Thương hiệu Sony được coi là hiện thân cho tính cách tạo tiên phong và khả năng cạnh tranh hàng đầu của giới kinh tế Nhật Bản, cho sự gắn kết giữa thị trường Nhật Bản và thị trường bên ngoài và cho việc kết hợp giữa đáp ứng nhu cầu hiện tại với định hướng nhu cầu tương lai cho khách hàng.
Giá trị của Sony được hình thành nhờ sự trung thành với những triết lý kinh doanh và truyền thống sáng tạo để vươn lên đỉnh cao của hai người đã sáng lập ra tập đoàn là kỹ sư Masaru Ibuka và Akio Morita.
Biến nỗi hận thành động lực
Sony là tên gọi về sau của công ty Tokyo Tsushin Kogyo do Masaru Ibuka và Akio Morita thành lập ngày 7/5/1946. Sau này, rất nhiều người xây dựng huyền thoại về Sony từ ý tưởng ngẫu nhiên của hai kỹ sư Nhật Bản sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.
Mùa thu năm 1944, chàng kỹ sư Akio Morita, khi ấy 23 tuổi và vừa tốt nghiệp đại học về vật lý ở Osaka, được điều cử tham gia một đơn vị đặc biệt trong dự án nghiên cứu chế tạo vũ khí sử dụng tia hồng ngoại và thiết bị nhìn ban đêm. Ibuka nhiều hơn Morita 12 tuổi và từng phục vụ Hải quân Nhật Bản nhiều năm. Phát minh nổi tiếng nhất của Ibuka cho tới thời điểm đó là thiết bị phát hiện tàu ngầm. 140 thiết bị này đã được không quân và hải quân Nhật Bản sử dụng. Năm 1996, khi kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tập đoàn Sony, tập đoàn không những không quên, mà còn hết lời ngợi khen phát minh này của Ibuka, coi nó như sản phẩm trí tuệ của tập đoàn vậy. Năm 1944 là năm Ibuka và Morita gặp nhau lần đầu tiên trong Uỷ ban nghiên cứu chiến tranh.
Điều khiến hai người nhanh chóng có được tình bạn thân thiết không chỉ vì cùng có đam mê nghiên cứu sáng tạo, tìm tòi phát minh sáng chế, mà còn cả nỗi lo và sự tuyệt vọng về tình thế của nước Nhật trong chiến tranh, về tương lai của nước Nhật sau chiến tranh và về sự thua kém của nước Nhật trên phương diện khoa học công nghệ so với Mỹ. Hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki tháng 8/1945 còn là thảm hoạ cá nhân đối với họ. “Tôi không thể tin được. Khoảng cách về công nghệ giữa Mỹ và Nhật Bản thật khủng khiếp”, Morita đã thú nhận như vậy trong hồi ký của mình. Cả hai hạ quyết tâm không chỉ đuổi kịp, mà còn vượt lên trên nước Mỹ về công nghệ. Công ty Tokyo Tsushin Kogyo ra đời trong bối cảnh đó và với quyết tâm đó.
Hai người có quyết tâm và trí tuệ, còn tiền bạc và quan hệ thì đã có người khác lo. Cha của Morita là một nhà sản xuất rượu Sake rất nổi tiếng. Bố vợ của Ibuka là Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Nhật Bản thời hậu chiến. Họ phân vai rất rõ ràng: Ibuka là nhà phát minh, còn Morita đảm trách việc tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm đầu tiên của Sony là nồi cơm điện, nhưng không ai mua vì cơm nấu ra nếu không khô thì nát. Thành công đầu tiên của họ là chăn, gối, đệm sưởi điện - sản phẩm bán rất chạy trong bối cảnh tình hình đất nước khi đó. Thành công lớn thứ hai là máy ghi âm quay băng đầu tiên trên thị trường Nhật Bản. Nhưng kể cả sau những thành công ấy, công ty của hai người vẫn chỉ rất nhỏ với hơn 100 nhân công. Tất cả thay đổi đột ngột với chuyến công du đầu tiên của Akio Morita đến nước Mỹ năm 1953. Hận nước Mỹ là vậy, quyết tâm đánh bại nước Mỹ đến thế trong cuộc cạnh tranh về trình độ công nghệ mà rồi Morita lại nhanh chóng nhận ra rằng tương lai của hãng không phải ở Nhật Bản, mà là ở nước Mỹ. Bước ngoặt quyết định đối với công ty của họ là việc mua lại bản quyền chế tạo bóng bán dẫn của công ty Western Electric với giá 25000 USD.
