SINH VIÊN KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH SAY MÊ VỚI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Đối với sinh viên, NCKH là quá trình trải nghiệm từ lý thuyết đến thực tiễn, giúp sinh viên bước đầu rèn luyện và nâng cao khả năng tư duy, tự khám phá, tự bồi dưỡng kiến thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học tập là công việc suốt đời, NCKH sẽ giúp sinh viên có kiến thức về phương pháp học và tự học, hình thành và hoàn thiện nhân cách, có tư duy tích cực trong nhận thức và hành vi

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là 1 trong những điểm mạnh của sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Đông Á. Năm học 2022-2023, Khoa QTKD có tất cả 28 đề tài NCKH của SV được nghiệm thu thành công. Các đề tài nghiên cứu xoay quanh các vấn đề có tính thời sự như: Tác động của truyền miệng điện tử (eWOM) đến ý định mua hàng trực tuyến của thế hệ Gen Z tại Đà Nẵng, Nghiên cứu các yếu tố tác động đến quyết định nhảy việc của Gen Z tại thành phố Đà Nẵng, Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tính xác thực thương hiệu trong ngành mỹ phẩm trên môi trường trực tuyến, Nghiên cứu tác động của mô hình kinh tế tuần hoàn đến chuỗi giá trị ngành F&B: Trường hợp các quán Cafe tại Đà Nẵng, xây dựng và phát triển thương hiệu Bơ Booth tỉnh Daklak …Các đề tài nghiên cứu đều có tính thực tế, ứng dụng cao và được đăng trên tạp chí Khoa học trường Đại học Đông Á.

Bên cạnh đó, năm học 2022-2023, Khoa QTKD có tất cả 7 đề tài nghiên cứu của SV tham gia cuộc thi SV NCKH cấp trường, trong đó có 05 đề tài đạt giải cao trong cuộc thi như: 01 Giải nhất Poster, 02 giải ba ý tưởng, 01 giải ba sản phẩm, 01 giải khuyến khích.

Ngoài tham gia cuộc thi SV NCKH cấp trường thì sinh viên khoa QTKD còn tham gia cuộc thi SV NCKH các cấp. Cụ thể, nhóm sinh viên Lê Văn Dũng, Vũ Huỳnh Mai Vi, Hà Anh Phương với đề tài “Tác động của truyền miệng điện tử (eWOM) đến ý định mua hàng trực tuyến của thế hệ Gen Z tại Đà Nẵng”, nhóm sinh viên Phạm Mạnh Duy Thành, Phan Thị Trúc My với đề tài “ Nghiên cứu các yếu tố của bao bì sản phẩm ảnh hưởng đến ý định mua của người tiêu dùng: áp dụng cho trường hợp mua đặc sản khô Đà Nẵng; nhóm SV Nguyễn Thị Kim Phượng, Lê Thị Thảo Ngọc, Nguyễn Thị Duyên với đề tài “Nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy hành vi vì môi trường không khí của sinh viên Đà Nẵng”  đã tham gia cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng 2022”, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka….).

Vì sao sinh viên Khoa QTKD “say mê” với NCKH?

1/ Lợi ích của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học

Đối với sinh viên, NCKH là quá trình trải nghiệm từ lý thuyết đến thực tiễn, giúp sinh viên bước đầu rèn luyện và nâng cao khả năng tư duy, tự khám phá, tự bồi dưỡng kiến thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học tập là công việc suốt đời, NCKH sẽ giúp sinh viên có kiến thức về phương pháp học và tự học, hình thành và hoàn thiện nhân cách, có tư duy tích cực trong nhận thức và hành vi. Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học có thể nhận được nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm:

  • Phát triển kỹ năng nghiên cứu: Sinh viên được hướng dẫn trong việc sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, từ việc thu thập dữ liệu, phân tích thông tin đến viết báo cáo và thuyết trình.
  • Hiểu rõ hơn về chuyên ngành: Tham gia nghiên cứu giúp sinh viên hiểu sâu hơn về lý thuyết và thực tiễn trong lĩnh vực học thuật của mình.
  • Xây dựng kỹ năng phân tích và logic: Quá trình nghiên cứu giúp sinh viên phát triển khả năng phân tích thông tin, đánh giá tài liệu, và xử lý dữ liệu một cách logic và có chất lượng.
  • Tạo cơ hội học hỏi từ giảng viên và các nhà nghiên cứu: Sinh viên thường có cơ hội làm việc cùng các nhà nghiên cứu, hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực của họ, từ đó học hỏi từ kinh nghiệm thực tế và kiến thức sâu rộng.
  • Tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề: Thông qua việc giải quyết các vấn đề phức tạp trong quá trình nghiên cứu, sinh viên có cơ hội phát triển kỹ năng tìm giải pháp sáng tạo và linh hoạt.
  • Tạo điểm nhấn cho hồ sơ cá nhân: Kinh nghiệm nghiên cứu có thể là một điểm nhấn quan trọng trong hồ sơ xin việc, xin học bổng, hoặc vào các chương trình sau đại học.
  • Khám phá và đóng góp vào tri thức mới: Sinh viên có thể đóng góp vào việc mở rộng kiến thức trong lĩnh vực của mình thông qua nghiên cứu, từ đó cũng thúc đẩy sự tiến bộ của ngành học đó.
  • Chuẩn bị cho các bước tiếp theo trong sự nghiệp: Kinh nghiệm nghiên cứu có thể là một bước nền tảng quan trọng cho việc theo học cao học hoặc các khóa học chuyên sâu.
  • Xây dựng mạng lưới quan hệ: Thông qua việc làm việc với các giảng viên, sinh viên khác và các chuyên gia, sinh viên có thể xây dựng mạng lưới quan hệ quý báu trong cộng đồng học thuật của mình.

