SINH VIÊN KINH DOANH QUỐC TẾ ĐẠI HỌC ĐÔNG Á: TỰ TIN NGHIÊN CỨU, LÀM CHỦ XU HƯỚNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ (PHẦN 1)

Khi thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, sinh viên ngành Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Đông Á không chỉ là người theo kịp xu hướng mà còn là những người đề xuất giải pháp thực tiễn cho thị trường. Một trong những câu chuyện nổi bật là nhóm sinh viên lớp IB21A1A gồm hai bạn Nguyễn Bích Trâm và Trần Phan Nguyên Kha với đề tài nghiên cứu đầy tính thời sự: “Tác động của hoạt động livestream bán hàng trên TikTok đến ý định mua sắm trực tuyến của Gen Z tại thành phố Đà Nẵng”.

Nhận thấy Đà Nẵng – một trong những trung tâm TMĐT hàng đầu cả nước – vẫn còn khá dè dặt trong việc khai thác hiệu quả hình thức livestream bán hàng trên TikTok, nhóm sinh viên đã mạnh dạn tìm hiểu các yếu tố tác động đến ý định mua hàng qua livestream của Gen Z – nhóm khách hàng trẻ, năng động và là lực lượng tiêu dùng chủ chốt trên nền tảng này.

    Qua quá trình khảo sát thực tế, nhóm đã phát hiện ra năm yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của Gen Z, đó là: tính hữu dụng, tính giải trí, tính tương tác, tính trực quan hóa và niềm tin vào người bán hàng. Dựa vào các yếu tố này, nhóm đã đề xuất các giải pháp rất cụ thể và dễ áp dụng. Chẳng hạn, để nâng cao tính trực quan hóa, nhóm khuyến nghị người bán hàng nên đầu tư vào chất lượng hình ảnh với các thiết bị quay chuyên nghiệp, sử dụng nhiều góc máy sinh động, chuyển đổi linh hoạt giữa các góc quay để khách hàng cảm nhận sản phẩm một cách chân thực nhất. Đặc biệt, nhóm nhấn mạnh việc kết hợp các hiệu ứng trực tiếp trên TikTok để sản phẩm nổi bật giữa hàng loạt buổi livestream đang diễn ra đồng thời. Về tính giải trí, nhóm đề xuất người bán nên tạo ra các buổi livestream vui nhộn với trò chơi tương tác, mini game tặng quà ngay trong lúc livestream để giữ chân khách hàng. Ngoài ra, việc mời những KOLs (người có ảnh hưởng) phù hợp với tệp khách hàng trẻ sẽ giúp tăng sức hút và mức độ lan tỏa của buổi bán hàng. Trong khi đó, để tăng tính tương tác, nhóm đưa ra các kỹ thuật như gọi tên người xem, tạo các câu hỏi đơn giản để khách hàng trả lời ngay trên livestream, và thiết lập đội ngũ hỗ trợ trả lời comment nhanh chóng trong lúc phát sóng. Nhóm còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì không khí sôi động và liên tục kêu gọi người xem tham gia vào các hoạt động ngay trong buổi livestream. Về niềm tin của khách hàng, nhóm cho rằng người bán cần đầu tư vào hình ảnh cá nhân, sử dụng các đánh giá thực tế của khách hàng cũ và cam kết rõ ràng về chất lượng sản phẩm. Cuối cùng, nhóm cũng nhấn mạnh tính hữu dụng của livestream phải được thể hiện qua thông tin sản phẩm đầy đủ, dễ hiểu, giá bán minh bạch và phải gắn với các chương trình ưu đãi thiết thực như freeship, mua 1 tặng 1, giảm giá theo khung giờ vàng ngay trong buổi livestream.

    Kết quả nghiên cứu của nhóm đã được báo cáo tại Buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa Quản trị Kinh doanh và nhận được sự đánh giá cao từ thầy cô và bạn bè. Không chỉ chứng minh khả năng nghiên cứu bài bản, hai bạn Nguyễn Bích Trâm và Trần Phan Nguyên Kha còn cho thấy tinh thần dám dấn thân vào những vấn đề mới mẻ, mang tính ứng dụng cao.

    Câu chuyện của nhóm sinh viên IB21A1A chính là minh chứng sống động cho tinh thần học đi đôi với hành của sinh viên ngành Kinh doanh Quốc tế, Đại học Đông Á. Tại đây, sinh viên không chỉ học để biết mà còn học để làm, để tạo ra những giá trị thực tiễn cho cộng đồng và cho chính mình. Nếu bạn đang tìm kiếm một môi trường năng động, nơi sinh viên được khuyến khích nghiên cứu và phát triển bản thân toàn diện, Kinh doanh Quốc tế – Đại học Đông Á sẽ là bệ phóng vững chắc để bạn chinh phục những mục tiêu lớn.