gtag('config', 'UA-146424091-12'); Tư duy đỉnh cao - kỹ năng của thế kỷ 21

Tư duy đỉnh cao - kỹ năng của thế kỷ 21

Ứng dụng kỹ năng tư duy vào việc học giúp học sinh vận dụng những kiến thức và thông tin theo cách hiểu rõ, hiểu sâu vấn đề. 

Trong truyện cổ "Alice lạc vào xứ sở thần tiên" của Lewis Carroll, cô bé Alice đã thưa với nữ hoàng: "Người ta có thể không tin vào những điều không thể", nữ hoàng tự tin đáp: "Ta dám nói rằng con đã không thực hành nhiều. Khi ta ở tuổi con, mỗi ngày ta luôn dành nửa giờ để thực hành. Tại sao, đôi khi ta đã tin hơn 6 điều không thể trước bữa ăn sáng". Giống như Alice, bạn khó mà tin rằng con người từng lên mặt trăng vì điều đó là không thể. Năm 1970, tại Mỹ đã xuất bản cuốn sách của J.Krainy "Có thật con người đã đặt chân lên mặt trăng không?". Ngược lại, nữ hoàng trong câu chuyện này là người có tư duy lãnh đạo vượt trội.

Những nhà lãnh đạo thường là cỗ máy sáng kiến, có khả năng suy đoán, lập luận vượt trội, nhìn xa trông rộng và thường vận động trí não liên tục. Để làm một việc gì đó, thường một người phải "nhìn thấy" việc đó trong đầu và "tin là đó là điều có thể", nói cách khác, người ấy phải hình dung, tưởng tượng, suy nghĩ về nó trước khi bắt tay vào thực hiện. Tất cả sự sáng tạo trong văn học, nghệ thuật, khoa học đều xuất phát từ trong suy nghĩ và niềm tin của con người trước khi có mặt trong thế giới này.

Người ta cho rằng thế kỷ 21 là kỷ nguyên dựa vào kỹ năng, ở đó tư duy lãnh đạo đóng vai trò đặc biệt và khả năng tư duy là một kỹ năng giúp phân biệt người lãnh đạo và kẻ theo gót. Trong bài viết gần đây của nhà báo Thomas Friedman trên New York Times, tác giả của quyển sách "Thế giới phẳng" nhấn mạnh: "Toàn cầu hóa đã làm nảy sinh vấn đề mới cấp bách, đó là trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để thành công trong thế kỷ 21".

Trong những năm đầu thế kỷ 20, một người được xem là có học chỉ cần đơn giản có các kỹ năng đọc, viết và tính toán. Nhưng đó là việc đào tạo nhân lực của hơn 50 năm trước theo nhu cầu của xã hội nông nghiệp và nền kinh tế sản suất. Hiện ở "thế giới phẳng", các công việc và nghề nghiệp của thế kỷ 21 đòi hỏi những kỹ năng vượt xa kiến thức và trình độ chuyên môn, đó chính là năng lực tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề đầy sáng tạo.

H1.jpg

Thế kỷ 21, sau kỷ nguyên của công nghệ thông tin, nhân loại đang bước vào thời đại của tư duy.

Thế kỷ 21, sau kỷ nguyên của công nghệ thông tin, nhân loại đang bước vào thời đại của tư duy. Ngày nay, chỉ cần một cái nhấp chuột, từ em bé 5 tuổi đến các cụ già 80 tuổi đều có thể truy cập thông tin dễ dàng. Việc tiếp cận công nghệ mới đã phổ biến và đơn giản. Nguồn thông tin không quá đắt nhưng kỹ năng xử lý thông tin thì "cực kỳ đắt" vì không phải ai cũng tư duy có phương pháp.

Rõ ràng trong một thế giới luôn biến động như hiện nay thì những tình huống cố định, những chuẩn mực khuôn mẫu có thể không còn hợp thời nữa. Các nhà giáo dục trên thế giới đã dần tin rằng kỹ năng tư duy ứng dụng trong việc học tập lẫn trong thực tiễn cuộc sống hiện đại là công cụ quan trọng và là một trong những phẩm chất, năng lực quan trọng bậc nhất của những nhà lãnh đạo tương lai. "Học sinh của tương lai" - những công dân toàn cầu cần có khả năng: tư duy giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và logic, ra quyết định, đưa ra sáng kiến - ý tưởng mới, phân tích thông tin, hoạch định tương lai

Ở các nước phát triển, những khóa học tư duy cho giới trẻ đã có từ lâu và được coi như một phần quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Nhà sư phạm nổi tiếng Maria Montessori chia sẻ: "Đừng giáo dục các em thế giới của hôm nay. Thế giới của hôm nay sẽ thay đổi khi các em lớn lên. Phải ưu tiên giúp các em biết cách phát triển tư suy sáng tạo và rèn luyện khả năng tự thích nghi".

