gtag('config', 'UA-146424091-12'); Nhập môn về cách đọc sách học tập và nghiên cứu hiệu quả

Nhập môn về cách đọc sách học tập và nghiên cứu hiệu quả

Lời mở đầu

Nhiều người chúng ta hay nghĩ việc đọc sách thật nhàm chán và khó khăn. Thứ nhất vì sách có quá nhiều từ ngữ khô khan, khó hiểu để hình dung. Lẽ thứ hai, việc đọc sách cần nhiều sự kiên trì, tìm tòi và nhẫn nại ngày tháng, đặc biệt phải tập trung bền bỉ. Dù vậy, rất khó để chối cãi được lợi ích của việc đọc sách, nhất là với giới học giả và trí thức trong việc tăng vốn hiểu biết và bồi đắp thêm tư tưởng.

Tầm quan trọng của sách còn hơn cả thế. Sách là nền móng của sự hiểu biết, là khởi nguồn của sáng tạo. Thông qua bài viết này, tác giả xin giới thiệu với độc giả của tạp chí Vietnam Journal of Science về một cách đọc sách trong học tập và nghiên cứu học thuật. Hy vọng rằng sẽ giúp các bạn cải thiện việc đọc và trang bị thêm kỹ năng cần thiết trên con đường học tập và nghiên cứu sắp tới.

Nên chọn sách như thế nào?

Đọc sách cần phải có chọn lọc, ưu tiên thứ tự rõ ràng, từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao, sắp xếp dẫn dắt đến chung một vấn đề lớn và nhìn ra bức tranh toàn cảnh. Khi mới bắt đầu, nên đi từ đại cương trước để tìm hiểu các khái niệm và ý tưởng cơ bản. Trước khi bắt tay vào tìm hiểu sâu một chủ đề nào đó, tốt nhất là bạn nên tham khảo thêm trước những danh sách đọc của những tổ chức hay trường đại học có uy tín (tham khảo bảng bên dưới).

Tuyển tập
Bộ sách kinh điển theo khuyến cáo của Đại học Harvard (1909) [4]
Bộ sách dành cho nghiên cứu sinh ngành Toán học (1980-hiện nay) [5]
Phần đọc cho chương trình tiến sĩ (1989-2003) [6]
Chủ đề
Lịch sử, thơ ca, khoa học, triết học, luận văn, chính trị, tôn giáo và một số chủ đề có liên quan
Toán học
Khoa học nhận thức
Dung lượng
51 phần, mỗi phần 400 - 450 trang
274 cuốn
Khoảng 65 cuốn sách và các bài báo
Soạn bởi
Tiến sĩ Charles William Eliot
NXB Springer-Verlag
Trường Đại Học Bang California, San Diego
Bảng 1. Một vài tuyển tập sách đọc kinh điển và hàn lâm được sử dụng trên thế giới.

Bên cạnh đó, tuỳ vào mục đích, cũng nên có từng cách đọc khác nhau để điều chỉnh tốc độ nhanh chậm từng phần nhằm nắm được những điểm cốt lõi và tránh lãng phí thời gian. Để tra cứu, hãy đọc lướt nhanh những mục chính và điểm qua những từ ngữ quan trọng (Skim và scan). Tuy nhiên với việc học và nghiên cứu khoa học chuyên sâu, cách này dụng tốc bất đạt, chỉ đi qua được phần bề mặt mà thiếu tìm hiểu bên trong, dễ khiến cho việc hiểu hời hợt và nông cạn. Đọc một lần chưa chắc đã đủ, mà nên chia thành nhiều lần. Mỗi lần cần đọc chậm rãi, có khi đối chiếu lại với các sách khác và cả kiến thức bản thân. Nhờ vậy, ta mới có thể nhìn thấy được điểm sáng để mà phát triển ý tứ thêm ra.

Chi tiết các bước đọc sách

Bước 1: Chuẩn bị

Trước khi đọc nên nghĩ ra những câu hỏi và tích cực suy nghĩ trước về điều tác giả định nói. Ngoài ra, bạn hãy xem thêm các ý kiến của những nhà phê bình để thấy ra trước những điểm hay dở, nhờ vậy có thể chú ý tới phần cốt lõi khi đọc và tiếp thu nhanh hơn ý tưởng trong từng phần.

Hãy viết trước ra giấy những vấn đề mình quan tâm có mối liên hệ với vấn đề được bàn luận trong cuốn sách. Sau này, nên chủ động điểm lại từng câu hỏi và đối chiếu cùng với những cuốn tương đồng xem liệu có nghĩ ra được ý nào hay hơn chưa.

Một vài trang mạng cho phép bạn đọc trước được nội dung tóm tắt và nhận xét của các nhà phê bình về những đầu sách khác nhau. Amazon, goodreads, librarythings hay các mạng xã hội dành cho và blog của các nhà nghiên cứu hàng đầu là những nguồn tốt để tham khảo.

 

Bước 2: Tổng quan

Nhìn qua mục lục để xem sách được tổ chức và bố cục như thế nào. Bạn có thể vẽ bằng sơ đồ hình ảnh (mind map) hoặc đơn giản là hình dung lại trong tâm trí mỗi lần đọc lại. Điều này cực kỳ hữu ích khi ta muốn quay lại theo dõi một cuốn sách đang dang dở mà vẫn tránh được việc rơi rớt ý. Thêm vào đó, việc này cũng giúp ta truy cứu lại thông tin nhanh và tiện lợi hơn khi đã nắm được tổng thể của cuốn sách, thay vào việc sử dụng phụ lục cuối sách hay kỹ thuật đọc lướt.

