chuyển đến miền Đông nước Mỹ dự trữ. Không ngờ ôn dịch nhanh chóng lan sang mấy bang phía Tây, chính phủ Mỹ hạ lệnh nghiêm cấm tất cả thực phẩm của các bang này vận chuyển ra ngoài.
Lúc này, các loại thịt ở Mỹ thiếu nghiêm trọng, giá tăng vọt, khiến cho dân chúng lao đao. Trong tình huống đó, Hãng King PHILIPs này tung ra bán toàn bộ thịt lợn, thịt bò đã mua trước đây, bình ổn được giá cả thị trường, tạo ra nguồn cung cấp kịp thời cho người dân. Chỉ trong vài ngày số tiền họ thu về lên đến 9 triệu đô la.
6. Phương Tây “nổi lửa” phương Đông “được của”
Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, khắp nước Mỹ nổi lên một trận cuồng phong khủng khiếp, đó là bệnh AIDS. Chưa có loại thuốc nào trị nổi căn bệnh đáng sợ đó mà một trong những nguyên nhân gây bệnh là quan hệ tình dục. Người Mỹ vừa muốn duy trì quan niệm tình dục phóng túng lại vừa sợ phải đi gặp Chúa. Người ta phát hiện thấy có một vật nhỏ mọn có thể ngăn chặn được tử thần, đó là bao cao su. Lúc đó ở Mỹ chưa sản xuất nhiều loại dụng cụ này trong khi nhu cầu trên thị trường đột nhiên tăng vọt.
Ở phía Đông bán cầu, người Nhật lập tức nhìn thấy ngay “mỏ vàng” bên Mỹ. Chỉ trong thời gian rất ngắn, nhiều công ty Nhật đã huy động hết công suất, tăng ca, tăng giờ, sản xuất lượng lớn bao cao su rồi hỏa tốc đưa sang thị trường Mỹ, vài trăm triệu bao cao su bán hết nhẵn trong một thời gian ngắn.
Bệnh AIDS đốt lòng người dân Mỹ, khiến họ bàng hoàng, tranh nhau đi mua bao cao su, làm cho thị trường căng thẳng, giá tăng vọt. Các vị thương gia Nhật Bản nhằm đúng thời cơ kiếm lời to.
7. Khó khăn chồng chất ở GM là cơ hội cho Toyota hoàn tất mộng bá chủ
GM motor đang điên đầu vì hao tiền tốn của kém hiệu quả cho các hoạt động sản xuất xe ở thị trường Bắc Mỹ, lại phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử của hãng. Thậm chí đã có dự đoán rằng hãng sẽ phá sản trong nay mai sau khi công ty cung cấp phụ tùng ô tô hàng đầu của Mỹ Delphi tuyên bố phá sản.
Trong lúc GM đang chuẩn bị đóng cửa hàng loạt nhà xưởng như vậy thì đối thủ quốc tế Toyota lại đang mở thêm nhà máy tại Bắc Mỹ. Cụ thể, Toyota cho biết sẽ mở xưởng lắp ráp loại xe pickup nhãn Tundra ở San Antonio ngay năm sau và xưởng lắp ráp loại xe SUV nhãn RAV4 ở Ontario năm 2008. Mạnh bạo hơn, những người Nhật đầy tham vọng trong hãng đã thiết kế lại mẫu xe sedan Avalon có khả năng thay thế Buick Lucerne, mẫu xe của GM vẫn luôn chiếm vị trí độc tôn trong tâm thức người Mỹ. Chuyên gia ôtô Michael Robinet của hãng CSM Worldwide ở Mỹ cho biết việc Toyota thay thế GM như là hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới hòng hoàn tất mộng bá chủ ngành công nghiệp này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cụ thể hơn, chuyên gia này cho biết Toyota sẽ vượt mặt GM ngay trong nửa đầu năm 2006 tới. Tại thời điểm ấy, năng lực sản xuất xe của Toyota ước đạt 8,82 triệu chiếc, cao hơn mức ước đoán 8,77 triệu chiếc của GM. Hãng xe Toyota cho biết sẽ chiếm 15% thị phần ôtô toàn cầu trong thập kỷ tới chứ không muốn dừng lại để giữ gìn mức 12% hiện nay.