Vậy là tám năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Nhật bại trận đã mua lại được một trong những phát minh quan trọng nhất của nước Mỹ thắng trận kể từ phát minh ra bom nguyên tử. Bốn năm sau, hai người cho ra xưởng chiếc đàn bán dẫn xách tay đầu tiên và viết nên lịch sử công nghiệp nước Nhật từ đó. Cũng từ đó, mỗi thành công của họ đều là một lần giải thoát khỏi cảm giác bị chế ngự bởi ưu thế công nghệ của Mỹ.
Từ đài bán dẫn, hai người làm ra những sản phẩm bán dẫn khác như vô tuyến truyền hình, máy ghi âm, máy quay và phát video, hệ truyền hình màu Trinitron, Walkman và CD, Play Station…. Hãng này nhờ vậy mà chinh phục được thị trường Mỹ và thị trường thế giới.
Bí quyết thành công
Bí quyết thành công của Sony là sự kiên định quyết tâm vươn lên tới những gì mà ở thời điểm hiện tại tưởng như không thể làm nổi về kỹ thuật và công nghệ. Điều này tạo cho thương hiệu hình ảnh biểu trưng cho sáng tạo và tiên phong về khoa học công nghệ, tạo được lòng tin ở người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm mang thương hiệu Sony, tạo mong đợi của khách hàng về những sản phẩm của hãng trong tương lai. Bí quyết thành công của Sony ở chỗ tập đoàn này đều tự phát minh ra tất cả sản phẩm - trừ mỗi chuyện mua bản quyền bóng bán dẫn năm 1953. Sản phẩm của Sony vì thế rất độc đáo, khó bị làm giả. Tập đoàn nhờ thế mà hoàn toàn chủ động trong phát minh sáng chế và sản xuất, không lệ thuộc vào bất cứ ai trong khi luôn có thể hợp tác hay thâu tóm bất cứ ai. Bí quyết thành công thứ 3 của Sony là tính thực dụng trong định hướng chiến lược của tập đoàn: chỉ làm ra những sản phẩm có thể tiêu thụ được.
Đánh giá sai triển vọng của hệ thống Video VHS (do Matsushita làm ra) và công nghệ âm nhạc MP3 (của Đức) là hai sai lầm lớn nhất đối với Sony. Nhưng bù lại, tập đoàn này luôn có những sản phẩm đi trước thời đại và có tác dụng như những cuộc cách mạng làm thay đổi cả lối sống và làm việc của con người như Walkman hay CD, Play Station hay chính chiếc đài bán dẫn bỏ túi.
Cái tên Sony đặt cho hãng và tên thương hiệu có từ năm 1957. Khi đó, Ibuka và Morita cần một cái tên đặt cho loại đài bán dẫn đầu tiên. Họ đã nghĩ tới thị trường Mỹ và muốn có một cái tên mà người dân Mỹ dễ chấp nhận. Sony là từ ghép của hai từ: từ sonus theo nghĩa latinh là âm thanh hay tiếng động, và từ sunny boy mà ngày ấy ở nước Nhật hay được sử dụng để chỉ những người trẻ tuổi có ý chí đi tiên phong. Ngay từ đầu thập kỷ 60, Sony đã vươn ra thị trường thế giới rất mạnh mẽ. Từ thập kỷ 80, Sony tiến hành cuộc chinh phục những lĩnh vực kinh doanh và đối thủ cạnh tranh khác. Năm 1985, Sony mua lại hãng âm nhạc CBS-Records và đổi tên thành Sony Music Entertainment; năm 1989 mua hãng phim Columbia/Tristar, đổi tên thành Sony Pictures Entertainment; cuối 2001, Sony hợp tác với Ericsson trong lĩnh vực viễn thông di động….
Theo thời gian, Sony đã trở thành thương hiệu được coi là một đại diện cho nước Nhật trên thế giới. Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là giá trị của thương hiệu này về mọi phương diện chắc chắn đã làm nguôi ngoai nỗi hận của hai người đã sáng lập ra nó và đã làm thoả mãn ước vọng của tất cả những ai cùng góp phần gây dựng nên nó được như ngày nay.
Theo Doanh Nhân