Tóm lại, tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên khoa QTKD nâng cao kiến thức chuyên ngành mà còn phát triển nhiều kỹ năng mềm và mở ra cơ hội trong sự nghiệp học thuật và nghề nghiệp sau này.

2/ Quyền lợi của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học

Sinh viên tham gia NCKH,được đảm bảo các quyền lợi sau:

  • Sinh viên thực hiện đề tài NCKH được GVHD và Khoa hỗ trợ thực hiện đề tài.
  • Sinh viên được cộng điểm vào môn học có liên quan đến đề tài thực hiện (khoa quyết định về điểm cộng bao nhiêu và môn học được cộng).
  • Được cấp giấy chứng nhận tham gia nghiên cứu khoa học
  • Được cấp giấy khen, tiền thưởng khi đạt giải trong các cuộc thi
  • Được hỗ trợ gửi bài báo đi phản biện và đăng bài nghiên cứu lên Tập san Chuyên đề Sinh viên của Trường Đại học Đông Á và Tạp chí Khoa học Đại học Đông Á (nếu đáp ứng đủ điều kiện).
  • Được hỗ trợ thông tin các cuộc thi các cấp sẽ được tổ chức.

3/ Yêu cầu đối với các đề tài SV NCKH

  • Các đề tài phải có mục tiêu và đối tượng nghiên cứu phù hợp với mục tiêu đào tạo của các học phần trong chương trình đào tạo của người học; có sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, phương pháp định tính, hoặc các phương pháp nghiên cứu khác;
  • Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, phục vụ học tập trong nhà Trường;
  • Đề tài phải đảm bảo tính mới, không trùng lặp với các công trình nghiên cứu đã có;
  • Mỗi đề tài SV NCKH do 01 SV chịu trách nhiệm thực hiện chính, số lượng thành viên tham gia không quá 05 SV (khuyến khích có sự tham gia đồng thời của SV trên 2 niên khóa). Mỗi SV tham gia nghiên cứu tối đa 01 đề tài NCKH/1 năm học;
  • Sinh viên thuộc các đơn vị khác nhau có thể tham gia trong cùng một nhóm nghiên cứu; Khoa có sinh viên chịu trách nhiệm chính là đơn vị quản lý đề tài này;
  • Mỗi đề tài có 01 Giảng viên hướng dẫn, trong trường hợp đặc biệt cần có sự hỗ trợ hướng dẫn của 01 giảng viên hướng dẫn khác, đại diện đề tài thực hiện đề nghị bổ sung nhân sự hướng dẫn; đề nghị sẽ được xem xét bởi lãnh đạo Khoa và Trưởng Phòng QLKH;
  • Các đề tài tham dự SV NCKH cấp Khoa được yêu cầu sẵn sàng tham gia các cuộc thi SV NCKH cấp Trường và các cấp cao hơn.

4/ Các bước thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học

  • Tìm kiếm ý tưởng và thành lập nhóm.
  • Phát triển ý tưởng thực hiện đề cương nghiên cứu, tìm kiếm GVHD và đăng ký tên đề tài.
  • Xây dựng kế hoạch, đề cương thực hiện đề tài.
  • Báo cáo đề cương nghiên cứu trước Hội đồng khoa học Khoa để duyệt và có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
  • Thực hiện đề tài.
  • Nghiệm thu đề tài
  • Hoàn thiện, nộp báo cáo và sản phẩm nghiên cứu lên Phòng Quản lý khoa học của Nhà trường

5/ Tiêu chí đánh giá đề tài NCKH của sinh viên

  • Tính mới hoặc tính cấp thiết
  • Tính ứng dụng, tính khả thi hoặc hiệu quả kinh tế – xã hội
  • Tính khoa học trong phương pháp nghiên cứu, cách giải quyết vấn đề
  • Tính trung thực trong việc tham khảo tài liệu và nội dung nghiên cứu
  • Khả năng thực hiện đề tài, nghiệm thu đúng tiến độ, đúng nội dung đã đăng ký. Ngoài ra có điểm cộng quá trình: Trình bày bằng tiếng Anh và trả lời một số câu hỏi bằng tiếng Anh

Tiếp nối thành công từ năm học 2022-2023, năm học 2023-2024 có hơn 20 đề tài NCKH của sinh viên khoa QTKD sẽ được nghiệm thu vào tháng 4/2024, tham gia cuộc thi SV NCKH cấp Trường vào tháng 5/2024 và tham gia các cuộc thi khác do Thành phố, Quốc gia tổ chức. Các đề tài NCKH của sinh viên khoa QTKD tập trung vào các vấn đề kinh tế mang tính thời sự, các vấn đề về marketing, bán hàng trên thị trường… và cùng chờ đợi những thành công rực rỡ của các đề tài nghiên cứu trong năm học này nhé.

Nguồn: Ths. Nguyễn Thị Ngọc Dung