Suy nghĩ từ buổi tọa đàm "Cải thiện tính minh bạch môi trường kinh doanh ở các tỉnh thành phố Việt Nam"

Phòng VCCI chi nhánh Đà Nẵng đã tổ chức buổi tọa đàm “Cải thiện tính minh bạch môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố Việt Nam” với sự hiện diện của hai chuyên gia kinh tế cao cấp bà Phạm Chi Lan và ông Lê Đăng Doanh cùng với sự hiện diện của ông Trần Huỳnh Hữu – phó tổng thư kí VCCI .

Năm 2001 với chủ trương cải cách hành chính, mở cửa thông thoáng cho các nhà đầu tư đã có những bước đi và những thành công nhất định như hiện nay trong giai đoạn 10 năm. Những sự đổi mới này đã giúp mang đến cho Việt Nam lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên gấp nhiều lần. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ như hôm nay thì chính phủ cần có những chính sách cải cách mạnh mẽ hơn để hội nhập cùng với thế giới mà điều quan tâm hàng đầu hiện nay tại Việt Nam đó là tăng cường tính minh bạch đối với môi trường kinh doanh, đây cũng là một trong những cam kết quan trong Việt Nam đã kí kết khi tham gia tổ chức Thương mại thế giới - WTO. Với những nổ lực, cố gắng của chính phủ tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến với nước ta đó chính là đáp ứng sự mong mỏi của các nhà kinh doanh nước ngoài. Bắt nhịp xu hướng này, Phòng VCCI chi nhánh Đà Nẵng đã tổ chức buổi tọa đàm “Cải thiện tính minh bạch môi trường kinh doanh các tỉnh, thành phố Việt Nam” với sự hiện diện của hai chuyên gia kinh tế cao cấp bà Phạm Chi Lan và ông Lê Đăng Doanh cùng với sự hiện diện của ông Trần Huỳnh Hữu – phó tổng thư kí VCCI. Trong buổi tọa đàm này còn có sự tham gia của các cán bộ từ các sở kế hoạch đầu tư, trung tâm xúc tiến đầu tư đến từ khắp các tỉnh thành miền Trung.

Tại Buổi tọa đàm bắt đầu với bài nghiên cứu “Thực tiễn tốt trong tăng cường tính minh bạch của môi trường kinh doanh cấp tỉnh Việt Nam” được báo cáo một cách cụ thể, chi tiết bởi Đậu Anh Tuấn, Phòng VCCI Việt Nam. Báo cáo đã trình bày một số khái niệm về minh bạch, các cấp độ của minh bạch theo mức độ sẵn sàng cung cấp thông tin –cấp độ 1, cung cấp thông tin chủ động – cấp độ 2 và tham gia vào quá trình hoạch định, phản biện và giám sát chính sách – cấp độ 3.  Với những cấp độ khác nhau tác giả đã có các nghiên cứu cụ thể thông qua việc phân tích, đánh giá mô hình, quy trình hoạt động cung cấp thông tin tại các tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Và theo đánh giá chung của báo cáo thì mức độ minh bạch trong môi trường kinh doanh tại các cơ quan tỉnh thành ở Việt nam đều chỉ ở cấp độ 1 và 2.

Quá trình cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại các tỉnh thành thể hiện qua các website riêng đạt cấp độ 1. Tuy nhiên vẫn còn nhiều website hiện nay vẫn chưa mang lại sự hữu ích cao cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khi truy cập vào đây. Bởi đây cũng như là một phong trào thi đua giữa các tỉnh thành. Theo ông Lê Đăng Doanh có với những ý kiến góp ý đối với bài nghiên cứu cho rằng “Theo đúng nghĩa là website luôn tiêu tốn một lượng thời gian, tiền bạc để vận hành nó một cách hiệu quả. Tuy nhiên hầu như không phải mọi website của các tỉnh đều đã thực hiện tốt bởi việc thiếu những thông tin thật sự hữu ích cho các doanh nghiêp, các nhà đầu tư sử dụng để tìm kiếm thông tin bởi nó không mang lại những ích lợi thật sự cho họ. Điển hình như có những thông tin các đây 6 tháng vẫn còn hiện hữu trên web, không có những thông tin cập nhật hàng ngày, hay hàng tuần. Hoặc những sự kiện đã diễn ra rất lâu vẫn còn xuất hiện trên trang chủ của web. Hay những web với  mục chuyển đổi ngôn ngữ “Việt Nam – English” thì khi chuyển web sang mục tiếng Anh vẫn không có những thông tin bằng tiếng Anh.”

