Những thách thức khi khởi sự kinh doanh

Khởi sự kinh doanh là một bước đi dài và có thể sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn. Bạn phải hết lòng đưa việc kinh doanh đạt được thành công, nghĩa là sẽ có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng kết quả có thể mang lại lợi nhuận và niềm vui cho bạn.

Bạn sẽ có rất nhiều lợi điểm trong việc khởi sự kinh doanh:

  • Được tự chủ: Khi là ông chủ của chính mình bạn sẽ không phải tuân thủ mệnh lệnh, làm việc với nhịp độ của chính bạn; có khả năng tự kiểm soát cuộc sống mình hơn và vì thế bạn phải có trách nhiệm với tương lai của mình. Và điều này cũng sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người bạn gặp.
  • Có được sự thỏa mãn đối với công việc của mình: Khi bạn cung cấp được một sản phẩm hay dịch vụ tốt cho khách hàng và điều này được thực hiện theo cách riêng của bạn, bạn sẽ rất hài lòng. Thường thì bạn sẽ chỉ kinh doanh ở lĩnh vực bạn thực sự quan tâm và thích thú. Vì thế trong quá trình kinh doanh, bạn sẽ gặp được những người có chung sở thích với mình.
  • Có được thành quả và thành công: Nếu bạn làm việc tốt, bạn sẽ được công nhận, có uy tín, thu được lợi nhuận khi làm việc tốt; và được tận hưởng cảm giác sáng tạo, đóng góp cho cộng đồng và đất nước. Món quà này cũng thật có ý nghĩa cho những gì bạn đang phấn đấu và cố gắng.
  • Hoàn thiện chính con người bạn: Khi kinh doanh, bạn có vô vàn cơ hội để trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Các doanh nghiệp trẻ thành đạt thường là những người sáng tạo, năng động, táo bạo, quyết đoán, hiểu biết, chuyên nghiệp và có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời. Họ có được những điều này nhờ quá trình tôi luyện trên thương trường.

Nhưng bạn cũng có nhiều vấn đề phát sinh khi làm người chủ.

  • Phải làm việc suốt ngày đêm.
  • Không có ngày nghỉ ngơi và thời gian dưỡng bệnh khi ốm.
  • Chịu rủi ro với các khoản tiết kiệm của mình, gia đình, bạn bè và người thân.
  • Không được hưởng những khoản tiền thường xuyên giống như người đi làm công ăn lương, như tiền thưởng, phụ cấp công tác.
  • Phải lo lắng về tiền lương cho công nhân và các khoản nợ, thậm chí có lúc bản thân không được hưởng lương.
  • Phải làm những việc mà bạn không thích như rửa dọn, mua bán.
  • Phải lo toan quá nhiều việc, không có thời gian đi chơi với bạn bè và dành cho gia đình.

Nếu bạn đã có một công việc ổn định, nên cân nhắc kỹ việc phải từ bỏ các đảm bảo, phúc lợi, các khoản tiền được trả thường xuyên. Tiến hành một công việc kinh doanh sẽ rất căng thẳng. Bạn cần phải tính đến những thách thức đáng sợ mà mình phải đối mặt.

Hãy nhớ rằng một công việc kinh doanh có thể bị thất bại và người chủ trẻ tuổi sẽ bị thua lỗ vì rất nhiều lý do sau:

  • Không có nhiều tiền đầu tư cho kinh doanh: Là thanh niên còn trẻ nên bạn có rất ít tiền riêng. Để có kinh doanh, bạn phải cần có sự hỗ trợ tài chính rất nhiều của gia đình, bạn bè hoặc đi vay.
  • Quản lý tiền mặt và các khoản tín dụng kém: Cho khách hàng mua trả chậm nhiều mà không kiểm tra khả năng thanh toán của họ, và không có cách thức thu tiền hợp lý.
  • Chi phí kinh doanh quá cao: Không kiểm soát nổi các chi phí như đi lại, giải trí, thuê mặt bằng, tiền điện, điện thoại...
  • Quá nhiều vốn đọng dưới dạng tài sản: Quá nhiều hàng lưu kho, thiết bị và xe cộ mà lại không đủ tiền mặt để chi trả cho nhu cầu hoạt động hằng ngày.
  • Khó khăn về tiếp thị: Bán hàng không đủ khách vì quảng cáo không hấp dẫn, chất lượng hàng kém, dịch vụ nghèo nàn và cách trưng bày thiếu hấp dẫn.
  • Địa điểm kinh doanh đặt ở mặt phố khuất, khó tìm hoặc ở quá xa khách hàng.
  • Quản lý hàng lưu kho kém: Trong kho còn tồn đọng quá nhiều loại hàng không đưa ra bán hoặc trưng bày.
  • Bạn còn trẻ nên chưa có nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm trong việc tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến doanh nghiệp, ví dụ thông tin về thị trường tiêu thụ, và mức độ rủi ro trên thương trường.
  • Các vướng mắc trong công tác quản lý nhân sự: Bạn không phân biệt được rạch ròi giữa các vấn đề bạn bè, gia đình và xã hội với hoạt động kinh doanh, vốn kinh doanh. Ví dụ bạn có thể nhận bạn bè vào làm việc cho mình mà không biết cách xử lý thích hợp những tình huống khi người bạn đó có những việc làm sai trái.
  • Gian lận và trộm cắp: Nhân viên ăn trộm tiền hoặc hàng hóa của doanh nghiệp.
  • Tai họa hay sự cố: Mất mát do cháy, bão lụt hoặc những tai họa khác và mất mát mà người quản lý chưa mua bảo hiểm cho doanh nghiệp.

Tất cả vấn đề này có thể hạn chế được nếu bạn tự rèn luyện, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Theo Tài liệu hướng dẫn thanh niên lập nghiệp