Mục tiêu của nền giáo dục hiện đại nhắm đến việc giúp học sinh rèn luyện kiến thức và kỹ năng tư duy để đối đầu với những thách thức của ngày mai, cụ thể là hướng dẫn trẻ rèn luyện khả năng suy luận, lập luận, sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề, giúp trẻ nắm vững và hiểu sâu những kiến thức được trang bị trong trường để từ đó vận dụng trong việc học tập và cuộc sống.

Phương châm đào tạo "Học tập - suy nghĩ - hành động" (Learn - Think - Act) giúp chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng và thái độ cần thiết để tồn tại và thành công trong thế giới luôn biến động. Khi lớn lên, các em sẽ đảm nhiệm một số công việc trong vài lĩnh vực mà ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có. Và các công việc đấy đòi hỏi các em phải học hỏi quy trình mới, kỹ năng mới và cách làm việc với nhiều người khác. Hiện cả thế giới đang cần những người có năng lực tư duy hoặc khả năng suy nghĩ sâu sắc.

H2.jpg

Phương châm đào tạo "Học tập - suy nghĩ - hành động" (Learn - Think - Act) giúp chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng và thái độ cần thiết để tồn tại và thành công trong thế giới luôn biến động.

Bob Proctor trong quyển "Bạn sinh ra để giàu có" đã viết: "Tư duy là một chức năng cao cấp nhất mà con người có khả năng rèn luyện được". Và "nhiệm vụ nào khó khăn nhất trên thế giới?", đó là tư duy. Cốt lõi của tư duy chính là óc tò mò, ham học hỏi, sự đam mê và kiên nhẫn để đưa con người đến với những thành tựu vĩ đại. Ba trong số các nhà thiên tài tư duy của mọi thời đại: Newton, Darwin, Einstein hoàn toàn không hẳn chỉ có "bộ não xuất chúng" mà "một cái đầu lúc nào cũng đầy ắp câu hỏi".

Trong một xã hội năng động, hiện đại như hiện nay thì đòi hỏi phải có một chìa khoá mới để mở cánh cửa thành công, đó chính là khả năng tư duy hiệu quả. Khi học sinh càng học lên lớp lớn hơn thì việc học không còn đơn thuần là ghi nhớ, tiếp thu những kiến thức trong sách vở một cách thụ động. Giáo viên sẽ yêu cầu các em xử lý thông tin, kiến thức đã thu nạp và lưu trữ trong não bộ nhiều hơn, có thể là tưởng tượng và viết kết thúc mới cho một câu chuyện hoặc sáng chế nhạc cụ mới khi học về âm nhạc, so sánh Julius Caesar với Adolph Hitler hoặc đơn giản hơn so sánh thì bút mực và bút chì...

Đào tạo tư duy bài bản từ lúc nhỏ, trẻ sẽ trở thành người có khả năng tư duy hiệu quả - một khả năng vô giá khi lớn lên, đó là kiên nhẫn tìm kiếm giải pháp cho bất kỳ khó khăn gặp phải; nhận biết mỗi vấn đề không chỉ có một một lời giải mà có thể có rất nhiều lời giải; hiểu được một số vấn đề không dễ để tìm ra lời giải. Cuộc sống là như thế, thất bại không hẳn là do các em. Bên cạnh đó là tư duy có định hướng, đây là khả năng giúp cho các em luôn tìm ra cách giải quyết vấn đề đầy sáng tạo trong việc học cũng như trong cuộc sống và là nền tảng để rèn luyện tinh thần lãnh đạo và sự tự tin cao.

Ứng dụng kỹ năng tư duy vào việc học giúp học sinh vận dụng những kiến thức và thông tin theo cách hiểu rõ, hiểu sâu vấn đề. Các em sẽ nhận thức được kiến thức không hẳn chỉ là những thông tin cố định, không thể thay đổi mà có thể liên kết những ý tưởng, quan điểm, lý lẽ hoặc giải thích lại với nhau để bài học trở nên phong phú hơn, cụ thể:

1. Tư duy bậc cao.
2. Nắm vững kiến thức.
3. Hiểu rõ vấn đề.
4. Đối thoại hiệu quả.
5. Luôn cập nhật kiến thức thường xuyên.
6. Nắm bắt siêu ngôn ngữ (metalanguage).

Dĩ nhiên, kỹ năng tư duy không đảm bảo kết quả học tập tốt nhưng giúp các em học sinh chuẩn bị để ứng phó với những thay đổi trong suốt cuộc đời, phân tích, tổng hợp và áp dụng những điều được học trong trường. Học sinh càng nghiền ngẫm hay suy nghĩ kỹ về những điều được học thì các em càng hiểu rõ và sâu về điều đó, đây còn gọi "siêu nhận thức" (metacognition), một kỹ năng đỉnh cao của tư duy.

Nguồn: PDP - Thinking School