Và ở cấp độ 2 - chủ động cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. Các dữ liệu được chủ động công bố trên nhiều phương tiện nhằm giúp người dân và các doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách dễ dàng mà không cần đến hỏi các cơ quan quản lý. Ở cấp độ này các tỉnh thành đã sử dụng những mô hình khác nhau rất hay như tại Ninh Thuận với mô hình EDO tạo cơ sở cho các sở ban ngành khác học hỏi kinh nghiệm và áp dụng tại địa phương của mình, mô hình Hội đồng đầu tư tại Long An. Tại buổi tọa đàm các giám đốc sở kế hoạch đầu tư, các trung tâm xúc tiến đầu tư chia sẻ những điều vướng mắc, những kinh nghiệm và cùng nhau thảo luận trực tiếp.

Ở mỗi cấp độ của minh bạch điều cho thấy rằng việc cần có những thông tin cập nhật hay những thông tin chính xác từ phía các cơ quan lãnh đạo là điều cần thiết và mong mỏi của các doanh nghiệp. Với việc nêu ý kiến đánh giá chung về buổi tọa đàm bà Phạm Chi Lan cho rằng “ sự minh bạch, công khai trong cơ chế, chính sách là điều cần thiết hiện nay, bởi nếu Việt Nam không thực hiện nhanh chóng và ráo riết thì đây sẽ là sự trở ngại lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Và sự công khai minh bạch không chỉ là vấn đề của cơ quan chính phủ mà là tự các doanh nghiệp hãy thực hiện những sự công khai minh bạch trong nội bộ để mỗi doanh nghiệp trở thành những người đi đầu trong công cuộc đổi mới này.”

Với tư cách là khách mời tham dự buổi tọa đàm này tôi nghĩ rằng đây là cơ hội rất lớn cho các cơ quan, các doanh nghiệp có những khái niệm và sự hiểu biết về sự minh bạch công khai. Dù chỉ lắng nghe sự chia sẻ của các cán bộ sở ban ngành với những công việc chủ yếu là tiếp xúc các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì tôi nhận thấy rằng ở cấp độ 1 của minh bạch – sẵn sàng cung cấp thông tin là sự hữu ích trước hết. Qua báo cáo nghiên cứu, cũng những ý kiến nêu ra tại buổi tọa đàm này tôi nghĩ rằng sự công khai, minh bạch trong cơ chế chính sách là cần thiết đối với mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh bởi sự cạnh tranh ngày càng cao của môi trường kinh doanh. Và cải thiện môi trường kinh doanh chính là tăng cường sự công khai minh bạch.

Những suy nghĩ sau buổi tọa đàm về nghiên cứu thực tiễn về tăng cường cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh và những ý kiến đóng góp nếu được áp dụng trong lĩnh vực giáo dục thì sẽ có những cấp độ nào đã được và những cấp độ nào vẫn chưa hoàn thành. Dù giáo dục cũng đang là một ngành nghề kinh doanh phi lợi nhuận có sự khác biệt hơn so với các ngành nghề kinh doanh lấy lợi nhuận làm tâm điểm thì việc bắt kịp những của xu hướng xã hội như sự công khai, minh bạch trong các thông tin là điều quan trọng, hiện nay các trường đại học đang có những sự nổ lực lớn để đáp ứng được những yêu cầu của sự minh bạch. Trường Đại học Đông Á là một điển hình cho sự công khai minh bạch tạo điều kiện cho những nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm sự hợp tác, hay các sinh viên chọn Đại học Đông Á để đầu tư và nhận lấy kiến thức.

Trường Đại học Đông Á đã có website http://www.donga.edu.vn cung cấp thông tin cập nhật với các sự kiện của trường trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài như chương trình tiên tiến cần chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm, và nhân rộng hay tất cả các chương trình ủng hộ, quyên góp đồng bào lũ lụt ở các tỉnh Quảng Bình. Không chỉ thể hiện được sự cung cấp thông tin qua các tin tức cập nhật theo sự kiện, các trang web của trường còn cung cấp tất cả các thông tin cho sinh viên, giáo viên như theo trang web của bộ phận đào tạo sinh viên cập nhật các thông tin về lịch thi, về bảng điểm, về các ngành đào tạo đặc biệt là các văn bản hướng dẫn cho sinh viên trong kê khai thông tin liên quan đến sinh viên vơi sự hỗ trợ của nhiều bộ phận khác như phòng công tác học sinh sinh viên những thông báo biểu mẫu được cung cấp đầy đủ cụ thể để sinh viên hoàn toàn chủ động trong tiếp cận thông tin. Không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên và  giảm thời gian rất nhiều cho sinh viên đối với những thủ tục hoàn thành giấy tờ liên quan.

