QUAN HỆ LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

Căn cứ theo Bộ luật lao động số 45/2019/QH14, tại Khoản 5 Điều 3: Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.

 Với cách tiếp cận này, QHLĐ do nhiều chủ thể tương tác với nhau, gồm người lao động và tổ chức đại diện của người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, cơ quan nhà nước. Các chủ thể tương tác thông qua cơ chế tham vấn, đối thoại, thương lượng tạo thành cơ chế vận hành của QHLĐ.

* Cơ chế hai bên: Người lao động (đại diện của NLĐ) với Người sử dụng lao động, đại diện của NLĐ với đại diện NSDLĐ. Cơ chế hai bên được hình thành trên cơ sở tương tác giữa NLĐ (tổ chức đại diện của NLĐ) với NSDLĐ trong phạm vi doanh nghiệp hoặc giữa tổ chức đại diện của NLĐ với tổ chức đại diện của NSDLĐ trong phạm vi ngành thông qua cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của cả hai bên, xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định tiến bộ

                                                       Biểu đồ 1: Mối quan hệ tương tác hai bên trong quan hệ lao động

                                 Nguồn: Xử lý của tác giả từ “Báo cáo quan hệ lao động”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2017

* Cơ chế ba bên: Nhà nước – đại diện NSDLĐ – đại diện của NLĐ. Cơ chế ba bên là cơ chế hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, NSDLĐ và NLĐ (thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện chính thức của mỗi bên) để cùng nhau giải quyết những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực lao động. Trong cơ chế này, tổ chức đại diện NSDLĐ là “cầu nối” giữa NLĐ và NSDLĐ trong các quan hệ cụ thể và trong cơ chế hai bên, cơ chế ba bên nhằm hướng tới việc tăng cường đối thoại xã hội và cùng quyết định các vấn đề của lao động.

                                                    Biểu đồ 2: Mối quan hệ tương tác ba bên trong quan hệ lao động

                       Nguồn: Xử lý của tác giả từ “Báo cáo quan hệ lao động”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2017