Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam: Chỉ mới Start mà chưa có Up

Trong phong trào khởi nghiệp hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt đang chứa đựng yếu tố sao chép nhiều hơn là đổi mới sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt đang chứa đựng yếu tố sao chép nhiều hơn là đổi mới sáng tạo.

Lãnh đạo Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) cho rằng, đa số doanh nghiệp được gọi là khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đang ở quy mô vừa và nhỏ do chưa có công nghệ và chưa có khả năng bùng nổ. 

Khởi nghiệp hay còn gọi là Startup cần sự bùng nổ trong thời gian ngắn, nhưng tư duy về khởi nghiệp hiện nay của nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chỉ theo kiểu lối mòn như trồng cây gì, nuôi con gì kể cả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi hoạt động khởi nghiệp diễn ra rất sôi động cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp Việt đang sao chép ý tưởng là từ những doanh nghiệp ở nước nhiều hơn là đổi mới sáng tạo; họ thường có xu hướng đi tìm các mô hình kinh doanh đã được chứng minh là thành công ở các quốc gia khác, đưa về và nội địa hóa cho phù hợp với thị trường Việt Nam.  Mặc dù có mang lại những kết quả nhất định nhưng đó vẫn chỉ là ‘copy cat’ chứ không phải là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay phá vỡ. Những doanh nghiệp bắt chước startup nước ngoài có thể thành công ở giai đoạn đầu nhưng về lâu dài thì sẽ tụt hậu.

Đặc biệt trong quá trình hội nhập, khi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước, doanh nghiệp khởi nghiệp đó sẽ không thể cạnh tranh và dần mất đi thị trường bởi lẽ các doanh nghiệp nước ngoài đã có thời gian dài phát triển, mạng lưới quan hệ và đối tác rộng khắp. “Chúng ta đang ở một giai đoạn quá sớm khi nhiều người đang đổ dồn đi khởi nghiệp nhưng lại chưa thực sự hiểu đúng thế nào là khởi nghiệp. Do đó, những chương trình nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tư duy của mỗi người là hết sức quan trọng. Nếu không có bước này, khởi nghiệp sáng tạo cuối cùng vẫn chỉ là mô phỏng, bắt chước và sao chép”, lãnh đạo SVF khẳng định.

Lấy kinh nghiệm từ Thụy Sỹ, ông Hiếu chỉ ra ba yếu tố cốt lõi để được đánh giá là một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.  Thứ nhất, đứng sau một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công là một người lãnh đạo trưởng thành có khả năng học hỏi, khả năng vấp ngã. Thứ hai là yếu tố công nghệ kỹ thuật, tiêu chí làm nên sức mạnh của startup và thứ ba là mô hình kinh doanh. Theo đó, nếu như yếu tố công nghệ làm nên sức sống của một cái cây thì mô hình kinh doanh được xem như là phương thức trồng. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện tại vẫn đang lẫn lộn hai yếu tố này, cho rằng mô hình kinh doanh là một dạng công nghệ mềm. Để các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, bền vững, ông Hiếu chỉ ra điều quan trọng nhất là cần bắt chước các nhà khởi nghiệp đã thành công ở nước ngoài trong việc tạo ra một môi trường sáng tạo và trải nghiệm.  Ở một góc độ khác, luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group cho rằng, tạo dựng một hành lang pháp lý rõ ràng và vững chắc là điểm nhấn và điểm ưu tiên để tạo một môi trường khởi nghiệp tốt, khuyến khích đầu tư vào các startup đặc biệt trong bối cảnh thị trường mới nổi đang thiếu vắng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tốt và có khả năng tăng trưởng mạnh.

‘Khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ mới có Start mà chưa có Up’

Luật sư Nguyễn Văn Lộc

Theo ông Lộc, hiện nay, Việt Nam đã có Luật hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên cần xem xét đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay chưa. Chẳng hạn, đối với việc đầu tư vào startup được quy định trong khoản 3 điều 18 của Luật hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà đầu tư sẽ được miễn giảm thuế trong một giai đoạn nhất định.

Tuy nhiên, hai Nghị định của Chính phủ ra đời chưa đề cập các văn bản thuế, như vậy câu hỏi được đặt ra là đến bao giờ các doanh nghiệp đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp mới được hưởng lợi. Một ví dụ khác là tại khoản 3 điều 5 của Danh mục và hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có ghi đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư. Lãnh đạo LP Group cho rằng điều này sẽ gây ra một sự mơ hồ, không rõ ràng và quá nhập nhằng. Bên cạnh đó, với quy định nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, luật sư Lộc cho rằng giới hạn này là không cần thiết. Vì điều này vô hình chung sẽ trở thành một rào cản trong việc đầu tư vào các startup. "Các văn bản luật sắp tới được ban hành cần tạo một hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư thiên thần tham gia vào quá trình đầu tư vào các startup", ông Nguyễn Văn Lộc nhìn nhận.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong việc cung cấp nguồn vốn - ‘bầu sữa’ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong vấn đề này, ông Lộc đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội cũng như các doanh nghiệp lớn đi trước, đã thành công; bởi lẽ đầu tư 1 đồng cho khởi nghiệp có thể tạo ra hàng trăm đồng để đầu tư cho các mục tiêu xã hội khác. “Vốn đầu tư cho khởi nghiệp không chỉ là vốn tài chính mà còn là vốn xã hội trong đó có mạng lưới kết nối từ các doanh nghiệp đã thành công, đi trước, dẫn đầu. Các doanh nghiệp này cần đặt các nhà khởi nghiệp trên vai mình”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Nguồn: Tin tức Việt Nam