Sự minh bạch công khai thông tin, hỗ trợ cho các giáo viên cũng như các cán bộ khác đang công tác tại trường, thông qua trang web cbgv.donga.edu.vn tất cả các văn bản thông báo đều được chuyển tải lên trang web để các giáo viên cập nhật nhanh chóng và sắp xếp thời gian trong các công việc tại trường. Với trang mục quản lí nhân sự mỗi giáo viên được biết các vi phạm và nhanh chóng xử lí thông tin lỗi thông qua sự phản hồi. Đặc biệt sự công khai minh bạch theo yêu cầu của công văn số 9535/BGDĐT-KHTC ngày 27/10/2009 về việc báo cáo nội dung thực hiện qui chế công khai đối với cơ sở giáo dục Đại học theo qui định của thông tư 09/2009/TT-BGDĐT. Trường Đại học Đông Á đã triển khai số liệu thống kê, và báo cáo lãnh đạo Bộ. Với trang thông tin công khai trường đã công khai chất lượng đào tạo, chất lượng đào tạo thực tế, cơ sở vật chất, chi phí tài chính, qui mô đào tạo... Sự tích cực cung cấp thông tin cho thấy rằng sự minh bạch công khai đã phần nào đáp ứng được các yêu cầu ở cấp độ một và hai của sự minh bạch.

Ở cấp độ 3 của sự minh bạch trong đối tượng quản lí không chỉ có thể tiếp cận thông tin mà còn tham gia một cách chủ động vào quá trình hoạch định chính sách giám sát quá trình thực hiện chính sách đó. Sự tham gia này được coi là một phần của tính minh bạch vì nó giúp các đối tượng quản lý thể hiện nhu cầu và hiểu rõ bản chất các chính sách. Đây là một cấp độ mà các doanh nghiệp khi công khai minh bạch các thông tin cần có sự tham gia của các nhân viên đóng góp ý kiến trong việc đưa ra các chính sách thông qua các cuộc họp giao ban theo các hình thức triển khai khác nhau. Tại mức độ này trong thực tế hầu như các doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế bởi sự thẳng thắn trong việc đóng góp các ý kiến, sự thiếu lắng nghe các phản biện đối với các chính sách dù đã có rất nhiều sự cải cách để đạt đến cấp độ cao này. Và trường Đại học Đông Á cũng đang hòa nhịp với xu hướng này tạo điều kiện cho các nhân viên được góp ý, phản biện các chính sách của nhà trường tạo ra sự minh bạch công khai thông qua một số cuộc họp giao ban với các nhân viên được tiếp xúc giải bày với trưởng phòng hành chính nhân sự. Những bước đi ban đầu này đã cho thấy rằng trường Đại học Đông Á đang nổ lực hết sức mình để xây dựng trường ngày càng hoàn thiện hơn và thu hút được sự quan tâm của các đối tác đang mong muốn thiết lập các mối quan hệ và đầu tư lâu dài tại trường, đặc biệt là tạo ra sự tin tưởng trong sinh viên khi lựa chọn trường Đại học Đông Á để học tập và rèn luyện.

Hiện nay có thể nói rằng đề cập đến sự minh bạch, công khai trong giáo dục thì luôn đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của nhiều người. Việc áp dụng ba cấp độ của sự minh bạch vào việc đánh giá sự minh bạch công khai trong lĩnh vực giáo dục, điển hình là trường Đại học Đông Á chỉ đóng góp một phần nào đó vào việc giúp đưa ra một công cụ đánh giá có thể áp dụng để vận hành được hay không trong ngành nghề kinh doanh phi lợi nhuận này. Bởi giáo dục gắn liền chặt chẽ với việc chất lượng - một trong những tiêu chí cần công khai, minh bạch theo yêu cầu của Bộ Giáo dục. Và sự đo lường về chất lượng trong giáo dục phải luôn cần có một thời gian dài và sự đầu tư rất lớn về công sức lẫn chi phí để kiểm định. Vì vậy các trường trên cả nước nói chung và Đại học Đông Á nói riêng đang đặt ưu tiên hàng đầu của mình vào chất lượng đào tạo.

Gửi lời cảm ơn chân thành đến phòng VCCI chi nhánh Đà Nẵng đã tạo cơ hội cho tôi được tham dự buổi tọa đàm này để có những kiến thức, hiểu biết sự công khai minh bạch, và những cách thức mà các tỉnh thành đã áp dụng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh thành miền Trung để tôi có được những nhìn nhận về sự cần thiết trong việc công khai, minh bạch trong các thủ tục, chính sách ở lĩnh vực mà tôi hoạt động.