Gợi ý các bước dùng trong tìm hiểu tổ chức và bố cục sách:

- Sử dụng sơ đồ hình ảnh hoặc hình dung lại cấu trúc của cuốn sách.

- Thử tự mình định hình lại cấu trúc của nội dung sách thông qua tiêu đề các chương, các mục và phân mục bên trong.

- Đọc qua bìa của cuốn sách để biết sơ lược các thông tin chung.

- Đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản và lời mở đầu của tác giả.
 

Một vài câu hỏi dùng để tìm hiểu tổng quan về sách:

- Cuốn sách này thuộc thể loại nào, ví dụ như hướng dẫn, báo cáo hay diễn giải?

- Chủ đề được bàn luận thuộc những mảng nào?

- Bố cục sách được tổ chức ra sao?

- Những vấn đề trọng tâm mà tác giả đang cố gắng giải quyết là gì?
 

Xem thêm Hình bìa về một ví dụ về một bản đồ tư duy được dùng để điểm lại những thông tin quan trọng cuốn "Tư duy nhanh và chậm" của tác giả Daniel Kahnelman.  Xem ảnh gốc tại đây.

Bước 3: Đồng điệu

Khi đọc sách, để hiểu được rõ rang ý của tác giả, bạn nên dành thiện ý nhất định. Nếu đã có sẵn nhiều thành kiến sẽ dẫn tới việc ta chỉ tập trung tìm điểm yếu của sách mà chỉ trích, mà chẳng học hỏi được những điểm tốt điểm mạnh. Ngược lại, nếu chỉ để ý cuốn sách theo một cách ngưỡng mộ thái quá sẽ dẫn tới việc bị mê muội, chẳng phân rõ tốt xấu đúng sai, hoàn toàn bị kiểm soát suy nghĩ bởi tác giả. Người đọc như vậy là thiếu ý chí và lười biếng, còn người phía trước lại mắc căn bệnh trầm kha bảo thủ khó tìm được thuốc chữa.

Một vài gợi ý thực hành sau đây có thể giúp bạn tránh phải những khuyết điểm này như:

- Đánh dấu những đoạn tâm đắc trong sách để đọc lại.

- Khoanh tròn những ý, từ ngữ còn khúc mắc.

- Thử "trò chuyện" với cuốn sách.

- Tích cực tìm kiếm những luận điểm chính cho từng phần.

- Tra cứu thêm những sách cùng chủ đề để mở rộng góc nhìn.
 

Bước 4: phê bình và phân tích

Đọc sách phải có óc phê bình và phân tích. Tuy nhiên, đừng nên quá gay gắt nếu có bất đồng tư tưởng. Hãy tôn trọng tác giả, lưu ý rằng có sự khác biệt giữa ý kiến và kiến thức. Đừng hãy vội đưa ra những đánh giá mang tính chỉ trích khi chưa có một lý do cụ thể.

Những việc cần làm để phê bình và phân tích hiệu quả:

- Chỉ ra những chỗ tác giả chưa đề cập tới.

- Chỉ ra những chỗ tác giả diễn đạt chưa tốt.

- Chỉ ra những chỗ chưa hợp lý trong lập luận.

- Chỉ ra những phân tích hay ví dụ chưa hoàn chỉnh.

Bốn ý ở trên là dành cho việc nói về sự không đồng tình với tác giả. Nếu không tìm được câu trả lời nào để đưa ra, ít nhất thì bạn cũng đã thiên về phía ủng hộ, cho dù  vẫn đang còn phải phân vân về ý cuối cùng.

Bước cuối cùng: tổng kết

Để đúc kết lại những điều đã đọc nhằm tham khảo về sau, bạn nên tự viết lại bản tóm tắt các ý chính được nêu lên. Ngoài ra, việc bình luận thêm suy nghĩ và cảm xúc về cuốn sách cũng cực kỳ hữu ích, vì đó chính là điều mà bạn có thể chia sẻ với bạn bè hay đồng nghiệp. Quá trình này cũng sẽ giúp bạn nảy ra các ý tưởng sáng tạo thú vị dựa trên nội dung đã đọc.

- Viết bản tóm tắt nội dung ngay khi có thể sau khi đọc xong cuốn sách.

- Nên xem đi xem lại và điểm qua các ý quan trọng.

- Viết thêm những dòng bình luận.

- Đối chiếu với những sách tương đồng xem có khác gì không.

Kết

Mở trang sách, mở cả thế giới. Việc đọc sách giống như bước vào một khu vườn bí mật với vô vàn điều kỳ diệu. Nơi đó, ta đóng vai như một người khám phá, tiếp xúc những ý tưởng tuyệt đỉnh của nhân loại, gặp gỡ những bậc kỳ tài vĩ nhân trên thế giới và phát hiện thêm những đại dương tri thức rộng mênh mông. Việc đọc sách một cách đúng đắn sẽ giúp bạn tiến những bước dài trong hành trình vĩ đại ấy. Thông qua VJS, tôi hy vọng rằng bài viết này đã phần nào giúp ích cho các bạn biết thêm và hình dung rõ nét hơn về kỹ thuật đọc sách. Chúc các bạn thành công.

Tác giả: Phượng Ng, Thạc sĩ ngành toán- tin học tại trường Đại học Bắc Paris, CH Pháp, hiện đang công tác và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam