Tham luận của đại diện ĐH Đông Á về khai thác nước biển sâu được nhiều người quan tâm

Tại sự kiện “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU 2016” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trong ba ngày 10, 11 và 12/5/2016, đại diện Trường Đại học Đông Á - Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn đã trình bày tham luận mang chủ đề “Khai thác nước biển sâu - ngành công nghiệp tiềm năng đối với kinh tế biển Việt Nam”.

Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn trình bày tham luận "Khai thác nước biển sâu - ngành công nghiệp tiềm năng đối với kinh tế biển Việt Nam" tại sự kiện ASEAN-EU STI Days

ASEAN – EU STI Days 2016 có 15 hội thảo với sự tham gia của gần 600 đại biểu, trong đó gồm 358 đại biểu quốc tế đến từ trên 40 quốc gia khác nhau và 230 đại biểu trong nước. Sự kiện được tổ chức nhằm tăng cường hội nhập, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Liên minh châu  u. Trong dịp này, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trình bày nhiều các sáng kiến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc các lĩnh vực y tế, quản lý nguồn nước, an ninh và an toàn thực phẩm, đo lường, đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp.

Sự kiện ASEAN – EU STI Days 2016 thu hút gần 600 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới tham gia

Tham luận của Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn xoay quanh giá trị tiềm năng của ngành công nghiệp Nước biển sâu (Deep Sea Water - DSW), một ngành công nghiệp phát triển ở nhiều nước nhằm phục vụ nhu cầu y tế, chữa bệnh, dược phẩm, đồ uống cao cấp, sản xuất muối tinh khiết, nước chưng cất để ướp giữ thực phẩm... Tuy vậy, Việt Nam với tiềm năng của một quốc gia có trên 3.444 km bờ biển và thềm lục địa với độ sâu dưới 200m chiếm hơn nửa diện tích biển, nhưng nước biển sâu vẫn còn là một khái niệm xa lạ.

Qua bài tham luận, TS. Trần Ngọc Sơn đưa ra các giải pháp khai thác DSW trong nhiều lĩnh vực khác phục vụ đời sống 

Sản phẩm từ DSW đang có mặt trên thị trường Việt Nam chủ yếu sử dụng trong ngành dược phẩm. Vì vậy, thông qua phần trình bày của mình, tiến sĩ Sơn đưa ra các giải pháp khai thác và phát triển để có thể khai thác sử dụng nguồn tài nguyên này trong nhiều lĩnh vực khác phục vụ đời sống, trong đó có nước giải khát đóng chai, mỹ phẩm, chế biến thực phẩm…

Trong bối cảnh Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển” theo định hướng “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, đây là một giải pháp có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách về vấn đề khai thác nguồn tài nguyên biển nói chung và khai thác nguồn tài nguyên nước biển sâu nói riêng.